Anh Nguyễn Văn T, trú huyện Sông Hinh, hỏi: Trước đây, do đời sống khó khăn, vợ chồng tôi không tổ chức đám cưới, nhưng vẫn làm giấy chứng nhận đăng ký kết hôn. Hiện nay, vợ chồng tôi phát sinh mâu thuẫn, vợ tôi làm đơn tố cáo gửi đến nơi tôi công tác cho rằng: việc tôi không tổ chức tiệc cưới là vi phạm. Có người còn bảo rằng, việc tôi đăng ký kết hôn chỉ là để tránh kỷ luật của cơ quan, vì nếu cưới vợ thì tại sao lại không tổ chức tiệc cưới và không có vòng vàng cho vợ.
Vậy tôi muốn biết, theo Luật Hôn nhân và gia đình, tôi có vi phạm pháp luật hay không? Nếu vợ chồng tôi không còn yêu nhau và không thể sống hòa thuận được nữa, thì tôi có quyền yêu cầu tòa án cho ly hôn không? Việc tôi yêu cầu ly hôn có vi phạm đạo đức hay không?
Trả lời:
Theo quy định của Luật Hôn nhân và gia đình, hôn nhân phải dựa trên nguyên tắc tự nguyện tiến bộ, cấm cưỡng ép kết hôn, cản trở hôn nhân tự nguyện, tiến bộ; cấm yêu sách của cải trong việc cưới hỏi. Việc kết hôn phải được đăng ký và do cơ quan nhà nước có thẩm quyền thực hiện theo nghi thức do Luật Hôn nhân và gia đình quy định. Cụ thể là: Khi tổ chức đăng ký kết hôn phải có mặt hai bên nam, nữ kết hôn. Đại diện cơ quan đăng ký kết hôn yêu cầu hai bên cho biết ý kiến tự nguyện kết hôn, nếu hai bên đồng ý kết hôn thì đại diện cơ quan đăng ký kết hôn trao Giấy chứng nhận kết hôn cho hai bên. Mọi nghi thức kết hôn không theo quy định này đều không có giá trị pháp lý.
Căn cứ vào các quy định nêu trên của Luật Hôn nhân và gia đình, nếu vợ chồng anh có đủ điều kiện kết hôn, đã quyết định kết hôn dựa trên nguyên tắc tự nguyện, tiến bộ, thì vợ chồng anh được công nhận là vợ chồng hợp pháp kể từ ngày được UBND xã cấp Giấy chứng nhận đăng ký kết hôn. Không cơ quan, tổ chức hay cá nhân nào (kể cả nơi anh công tác) có quyền cưỡng ép kết hôn, cản trở việc tự nguyện kết hôn của vợ chồng anh. Khi kết hôn, việc có tổ chức tiệc cưới hay không, có vòng vàng hay không, là những nghi thức theo thủ tục truyền thống, Luật Hôn nhân gia đình không bắt buộc và không ai có quyền bắt buộc nam, nữ kết hôn phải thực hiện những nghi thức này. Người nào cố ý đưa ra những yêu sách về của cải để can thiệp vào việc kết hôn tự nguyện, tiến bộ của đôi nam, nữ thì sẽ bị pháp luật xử lý theo quy định.
Bên cạnh đó, Luật Hôn nhân và gia đình cũng quy định: Vợ, chồng hoặc cả hai người có quyền yêu cầu tòa án giải quyết việc ly hôn. Nếu xét thấy tình trạng trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài, mục đích hôn nhân không đạt được thì Tòa án quyết định cho ly hôn. Như vậy, việc yêu cầu ly hôn là quyền của công dân được pháp luật quy định, nên không thể xem là vi phạm đạo đức.
Luật sư NGÔ MINH TÙNG