Theo Trưởng phòng Tư pháp huyện Sông Hinh Nguyễn Tấn Thạnh từ đầu năm đến nay, các tổ này đã hòa giải thành 909/1.182 vụ, chiếm tỉ lệ 77%- một con số khá ấn tượng.
Các thành viên tổ hòa giải xã Ea Bar tham gia cùng cán bộ Trung tâm trợ giúp pháp lý (Sở Tư pháp) tuyên truyền pháp luật cho nhân dân - Ảnh: Đ.THÔNG |
Cũng theo ông Thạnh, các vụ hòa giải chủ yếu là tranh chấp đất đai, tài sản, nhà cửa; mâu thuẫn hôn nhân gia đình và nhiều tranh chấp khác. Các xã Ea Bá, Ea Bia là những cơ sở có 100% các vụ hòa giải thành. Bên cạnh đó các xã Sông Hinh, Đức Bình Đông, Đức Bình Tây, thị trấn Hai Riêng là những địa phương có tỉ lệ số vụ hòa giải đạt từ 90% trở lên. Công tác hoà giải không chỉ góp phần mang lại hạnh phúc cho các gia đình, sự bình yên của xóm làng, thôn buôn mà còn giảm thiểu các vụ khiếu kiện lên cấp trên.
Ông Nguyễn Kim Long, tổ trưởng tổ hòa giải khu phố 5, thị trấn Hai Riêng tâm sự: “Các vụ hòa giải thành không chỉ giúp cho tình làng nghĩa xóm được hoà thuận, tình cảm vợ chồng được gắn chặt, mâu thuẫn gia đình được hàn gắn mà còn mang lại niềm vui và hạnh phúc cho những người làm công tác hoà giải tại cơ sở. Mỗi khi hoà giải thành, tôi cảm thấy vui vì mình đã làm được một việc tốt, giúp gia đình người khác êm ấm sau sóng gió, giúp làng xóm đoàn kết lại…”
Để đạt được kết quả đáng khích lệ như trên, thời gian qua, huyện Sông Hinh đã chú trọng trong công tác thành lập và củng cố hoạt động của các tổ hòa giải. Đến nay, toàn huyện đã thành lập được 85 tổ hoà giải, mỗi tổ có từ 5-9 hội viên tham gia. Tổ trưởng là trưởng các thôn, buôn khu phố; còn hội viên là già làng, người cao tuổi có uy tín, đại diện ban thanh tra nhân dân và các chi tổ hội đoàn thể tại địa phương. Với thành phần như vậy, các tổ hòa giải đã tạo được niềm tin ở người dân, lời nói của họ được đa số bà con nghe theo.
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác hoà giải ở huyện Sông Hinh còn gặp nhiều khó khăn như kiến thức về luật pháp của đa số tổ viên còn nhiều hạn chế, chế độ thù lao cho các thành viên tổ hoà giải nơi có nơi không… Trưởng phòng Tư pháp huyện Sông Hinh Nguyễn Tấn Thạnh nói: Thông tư 63 của Bộ Tài chính đã quy định rõ một vụ hoà giải thành được hưởng số tiền từ 50.000-100.000 đồng. Nhưng thực tế, do ngân sách của địa phương còn gặp nhiều khó khăn nên thù lao của các tổ hòa giải đến nay chưa được quan tâm đúng mức. Ngay cả việc cung cấp tài liệu về pháp lý cho các tổ cũng gặp khó khăn, hầu hết là không được trang bị. Chỉ với lương tâm và trách nhiệm, những hòa giải viên đã làm được một khối lượng công việc lớn, giúp tòa án và các cơ quan khác giảm tải, điều đó rất đáng được tuyên dương. Tôi nghĩ, về lâu dài, các địa phương và cơ quan chức năng cần giải quyết những khó khăn của các tổ hòa giải cơ sở, tạo điều kiện và kích thích các hòa giải viên làm việc hiệu quả hơn nữa.
ĐẶNG DỰ