Một vụ án cố ý gây thương tích tưởng chừng đơn giản, nhưng kéo dài hơn 10 năm trải qua nhiều phiên xử sơ thẩm, phúc thẩm với nhiều kết quả khác nhau và do một trong hai bị cáo liên tục kêu oan trong suốt quá trình truy tố, xét xử. Gần đây nhất, TAND tỉnh xử phạt bị cáo hưởng án treo, nhưng khi xử lại, cũng chính tòa này tuyên bị cáo 5 năm tù giam.
Xử đi, xử lại nhiều lần
Theo hồ sơ vụ án, do mâu thuẫn từtrước trong việc tranh giành khách đi ô tôgiữa VõĐình Tuấn (trú phường 5, TP Tuy Hòa) và vợ chồng anh Lê Tự Cường (SN 1976), chị Trần Thị Phương Loan (SN 1978, cùng trú phường Phú Lâm, TP Tuy Hòa) nên xảy ra xô xát. Huỳnh Thanh Tâm (SN 1988, trú phường Phú Lâm) là cháu ruột của Tuấn biết được sự việc nên cùng Tuấn tìm đánh vợ chồng anh Cường. Vào 17 giờ ngày 9/9/2008, Tâm phát hiện ô tô 53S-0933 của anh Cường đang đón khách ở khu vực xã Hòa Vinh (nay là thị trấn Hòa Vinh, huyện Đông Hòa), liền về nhà lấy mã tấu dài khoảng 0,5m và một tuýp sắt dài khoảng 1m đi đánh anh Cường.
Khoảng 19 giờ cùng ngày, Tâm điều khiển môtô78H3-4980 chở Tuấn và em ruột của Tuấn là Võ Đình Tú đến Hòa Vinh thì gặp ô tô khách 53S-0933 của vợ chồng anh Cường đang chạy ngược chiều liền chặn lại.
Tuấn dùng tuýp sắt đập kính chắn gió và cửa kính lên xuống của ô tô này rồi bước lên xe. Trên xe có vợ chồng anh Cường và phụ xe Hồ Đắc Khoa. Tại đây, Tuấn nhiều lần dùng tuýp sắt đánh vào đầu và người của anh Cường. Chị Loan can ngăn thì Tâm dùng mã tấu uy hiếp anh Cường, hăm dọa giết rồi cùng Tuấn đánh, chém anh Cường gây thương tích. Anh Cường ngất xỉu, được đưa đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh cấp cứu.
Ngày 16/10/2008, Trung tâm Giám định pháp y tỉnh Phú Yên kết luận, anh Cường bị thương tích 37%, chị Loan bị thương tích 3% nên Tuấn và Tâm bị truy tố về tội cố ý gây thương tích.
Sau khi bị truy tố về tội cố ý gây thương tích, ngày 12/12/2011, TAND huyện Đông Hòa tiến hành xửsơthẩm, tuyên xử các bịcáo Huỳnh Thanh Tâm, Võ Đình Tuấn phạm tội cố ý gây thương tích. Trong đó, tuyên phạt Tâm 6 năm tù, Tuấn 5 năm tù.
Tuy nhiên sau đó, bị hại có đơn kháng cáo; bị cáo Tuấn kháng cáo và kêu oan nên ngày 27/4/2012, TAND tỉnh Phú Yên đưa vụ án ra xửphúc thẩm. Tại phiên xử này, TAND tỉnh đã hủy toàn bộ bản án sơ thẩm của TAND huyện Đông Hòa để điều tra lại với lý do: “Những người tham gia tố tụng khai còn nhiều mâu thuẫn, các chứng cứ tài liệu có trong hồ sơ vụ án chưa đủ căn cứ vững chắc kết luận Tâm và Tuấn phạm tội cố ý gây thương tích như bản án sơ thẩm quy kết”.
Sau nhiều lần trả hồ sơ điều tra bổ sung và tạm hoãn, đến ngày 2/10/2015, TAND huyện Đông Hòa mở phiên xử sơ thẩm và tuyên phạt bị cáo Tuấn 3 năm tù nhưng cho hưởng án treo, bị cáo Tâm 5 năm tù về tội cố ý gây thương tích.
Sau khi bản án sơ thẩm đã tuyên, ngày 14/10/2015, bị cáo Tâm kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt; ngày 15/10/2015, bị cáo Tuấn kháng cáo kêu oan. Trước đó, ngày 5/10/2015, bị hại kháng cáo yêu cầu xử tăng hình phạt đối với bị cáo Tâm, không cho bị cáo Tuấn được hưởng án treo và yêu cầu tăng mức bồi thường dân sự. Đồng thời, ngày 14/10/2015, Viện KSND tỉnh Phú Yên kháng nghị một phần bản án hình sự sơ thẩm ngày 2/10/2015 của TAND huyện Đông Hòa.
Do có kháng cáo, kháng nghị, ngày 31/5/2016, TAND tỉnh Phú Yên xử phúc thẩm. Ở phiên xử này, TAND tỉnh quyết định giữ nguyên bản án sơ thẩm về phần hình phạt đối với các bị cáo; chỉ sửa bản án sơ thẩm về phần dân sự và án phí dân sự.
Ngày 15/11/2016, Viện trưởng Viện KSND cấp cao tại Đà Nẵng đề nghị Ủy ban Thẩm phán TAND cấp cao tại Đà Nẵng xét xử giám đốc thẩm, hủy phần hình phạt đối với Tuấn theo bản án hình sự phúc thẩm ngày 31/5/2016 của TAND tỉnh Phú Yên.
Đến ngày 27/6/2017, TAND cấp cao mở phiên giám đốc thẩm. Tại phiên tòa này, Ủy ban Thẩm phán đã hủy bản án phúc thẩm của TAND tỉnh Phú Yên về phần hình phạt đối với bị cáo Tuấn. Đồng thời chuyển hồ sơ cho TAND tỉnh Phú Yên để xét xử phúc thẩm lại thủ tục chung.
Còn nhiều nghi vấn cần làm sáng tỏ
Đầu tháng 7 vừa qua, TAND tỉnh Phú Yên đã mở phiên xử phúc thẩm. Ở phiên tòa này, bị cáo Tuấn cũng như luật sư bào chữa đề nghị hội đồng xét xử hoãn phiên tòa để triệu tập điều tra viên phụ trách vụ án nhằm đối chất vì bị cáo khai bị mớm cung và khai theo ý điều tra viên. Đồng thời triệu tập nhân chứng của bị hại do nghi ngờ người làm chứng không trung thực, khách quan và vi phạm nghiêm trọng tố tụng. Tuy nhiên, hội đồng xét xử không chấp nhận và tiếp tục xét xử bởi các lời khai của những người này đều có trong hồ sơ vụ án nên không cần thiết phải triệu tập để đối chất.
Tại phiên xử này, Huỳnh Thanh Tâm khai nhận: Do nghe mẹ nói cậu Tuấn bị anh Cường đánh nên Tâm tức quá vào lúc 17 giờ ngày 9/9/2008 đi tìm Cường để đánh trả thù. Tuy nhiên, khi chủ tọa phiên tòa, kiểm sát viên, luật sư hỏi rằng vì sao Tâm khai với cơ quan điều tra là có cậu Tuấn, cậu Tú đi cùng thì Tâm giải thích là do bị ép cung nên khai theo ý điều tra viên. Đến khi kiểm sát viên phúc cung và ghi lời khai nên nghĩ thôi cứ khai như ban đầu, đợi đến khi ra tòa xử, Tâm mới nhận tội là chỉ một mình đánh gây thương tích cho vợ chồng anh Cường.
Trong khi đó, Tuấn khai hôm xảy ra sự việc, khoảng 10 giờ sáng 9/9/2008, Tuấn về nhà cha ruột là Võ Đình Cư để ăn đám giỗ. Ăn xong, mọi người trong gia đình hát karaoke đến 20 giờ cùng ngày thì về nhà bên phường 5 nên không thể “phân thân”, cùng với Tâm đi đánh vợ chồng anh Cường được. Ngoài những người thân có mặt lúc đó, Tuấn cũng đưa ra các chứng cứ ngoại phạm là lời khai đều có trong hồ sơ vụ án của các nhân chứng Dương Đức Hữu, Lương Văn Nam (trú khu phố 1, phường Phú Lâm) vào thời điểm đó đang trú mưa ở nhà cha mẹ Tuấn và họ đều nhìn thấy Tuấn đang hát karaoke với mọi người.
Đồng thời, Tuấn cũng thừa nhận là do quá tin vào lời hứa của điều tra viên để được yên ổn làm ăn vì quá mệt mỏi do nhiều lần bị triệu tập, ảnh hưởng đến công việc làm ăn, trong khi Tuấn là lao động duy nhất của gia đình.
Trái ngược với lời khai của Tuấn và Tâm, lời khai của bị hại cũng có rất nhiều mâu thuẫn được thể hiện ở nhiều bút lục có trong hồ sơ vụ án. Cụ thể, vợ chồng anh Cường và chị Loan khai có 3 người đi mô tô chặn xe của mình lại. Tuấn đạp cửa, rồi dùng tuýp sắt đánh Cường ngất xỉu không biết gì nữa. Thế nhưng, Cường lại khai Tâm còn dùng mã tấu kê vào cổ và thương tích của mình là do Tâm gây ra. Còn chị Loan khai Tuấn đạp cửa dùng tuýp sắt đánh chồng mình và chị bị thương; sau đó Tâm có lên xe nhưng không đánh mà cầm mã tấu uy hiếp, hăm dọa…
Và trong một diễn biến khác, thượng tá Phạm Bảy, Phó Thủ trưởng cơ quan CSĐT huyện Đông Hòa lại ký Công văn 82 và Công văn 83 ngày 30/9/2008 quyết định trưng cầu giám định vụ cố ý gây thương tích xảy ra ngày 8/9/2008 (?).
Bào chữa cho bị cáo Tuấn, luật sư Ngô Minh Tùng (Văn phòng Luật sư số 1, Đoàn Luật sư tỉnh Phú Yên) đề nghị hội đồng xét xử tuyên bị cáo Võ Đình Tuấn không phạm tội cố ý gây thương tích vì Tuấn có chứng cứ ngoại phạm trong ngày xảy ra sự việc. Bên cạnh đó, luật sư cũng cho rằng việc thu thập chứng cứ chưa đầy đủ; lời khai của bị hại không thống nhất, còn nhiều mâu thuẫn, thiếu khách quan, cũng như chưa có đối chất giữa bị cáo và điều tra viên để làm sáng tỏ việc bị cáo Tuấn có bị mớm cung, ép cung và khai theo định hướng điều tra viên hay không nên đã vi phạm tố tụng nghiêm trọng.
Trong khi đó, tranh luận tại tòa, đại diện Viện KSND tỉnh vẫn giữ nguyên quyết định truy tố và kháng nghị, đề nghị hội đồng xử phạt bị cáo Tuấn từ 6-7 năm tù về tội cố ý gây thương tích. Kết thúc phiên xử, hội đồng xét xử cho rằng có đủ cơ sở khẳng định bị cáo Tuấn phạm tội cố ý gây thương tích và tuyên phạt bị cáo Tuấn 5 năm tù giam về tội này.
Vụ án này xét xử quá nhiều lần, nhiều lời khai còn mâu thuẫn trong công tác điều tra vụ án… Và bị cáo Tuấn tiếp tục kháng cáo, kêu oan. Thiết nghĩ, cần xem xét, xét xử giám đốc thẩm lại vụ án nhằm đảm bảo thượng tôn pháp luật, đúng người đúng tội.
LỆ VĂN