Nghị định 100/2019/NĐ-CP của Chính phủ được áp dụng từ đầu năm nay, cho thấy quyết tâm đẩy lùi tai nạn giao thông qua việc xử lý các hành vi vi phạm nồng độ cồn. Tuy nhiên, thời gian gần đây, tình trạng người dân điều khiển phương tiện khi có nồng độ cồn lại có dấu hiệu tái diễn. Trước tình hình đó, lực lượng chức năng đang tăng cường các giải pháp, mạnh tay xử lý các trường hợp vi phạm.
Cục Cảnh sát giao thông (CSGT) đã có văn bản chỉ đạo CSGT Công an các tỉnh, thành phố tiếp tục đo nồng độ cồn nhưng quá trình kiểm tra phải tuân thủ các bước phòng chống dịch COVID-19 theo khuyến cáo của Bộ Y tế.
Tái diễn vi phạm nồng độ cồn
Nghị định 100/2019 thay thế Nghị định 46/2016 có hiệu lực từ 1/1/2020, quy định mức xử phạt cao hơn trước rất nhiều đối với các hành vi, vi phạm giao thông. Đáng chú ý, nghị định mới tăng mức xử phạt tối đa đối với các hành vi vi phạm quy định về nồng độ cồn. Cụthể, người điều khiển ô tô vi phạm nồng độ cồn ở mức cao nhất, phạt tiền từ30-40 triệu đồng, tước quyền sử dụng giấy phép lái xe 22-24 tháng đối với người điều khiển phương tiện có nồng độ cồn vượt quá 80 miligam/100 mililit máu hoặc vượt quá 0,4 miligam/lít khí thở. Sau thời gian đầu thực thi, lực lượng CSGT đã triển khai nhiều chuyên đề tập trung xử lý vi phạm nồng độ cồn. Qua đó, nghị định này đã tác động mạnh đến ý thức của người tham gia giao thông. Nhiều người dân bày tỏ sự đồng tình với mức phạt mới và kỳ vọng sẽ góp phần nâng cao ý thức chấp hành các quy định an toàn giao thông (ATGT), giảm tai nạn đáng tiếc.
Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, một số người dân đã “quên” và quay lại thói quen cũ, điều khiển phương tiện khi có nồng độ cồn trong người. Anh Nguyễn Văn Nam ởxã Hòa Thành, huyện Đông Hòa, cho biết: Dịp Tết Nguyên đán vừa qua, CSGT xử lý vi phạm nồng độ cồn khá gắt nên đa số mọi người đều thực hiện nghiêm. Nhưng gần đây thì thấy khá lơ là. Đa số cho rằng vì ảnh hưởng của dịch COVID-19 nên lực lượng chức năng sẽ không kiểm tra nồng độ cồn.
Từ khi các hoạt động kinh doanh dịch vụ ăn uống được mở cửa đón khách, tình trạng người điều khiển phương tiện giao thông sau khi uống rượu bia đã tái diễn. Chị Nguyễn Thị Hoa, một người dân ởphường 7, TP Tuy Hòa, cho biết: Hàng quán mở bán, nhiều người lại tập trung ăn nhậu. Nhất là trong dịp nghỉ lễ 30/4 vừa qua, các quán nhậu gần như chật kín người. Nhiều người thoải mái uống rượu bia, sau đó lại tự lái xe trên đường rất nguy hiểm. Tôi nghĩ lực lượng chức năng nên tiếp tục siết chặt công tác tuần tra, xử lý nồng độ cồn để kịp thời ngăn chặn nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông.
Xử lý nghiêm
Theo UBND tỉnh, những tháng đầu năm 2020, tình hình trật tự ATGT trên địa bàn tỉnh diễn biến khá phức tạp. Tai nạn giao thông tăng về số người chết so với cùng kỳ. Nguyên nhân chủ yếu là do một bộ phận thiếu ý thức khi tham gia giao thông, lực lượng chức năng tập trung phòng chống dịch bệnh, giảm lượt tuần tra dẫn đến tâm lý chủ quan của người dân trong các lỗi vi phạm về trật tự ATGT, trong đó có vi phạm nồng độ cồn. Chính vì vậy, dù đang trong giai đoạn phòng chống sự lây lan của dịch COVID-19 nhưng lực lượng CSGT trên địa bàn tỉnh vẫn tiến hành kiểm tra nồng độ cồn theo quy định.
Theo Đội CSGT, trật tự cơ động, Công an TP Tuy Hòa, dù trong thời điểm có dịch COVID-19 nhưng lực lượng CSGT thành phố vẫn thực hiện nghiêm việc kiểm tra nồng độ cồn đối với người điều khiển phương tiện tham gia giao thông. Việc kiểm tra này không tổ chức theo chuyên đề mà thực hiện thường xuyên trong quá trình tuần tra kiểm soát. Nếu thấy người điều khiển phương tiện có dấu hiệu vi phạm nồng độ cồn, lực lượng chức năng sẽ yêu cầu dừng phương tiện để kiểm tra. Nhiều đối tượng vi phạm đưa ra rất nhiều lý do như: vừa ăn cơm ở nhà có uống mấy lon bia hoặc có giỗ, hay viện cớ không chịu thổi vào máy đo nồng độ cồn do sợ lây lan dịch bệnh… Song lực lượng chức năng vẫn xử lý nghiêm theo quy định.
Theo trung tá Võ Hùng Tường, Trưởng Phòng CSGT Công an tỉnh, để đảm bảo không xảy ra tình trạng lây nhiễm COVID-19 trong quá trình kiểm tra, lãnh đạo Công an tỉnh đã yêu cầu cán bộ CSGT phải trang bị đầy đủ các dụng cụ như: găng tay, khẩu trang, nước xịt khuẩn… Các ống thổi sau khi kiểm tra xong đều phải được thay mới cho lần kiểm tra tiếp theo và loại bỏ vào túi ni lông theo quy định. Đồng thời, máy thổi đều được khử trùng như hướng dẫn của Bộ Y tế.
Lâu nay, thông điệp “Không uống rượu bia rồi lái xe”, “Uống rượu bia rồi lái xe là tội ác” xuất hiện thường xuyên trên cộng đồng mạng xã hội cũng như các phương tiện thông tin đại chúng. Bộ GT-VT cũng ban hành nhiều văn bản về việc tăng cường kiểm tra, xử lý các vi phạm liên quan đến việc sử dụng rượu bia khi làm nhiệm vụ, điều khiển phương tiện tham gia giao thông. Theo ông Nguyễn Bá Khải, Phó Giám đốc Sở GT-VT, Ủy viên thường trực Ban ATGT tỉnh, để kiềm chế tình trạng vi phạm nồng độ cồn, Ban ATGT tỉnh đã và đang triển khai nhiều chương trình tuyên truyền cao điểm về nồng độ cồn như tuyên truyền ATGT tại nơi công cộng, treo các pa nô, bảng tuyên truyền với các thông điệp như: “Tính mạng con người là trên hết”, “Đã uống rượu bia thì không lái xe”... Các hình thức tuyên truyền được triển khai bằng nhiều hình thức sinh động để thu hút sự quan tâm của người dân.
NHƯ THANH