Từ ngày 1/1/2018, Bộ luật Hình sự năm 2015 chính thức có hiệu lực thi hành. Đây là Bộ luật có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, đóng vai trò thể chế hóa Hiến pháp 2013, thể chế hóa tinh thần của Cải cách tư pháp trong Nghị quyết 08 và Nghị quyết 49 của Bộ Chính trị.
Theo các chuyên gia, Bộ luật Hình sự năm 2015 được soạn thảo theo hướng coi trọng việc hoàn thiện chính sách hình sự và thủ tục tố tụng tư pháp, đề cao hiệu quả phòng ngừa và tính hướng thiện trong việc xử lý người phạm tội.
Nhân dịp này, phóng viên đã có cuộc trao đổi với Tiến sĩ Đinh Thế Hưng (Trưởng phòng Tư pháp Hình sự - Viện Nhà nước và Pháp luật, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) về những nội dung mới, vai trò, ý nghĩa và những điều kiện để triển khai vào thực tiễn của Bộ luật quan trọng này.
* Xin chào tiến sĩ Đinh Thế Hưng. Xin ông cho biết một số điểm mới cơ bản được quy định trong Bộ luật Hình sự năm 2015?
- Theo thống kê, có khoảng 343 điểm mới so với Bộ luật Hình sự năm 1999 và đây thực sự là Bộ luật Hình sự mới chứ không phải sửa đổi, bổ sung Bộ luật Hình sự cũ. Bộ luật này có những điểm mới rất quan trọng như sau:
Thứ nhất, Bộ luật này đã bãi bỏ một số tội danh được quy định trong Bộ luật Hình sự năm 1999, có nghĩa là kể từ 0 giờ ngày 1/1/2018, một số tội danh này sẽ không tồn tại trong Bộ luật Hình sự nữa. Tiêu biểu một số tội như tội tảo hôn, tội kinh doanh trái phép, tội hoạt động phỉ… là những tội đã được bãi bỏ trong Bộ luật Hình sự năm 2015.
Thứ hai, song song với việc bãi bỏ một số tội, Bộ luật Hình sự năm 2015 có những thay đổi quan trọng và đã bổ sung 34 tội danh mới. Có những tội lần đầu tiên xuất hiện trong Bộ luật Hình sự năm 2015.
Ví dụ như: Tội kinh doanh đa cấp trái phép; tội trốn đóng Bảo hiểm xã hội; tội chiếm đoạt, mua bán mô, bộ phận cơ thể người; tội sử dụng người dưới 16 tuổi vào mục đích khiêu dâm hoặc những tội khác liên quan đến hành vi được tách ra từ tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế” trước đây thành những tội khác nhau…
Thứ ba, Bộ luật Hình sự năm 2015 đã có những sự thay đổi rất lớn đối với những tội liên quan đến xâm phạm trật tự quản lý kinh tế theo xu hướng sẽ bãi bỏ những tội mang tính chất cản trở thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta.
Tiếp đó, Bộ luật Hình sự năm 2015 đã được sửa đổi theo hướng thu hẹp phạm vi áp dụng hình phạt tử hình đối với 8 tội. Có những tội trước đây bị hình phạt tử hình thì sau 0 giờ ngày 1/1/2018 sẽ không bị hình phạt tử hình nữa, ví dụ như tội cướp tài sản, tội làm hàng giả lương thực, thực phẩm, thuốc chữa bệnh…
Một thay đổi nữa trong Bộ luật Hình sự năm 2015 là thu hẹp phạm vi phải chịu trách nhiệm hình sự của người từ đủ 14 đến dưới 16 tuổi theo hướng những người này chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự về một số tội, tức là thu hẹp phạm vi hơn so với Bộ luật Hình sự năm 1999.
Điều này thể hiện quan điểm của Đảng và Nhà nước là bảo vệ người chưa thành niên, phù hợp với Công ước Quốc tế về Quyền trẻ em và phù hợp với công tác đấu tranh phòng chống tội phạm đối với đối tượng là người chưa thành niên.
Bởi lẽ, khi xem xét toàn diện hành vi vi phạm pháp luật của người chưa thành niên, bên cạnh việc cân nhắc họ sẽ bị xử lý như thế nào, cũng cần có những đánh giá đúng đắn về nguyên nhân họ phạm tội, xuất phát từ đâu, từ gia đình, nhà trường hay từ môi trường xã hội…
* Vậy ông có thể cho biết những điểm mới này có ý nghĩa như thế nào trong việc quản lý xã hội và việc xử lý những hành vi vi phạm?
Tiến sĩ Đinh Thế Hưng: Bộ luật Hình sự năm 1999 đã đóng góp rất lớn vào công tác đấu tranh phòng chống tội phạm của chúng ta trong thời gian qua. Tuy nhiên, trong gần 20 năm thực thi Bộ luật Hình sự đó đã bộc lộ một số điểm không phù hợp trong tình hình mới.
Ví dụ như, Bộ luật năm 1999 đã không thúc đẩy, bảo vệ được những nhân tố tích cực của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; chưa kịp thời tội phạm hóa những hành vi nguy hiểm cho xã hội diễn ra trong thời gian gần đây. Vì thế, chúng ta không có cơ sở pháp lý để xử lý những hành vi này.
Mặt khác, Bộ luật Hình sự năm 1999 được ban hành trước khi có Chiến lược cải cách tư pháp. Do đó, rất nhiều những nội dung rất quan trọng của Chiến lược cải cách tư pháp của Đảng, của Bộ Chính trị và đặc biệt là Hiến pháp 2013 với rất nhiều điểm mới, tiến bộ, chưa được thể chế hóa trong Bộ luật Hình sự.
Bên cạnh đó, thời gian qua nước ta đã tiến hành hội nhập quốc tế sâu rộng, tham gia rất nhiều Công ước Quốc tế liên quan đến phòng chống tội phạm nhưng chưa kịp thời thể chế hóa trong Bộ luật Hình sự hiện hành. Chính vì vậy, Bộ luật Hình sự năm 2015 được ban hành lần này sẽ khắc phục được cơ bản những nhược điểm của Bộ luật Hình sự năm 1999 với những nội dung sau đây:
Thứ nhất, thể hiện được tinh thần đề cao hiệu quả phòng ngừa, tăng cường tính hướng thiện của Bộ luật Hình sự trong công tác đấu tranh phòng chống tội phạm theo hướng giảm bớt hình phạt tù, mở rộng hình phạt tiền và hình phạt cải tạo không giam giữ, thu hẹp phạm vi áp dụng hình phạt tử hình và quy định trong Bộ luật Hình sự những hành vi nguy hiểm mới xuất hiện trong xã hội là tội phạm.
Trong đó, thể hiện sự nghiêm trị đối với những người có chức vụ cao, lợi dụng chức vụ, quyền hạn để phạm tội, theo tinh thần người có chức vụ càng cao thì sẽ bị xử lý càng nghiêm khắc. Một vấn đề nữa là Bộ luật Hình sự năm 2015 sẽ góp phần vào việc hoàn thiện và lành mạnh hóa thể chế kinh tế thị trường bằng việc có những sửa đổi quan trọng đối với các tội phạm về kinh tế.
Có những tội trước đây quy định là tội phạm thì hiện nay không còn phù hợp nữa. Ví dụ như tội kinh doanh trái phép hay các tội liên quan đến cố ý làm trái quy định về quản lý kinh tế thì quá rộng, dẫn đến tùy tiện trong việc áp dụng. Do vậy, việc sửa đổi các tội về kinh tế sẽ góp phần vào lành mạnh hóa thể chế kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa của nước ta.
Ngoài ra, các quy định mới của Bộ luật Hình sự năm 2015 còn thể hiện tinh thần hội nhập quốc tế cao. Rất nhiều nội dung của các Công ước Quốc tế về phòng chống tham nhũng, Công ước Quốc tế về phòng chống ma túy đã được đưa vào Bộ luật Hình sự năm 2015 trong chương “Tội phạm về ma túy”, chương “Tội phạm về chức vụ”.
Bộ luật Hình sự năm 2015 này còn có một ý nghĩa nhân văn nữa, đó là không chỉ tạo cơ sở pháp lý cho các cơ quan tiến hành tố tụng, cơ quan bảo vệ pháp luật trấn áp tội phạm mà còn tạo cơ sở pháp lý để người dân tự bảo vệ mình và góp phần quan trọng vào công tác đấu tranh phòng chống tội phạm.
* Theo ông, việc triển khai thi hành Bộ luật Hình sự năm 2015 sẽ gặp những khó khăn gì và hướng giải quyết như thế nào?
- Bộ luật Hình sự năm 2015 có rất nhiều điểm mới như vậy nên vấn đề đặt ra trong thời gian tới là làm sao để các quy định này đi vào cuộc sống. Để làm được việc đó, chúng ta phải làm rất nhiều việc.
Thứ nhất là phải tuyên truyền để người dân hiểu tinh thần và nội dung của Bộ luật Hình sự mới vì tôi thấy một thực tế hiện nay là rất nhiều người phạm tội do người ta không biết hành vi đó là vi phạm quy định pháp luật. Phải làm cho người dân hiểu rằng hành vi nào bị luật hình sự cấm, và nếu vi phạm thì phải chịu trách nhiệm hình sự.
Thêm vào đó, tôi đặc biệt đề cao công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật nội dung, tinh thần của Bộ luật Hình sự năm 2015 trong nhân dân. Đồng thời, cần hướng dẫn, giải thích cụ thể những điểm mới trong Bộ luật này để tạo điều kiện cho cơ quan áp dụng pháp luật hình sự, Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án áp dụng trong thực tế.
Vì vậy, công tác ban hành văn bản giải thích, hướng dẫn áp dụng pháp luật hình sự và rà soát lại toàn bộ các văn bản có liên quan đến Bộ luật Hình sự cũng là công việc hết sức quan trọng.
Tiếp nữa, liên quan đến việc triển khai thi hành Bộ luật Hình sự năm 2015 cũng cần phải có những thủ tục để thực thi Bộ luật đó. Ở đây liên quan cụ thể đến việc tổ chức cơ sở vật chất, trình độ, năng lực của những người tiến hành tố tụng… Đó là những điều cần thiết chú trọng quan tâm trong thời gian tới.
* Xin cảm ơn tiến sĩ!
Theo TTXVN, Vietnam+