Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Văn Trà vừa ban hành kế hoạch triển khai thực hiện chương trình trọng tâm công tác cải cách tư pháp giai đoạn 2018-2021 trên địa bàn tỉnh. Sở Tư pháp chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan triển khai thực hiện kế hoạch này.
Kế hoạch nhằm xác định rõ định hướng, nhiệm vụ trọng tâm trong việc tiếp tục thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng về cải cách tư pháp thể hiện tại Nghị quyết 49/2005 của Bộ Chính trị, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI, Kết luận 92/2014 của Bộ Chính trị.
Kế hoạch đưa ra những nội dung cụ thể: Tiếp tục tổ chức triển khai thi hành Hiến pháp năm 2013; tổ chức thi hành có hiệu quả các văn bản quy phạm pháp luật mới ban hành, nhất là các đạo luật liên quan trực tiếp đến cải cách tư pháp như Bộ luật Dân sự năm 2015, Bộ luật Hình sự năm 2015, Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015, Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015, bảo đảm đồng bộ với việc triển khai các luật về tổ chức bộ máy các cơ quan tư pháp, bổ trợ tư pháp. Tiếp tục thực hiện có hiệu quả Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015, bảo đảm chất lượng công tác xây dựng, góp ý, thẩm định, ban hành văn bản quy phạm pháp luật của HĐND, UBND tỉnh phù hợp với mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.
Sở Tư pháp chủ trì, phối hợp các cơ quan, đơn vị liên quan tiếp tục kiện toàn tổ chức và hoạt động của các cơ quan tư pháp theo các đề án về đổi mới tổ chức và hoạt động của các cơ quan tư pháp được Ban chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương cho ý kiến; triển khai thực hiện hiệu quả đề án và chống tiêu cực trong hoạt động tư pháp theo chỉ đạo của Ban chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương. Thực hiện có hiệu quả Luật Thi hành án hình sự, Luật Đặc xá; có giải pháp triển khai hiệu quả các đề án đầu tư, nâng cấp, sửa chữa và xây dựng mới trại giam, trại tạm giam, nhà tạm giữ đáp ứng các tiêu chuẩn theo quy định.
Công an tỉnh chủ trì, phối hợp các cơ quan, đơn vị có liên quan tiếp tục thi hành tốt Luật Thi hành án dân sự, Luật Tố tụng hành chính; nâng cao hiệu quả công tác thi hành án dân sự, khắc phục án tồn đọng, tập trung giải quyết triệt để các vụ việc kéo dài, gây bức xúc trong dư luận; đảm bảo hoàn thành các chỉ tiêu được giao; nâng cao hiệu quả công tác phối hợp liên ngành trong chỉ đạo thi hành án dân sự.
Cục Thi hành án dân sự tỉnh và UBND các huyện, thị xã, thành phố chủ trì, phối hợp các cơ quan, đơn vị liên quan nâng cao chất lượng các dịch vụ công trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp; tiếp tục triển khai thực hiện đề án Phát triển đội ngũ luật sư đến năm 2020 trên địa bàn tỉnh, phấn đấu đến năm 2020 phát triển đội ngũ luật sư đảm bảo số lượng, có phẩm chất đạo đức chính trị, đạo đức nghề nghiệp, có trình độ chuyên môn và kiến thức chuyên sâu, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp. Tăng cường vai trò quản lý nhà nước, phát huy vai trò tự quản của đoàn luật sư; bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng đối với tổ chức luật sư. Tiếp tục thực hiện đề án “Đổi mới công tác trợ giúp pháp lý giai đoạn 2015-2025” đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, tổng kết thực tiễn thi hành; tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của công tác trợ giúp pháp lý; cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính trong việc tiếp cận dịch vụ trợ giúp pháp lý của Nhà nước; bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp cho đối tượng cần được trợ giúp, góp phần nâng cao hiểu biết pháp luật, bảo vệ công lý, công bằng xã hội. Tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả Luật Giám định tư pháp năm 2012, đề án tiếp tục đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động giám định tư pháp; đổi mới tổ chức, hoạt động và quản lý giám định tư pháp nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, đột phá về chất lượng và hiệu quả hoạt động giám định tư pháp, đáp ứng tốt yêu cầu ngày càng cao của hoạt động tố tụng mà trọng tâm là bảo đảm việc phán quyết của tòa án được chính xác, khách quan và đúng pháp luật, đồng thời đẩy mạnh việc xã hội hóa theo mức độ, phạm vi và lộ trình phù hợp...
PV