Khoảng 19g30 ngày 6/10/2006, Nguyễn Quốc Đạt (SN 1985) và Trần Đình Phương (SN 1984) cùng trú tại Sơn Nguyên, Sơn Hòa rủ nhau đến quán cà phê “Chiều” ở thôn Ngân Điền, xã Sơn Hà uống rượu rum.
Tại đây, Đạt gặp bạn tên là Hùng nhờ chở về nhà. Vì không có xe nên Đạt hỏi mượn mô tô của Phương. Phương biết Đạt không có giấy phép lái xe mô tô trên 50cm3 nhưng vẫn đồng ý cho mượn mô tô 78F7-8781.
Khoảng 21g cùng ngày, Đạt điều khiển xe trở lại quán “Chiều”. Khi đi đến trước cửa nhà ông Lê Công Lưu, Đạt cho xe lấn sang phần đường trái để tránh vũng nước thì phát hiện phía trước ngược chiều có anh Phạm Văn Khắp đi xe đạp bằng một tay, tay kia bế con là Phạm Thành Nhân, 3 tuổi. Do không xử lý kịp, xe do Đạt điều khiển đã tông vào xe anh Khắp, làm cả hai xe ngã xuống đường. Hậu quả, cháu Nhân bị thương tích 38%, Đạt và anh Khắp bị xây xát nhẹ.
Do không có giấy phép lái xe, gây tai nạn làm một người bị thương tích nặng nên Nguyễn Quốc Đạt đã bị truy tố và đưa ra xét xử về tội Vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ, theo quy định tại điểm a khoản 2 điều 202 Bộ luật Hình sự (BLHS). Hành vi cho mượn xe của Trần Đình Phương đã đủ yếu tố cấu thành tội giao cho người không đủ điều kiện điều khiển phương tiện giao thông đường bộ, quy định tại khoản 1 điều 205 BLHS. Do đó, Phương cũng phải ra hầu tòa cùng với Đạt.
Tại phiên xử mới đây, TAND tỉnh Phú Yên đã nhận định: hành vi của Đạt và Phương là nguy hiểm cho xã hội, đã vi phạm Điều 9 Luật Giao thông đường bộ, xâm phạm trật tự an toàn trên lĩnh vực giao thông đường bộ, gây thiệt hại đến sức khỏe của người khác. Với tính chất của hành vi phạm tội và hậu quả do hành vi phạm tội gây ra, cần phải xử phạt các bị cáo hình phạt nghiêm để giáo dục và phòng ngừa tội phạm. Tuy nhiên, xét các bị cáo đã thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải, bị cáo Đạt đã bồi thường thiệt hại hơn 9 triệu đồng theo yêu cầu của gia đình bị hại, được họ làm đơn bãi nại; hơn nữa, hậu quả mà bị cáo gây ra chỉ đáng xử lý ở mức khởi điểm của khung hình phạt nên áp dụng điều 47, 60 BLHS vẫn đủ tác dụng giáo dục bị cáo và phòng ngừa chung. Đối với bị cáo Phương, xét hậu quả của vụ tai nạn không phải do bị cáo trực tiếp gây ra, nên áp dụng mức án khởi điểm của khung hình phạt. Từ đó, tòa đã tuyên phạt bị cáo Nguyễn Quốc Đạt 9 tháng tù nhưng cho hưởng án treo, tuyên phạt bị cáo Trần Đình Phương 3 triệu đồng.
Vụ án này cho thấy: Không phải có mô tô là có thể cho ai mượn cũng được, mà phải chấp hành nghiêm chỉnh Luật Giao thông đường bộ.
NGỌC THẢO