Do nôn nóng muốn kết thúc vụ án, Nguyễn Việt Cường (nguyên điều tra viên Công an TP Tuy Hòa) đã viết thêm nội dung trong các biên bản hỏi cung, vì nhận thức rằng nếu không ghi thêm các nội dung này vào các biên bản hỏi cung, thì không có chứng cứ nào khác để buộc tội nghi phạm. Tuy nhiên, hành vi này đã khiến ông vướng vòng tố tụng.
Ngày 5/5 tới đây, TAND tỉnh sẽ đưa vụ án làm sai lệch hồ sơ vụ án ra xét xử sơ thẩm đối với bị can Nguyễn Việt Cường sau thời gian tạm hoãn do phòng chống dịch COVID-19.
Từ ghi thêm nội dung vào bản hỏi cung người vợ
Ngày 31/5/2019, Công an TP Tuy Hòa có quyết định đình chỉ điều tra vụ án hình sự đối với bà Anh do hết thời hạn điều tra mà không chứng minh được bà thực hiện hành vi phạm tội. |
Theo cáo trạng truy tố của Viện KSND Tối cao, năm 2012, Nguyễn Việt Cường được phân công điều tra vụ án “vận chuyển trái phép chất ma túy” đối với 3 bị can ở TP Tuy Hòa. Các bị can khai gửi tiền vào TP Hồ Chí Minh mua ma túy chuyển về Tuy Hòa bán, tên người nhận tiền có lúc là Từ Phạm Quang Vinh, có lúc là Nguyễn Ngọc Hồng Anh (vợ ông Vinh).
Ngày 20/3/2013, ông Cường triệu tập bà Anh để ghi lời khai. Nội dung biên bản ghi lời khai và bản tự khai thể hiện bà Anh giúp ông Vinh trong việc nhận tiền, đưa tiền cho chồng mua ma túy gửi về Tuy Hòa bán. Tuy nhiên, theo bà Anh, biên bản ghi lời khai ngày 20/3/2013 là do Cường tự ghi, không cho bà đọc lại; còn bản tự khai cùng ngày là do ông Cường đọc để bà ghi và ép ký. Trong khi ông Cường nói rằng nội dung các tài liệu này là lời khai và tự khai của bà Anh.
Ngày 2/5/2013, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP Tuy Hòa khởi tố bị can đối với bà Anh và ông Vinh về tội “mua bán trái phép chất ma túy”.
Tiếp đó, ngày 13/6/2013, ông Cường triệu tập bà Anh để hỏi cung. Tại biên bản hỏi cung, bà Anh khai không biết, không liên quan đến việc chồng bà và các bị can khác mua bán trái phép chất ma túy. Ghi biên bản hỏi cung xong, ông Cường đưa cho bà Anh đọc lại và ký tên. Sau đó điều tra viên này tự viết thêm vào phần trả lời của bà Anh trong biên bản hỏi cung nội dung: “Khi nhận tiền tôi biết tiền này đưa chồng tôi là mua heroin (ma túy) gửi về Tuy Hòa, Phú Yên vì chồng tôi nói cho tôi biết” và “Khi nhận tiền lần đầu tôi không biết là để mua ma túy, các lần sau tôi biết”.
Ngày 25/3/2014, TAND TP Tuy Hòa xử sơ thẩm, tuyên phạt bà Anh 7 năm tù về tội mua bán trái phép chất ma túy. Sau đó, ngày 16/9/2014, TAND tỉnh xử phúc thẩm tuyên hủy án sơ thẩm để điều tra lại; án phúc thẩm cũng nhận định để có cơ sở vững chắc kết tội bà Anh thì phải thu thập lời khai của ông Vinh (lúc đó đã bỏ trốn).
Đến ghi thêm vào bản hỏi cung người chồng
Ngày 26/1/2015, Từ Phạm Quang Vinh bị bắt. Theo cáo trạng, ông Nguyễn Việt Cường tiếp tục thực hiện hành vi làm sai lệch hồ sơ vụ án nhằm buộc tội bà Anh đồng phạm với ông Vinh.
Sự việc diễn ra trong ngày 29 và 31/3/2015, tại nhà tạm giữ Công an quận Phú Nhuận (TP Hồ Chí Minh), sau khi hỏi cung xong và cho ông Vinh đọc, ký chốt biên bản hỏi cung. Trong khi ông Vinh viết lời tự khai, ông Cường dùng 1 cây bút khác ghi thêm vào phần trả lời của ông Vinh các nội dung có tính chất buộc tội đối với bà Anh.
Cụ thể, ông Cường viết thêm: “Việc vợ tôi nhận tiền đưa cho tôi thì biết tiền này mua ma túy gửi về cho Thanh”, “Tất cả số tiền mà vợ tôi đưa cho tôi đều biết để mua ma túy”, “Khi nhận tiền đưa tôi, vợ tôi biết tiền này để mua ma túy gửi cho Thanh ở TP Tuy Hòa”.
Cáo trạng của Viện KSND Tối cao cũng xác định: Sau nhiều lần trả hồ sơ để điều tra bổ sung, ngày 15/12/2017, TAND TP Tuy Hòa xử sơ thẩm vụ án này. Bà Anh và luật sư của bà cho rằng biên bản hỏi cung đối với bà có dấu hiệu viết thêm nội dung có tính chất buộc tội. Do đó, TAND TP Tuy Hòa trả hồ sơ để giám định các biên bản hỏi cung có nội dung được cho là có dấu hiệu viết thêm.
Ngày 11/9/2018, Phòng Kỹ thuật hình sự Công an Phú Yên kết luận giám định nêu chữ viết trong các nội dung được cho là có dấu hiệu viết thêm trong các bản hỏi cung của bà Anh, ông Vinh “là do cùng một người viết ra”.
Sau đó, Viện KSND TP Tuy Hòa tiếp tục trưng cầu Phân viện Khoa học hình sự Bộ Công an tại Đà Nẵng giám định. Ngày 7/3/2019, phân viện này kết luận giám định rằng nội dung chữ viết được cho là có dấu hiệu viết thêm trong các bản hỏi cung đối với bà Anh, ông Vinh “là được viết thêm, không cùng thời điểm với nội dung còn lại trên tài liệu cần giám định”.
Thực hiện trưng cầu của Cơ quan điều tra Viện KSND Tối cao, ngày 13/6/2019, Phân viện Khoa học hình sự Bộ Công an tại Đà Nẵng kết luận các nội dung chữ viết được cho là có dấu hiệu viết thêm trong biên bản hỏi cung đối với bà Anh, ông Vinh “là được viết thêm sau so với nội dung còn lại trên tài liệu cần giám định”.
Do vậy, cáo trạng của Viện KSND Tối cao cho rằng ông Nguyễn Việt Cường đã viết thêm nội dung trong các biên bản hỏi cung bà Anh và ông Vinh như đã nêu trên vì nhận thức rằng nếu không ghi thêm các nội dung này vào các biên bản hỏi cung thì không có chứng cứ nào khác để buộc tội bà Anh. Vì vậy, ông Cường bị truy tố tội “làm sai lệch hồ sơ vụ án” với khung hình phạt tù từ 3-15 năm.
VĂN TÀI