Gần đây, tình trạng xâm hại tính mạng, sức khỏe, đặc biệt là nạn xâm hại tình dục ở trẻ em diễn biến phức tạp, xảy ra ở nhiều dạng tội phạm khác nhau như giao cấu, dâm ô, hiếp dâm trẻ em. Trẻ em bị xâm hại tình dục dễ mặc cảm, phát triển không bình thường, khó hòa nhập với cộng đồng.
Những khó khăn
Từ ngày 1/1/2015-30/11/2019, Trung tâm Trợ giúp pháp lý (TGPL) Nhà nước tỉnh Phú Yên đã cử 87 lượt trợ giúp viên pháp lý thực hiện 40 vụ việc tham gia tố tụng để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho trẻ em trong các vụ án: Xâm hại tình dục trẻ em, cố ý gây thương tích đối với trẻ em, lừa đảo chiếm đoạt tài sản… Trong đó có 30 vụ việc xâm hại tình dục trẻ em dưới các hình thức như dâm ô với trẻ em, giao cấu với người từ đủ 13 đến dưới 16 tuổi và hiếp dâm trẻ em. Gần 75% vụ việc TGPL cho trẻ em bị xâm hại là TGPL cho trẻ em bị xâm hại tình dục. Những vụ án xâm hại đến trẻ em nói chung và xâm hại tình dục nói riêng luôn được trung tâm đặc biệt quan tâm. Trung tâm đã chủ động phối hợp với các cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng để kịp thời phát hiện và cử người thực hiện TGPL tham gia tố tụng để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho trẻ em là bị hại trong các vụ án hình sự, đặc biệt là bị hại trong vụ án xâm hại tình dục mà trẻ em là nạn nhân trực tiếp.
Tuy nhiên, trong thực hiện TGPL tham gia tố tụng, để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho trẻ em là bị hại thường có một số khó khăn như: Người bị hại và gia đình của người bị hại thường có tâm lý e ngại, sợ ảnh hưởng đến danh dự, cuộc sống gia đình nên khi xảy ra vụ việc, họ thường không trình báo với cơ quan có thẩm quyền mà giấu giếm, bỏ qua hoặc tự thỏa thuận với người có hành vi phạm tội và gia đình của người phạm tội; sự thay đổi tâm, sinh lý của bị hại và gia đình bị hại trong quá trình chờ xét xử, giữa gia đình bị cáo và gia đình người bị hại đã thỏa thuận… Qua đó gây khó khăn cho cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng và chính trợ giúp viên pháp lý trong quá trình thực hiện TGPL. Ngoài ra, các trợ giúp viên pháp lý thực hiện các vụ việc xâm hại trẻ em chưa được đào tạo về tâm lý học chuyên sâu, nên gặp khó khăn trong quá trình tiến hành lấy lời khai trẻ em, ảnh hưởng đến tiến độ giải quyết vụ án. Quá trình thu thập chứng cứ từ phía các cơ quan tiến hành tố tụng cũng gặp khá nhiều khó khăn do gia đình bị hại không biết cách thu giữ vật chứng cần thiết để giao nộp cho cơ quan chức năng. Một số gia đình để thời gian thỏa thuận kéo dài mới đề nghị cơ quan truy tố vào cuộc nên vô hình chung tạo điều kiện để người thực hiện hành vi phạm tội có đủ thời gian xóa dấu vết, các bằng chứng vật chất.
Thực hiện nhiều giải pháp
Để nâng cao hiệu quả giải quyết các vụ án xâm hại trẻ em, trong thời gian tới, cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp như: Tuyên truyền về Luật TGPL bằng nhiều hình thức, phương pháp để người dân, đặc biệt là người dân ở vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn nhận thức đầy đủ hơn về Luật TGPL, trung tâm TGPL và quyền được TGPL để thực hiện khi có yêu cầu. Đồng thời tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác phối hợp liên ngành về TGPL trong hoạt động tố tụng. Đẩy mạnh việc tuyên truyền, giáo dục pháp luật về giới, về tình dục, về quyền của phụ nữ và trẻ em một cách sâu rộng, có trọng tâm, trọng điểm để các nạn nhân, gia đình nạn nhân hiểu và nhận thức đầy đủ quyền của mình để đấu tranh phòng, chống tội phạm xâm phạm tình dục trẻ em, huy động mạnh mẽ sự tham gia của cả cộng đồng trong phòng chống xâm hại tình dục trẻ em. Nâng cao chất lượng đội ngũ người thực hiện TGPL, đặc biệt là chú trọng đầu tư, bồi dưỡng, phát triển đội ngũ trợ giúp viên pháp lý theo hướng chuyên nghiệp, chuyên sâu đáp ứng nhu cầu TGPL của người được trợ giúp. Thường xuyên tổ chức học tập, trao đổi, rút kinh nghiệm trong công tác TGPL trong hoạt động tố tụng từ các giai đoạn điều tra, truy tố, xét xử các vụ án về xâm hại tình dục ở trẻ em. Đồng thời nâng cao chất lượng nguồn lực thực hiện TGPL, trong đó có TGPL chuyên sâu về trẻ em đảm bảo tính ổn định theo từng lĩnh vực công tác. Có như vậy, hoạt động TGPL cho trẻ em, đặc biệt là trẻ em bị xâm hại tình dục mới thực sự đem lại hiệu quả, góp phần quan trọng trong đấu tranh phòng chống tội phạm, ổn định chính trị, an toàn xã hội ở địa phương.
LƯƠNG VĂN TRƯƠNG
Giám đốc Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh