Đấu tranh chống tham nhũng hiện nặng về xử lý người vi phạm mà chưa có biện pháp thu hồi tài sản. Vì vậy cần sớm có luật sung công tài sản, quy định các biện pháp kịp thời để phong tỏa tài sản bị tình nghi liên quan tới tham nhũng, ngăn ngừa tẩu tán tài sản do phạm pháp mà có. Việc thu hồi tài sản tham nhũng cần được coi là yếu tố quan trọng khi định tội và quyết định hình phạt. Có thể tính tới việc cho phép người phạm tội nộp tiền thay vì ngồi tù nếu thấy không nhất thiết phải cách ly họ khỏi xã hội.
Đây là những đề xuất của nhóm chuyên gia Viện Khoa học thanh tra, Thanh tra Chính phủ tại công trình khoa học cấp nhà nước về “Luận cứ khoa học cho việc xây dựng chiến lược phòng ngừa và nâng cao hiệu quả đấu tranh phòng chống tham nhũng đến năm 2020” vừa hoàn thành.
Để chống tham nhũng có hiệu quả, các chuyên gia của Thanh tra Chính phủ đề nghị xây dựng chính sách khoan hồng với hành vi tham nhũng đã xảy ra trong quá khứ và nghiêm khắc trừng trị những vụ tham nhũng mới phát sinh. Có thể tính toán để không nhất thiết xử lý hành vi tham nhũng ít nghiêm trọng, phát sinh trước khi Luật Phòng, chống tham nhũng được ban hành nếu người vi phạm thành khẩn, chủ động và tích cực bồi thường thiệt hại hoặc khắc phục hậu quả kinh tế, hợp tác tốt với các cơ quan có trách nhiệm. Đồng thời quy định việc không truy cứu trách nhiệm hình sự đối với người đưa hối lộ đã tự giác khai báo; giảm nhẹ trách nhiệm đối với người nhận hối lộ đã tự giác nhận tội trước khi bị phát hiện và chủ động nộp lại của hối lộ, tích cực khắc phục thiệt hại do hành vi sai trái của mình gây ra.
Luận cứ khoa học cho chiến lược phòng, chống tham nhũng cũng chỉ ra rằng tham nhũng là tội phạm đặc biệt, được thực hiện bởi người có chức vụ, quyền hạn nên thường rất tinh vi và có che chắn. Vì vậy, cần nghiên cứu để cho phép các cơ quan trực tiếp đối đầu với “giặc nội xâm”, áp dụng các biện pháp đặc biệt trong quá trình thanh tra, điều tra, xác minh vụ việc tham nhũng (như đặt máy ghi âm, chụp ảnh, quay phim, nghe điện thoại, sử dụng đặc tình, cơ sở bí mật...).
Ngoài ra, cần tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho người dân tham gia chống tham nhũng, trong đó sửa đổi các quy định về tiếp nhận, xử lý đơn tố cáo tham nhũng nặc danh theo hướng: đơn thư tố cáo không rõ địa chỉ người tố cáo nhưng có bằng chứng rõ ràng, nội dung cụ thể, có cơ sở để thẩm tra xác minh thì các cơ quan nhà nước phải xem xét.
Bên cạnh những kiến nghị về “chống”, công trình khoa học cấp nhà nước này cũng đề xuất nhiều giải pháp “phòng” như chú trọng giáo dục liêm chính cho đội ngũ cán bộ, công chức; nâng cao nhận thức, trách nhiệm của xã hội về vấn nạn tham nhũng. Từng bước củng cố nền tảng đạo đức, hướng tới một xã hội trong sạch, đề cao chữ liêm, từ đó tạo ra phản ứng chung của xã hội, thể hiện sự khinh ghét, không chấp nhận tham nhũng dưới mọi hình thức.
Từng bước kiểm soát tài sản và thu nhập của cán bộ, công chức, nhất là những biến động lớn về tài sản. Cần quy định trách nhiệm giải trình của cán bộ, công chức về sự gia tăng tài sản; xử lý tài sản không giải trình được với nhiều biện pháp như đánh thuế, phạt tiền. Đồng thời đẩy nhanh cải cách tiền lương, chú trọng ưu đãi nghề nghiệp có tính chất “dưỡng liêm”, cải thiện điều kiện làm việc cho những người làm việc ở các ngành kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, công an, kiểm sát, tòa án.
(PL TPHCM)