Thứ Hai, 30/09/2024 22:39 CH
Một tình tiết tăng nặng có được áp dụng nhiều lần?
Thứ Năm, 18/10/2007 07:10 SA

TRỘM CẮP LẠI ĐÁNH NGƯỜI

 

Khoảng 23 giờ ngày 24/3/2007, Phan Đình Thương (SN 1971), Nguyễn Văn Lại (SN 1968), Huỳnh Thanh Tuấn (SN 1984) và Nguyễn Văn Năm, cùng trú tại TP. Quy Nhơn, Bình Định rủ nhau vào Sông Cầu trộm cắp chó. Khi đi đến cầu gỗ nối thôn Hòa Thạnh với thôn Hòa Hội, xã Xuân Cảnh (Sông Cầu), Nguyễn Văn Thuận, người quản lý cây cầu gỗ đề nghị dừng lại để thu phí. Năm chỉ ra phía sau nói “xe sau đưa tiền luôn” rồi cho xe chạy qua. Tuấn đi sau thấy vậy liền tăng ga cho xe chạy mà không trả tiền. Thuận la lên và dùng xe mô tô chở Lê Xuân Trọng, Nguyễn Văn Lập đuổi theo. Thuận nói sao không đưa tiền. Hai bên đang nói chuyện với nhau thì Thương cầm cây gỗ chạy đến đánh Thuận hai cái trúng vai và mu bàn tay trái. Năm cầm cây gỗ đến thì Lại giật lấy đánh trúng đầu Thuận hai cái. Thuận và Thương vẫn giằng co làm cả hai ngã xuống hồ tôm. Trọng, Lập xông vào thì bị Lại vung cây đánh. Sau đấy thấy có nhiều người chạy đến, Lại cùng Tuấn, Năm lên xe bỏ chạy, còn Thương bị mọi người bắt được giao cho công an. Thuận được đưa đi cấp cứu. Hậu quả Nguyễn Văn Thuận bị thương tích 21%.

 

Quá trình điều tra còn xác định: trong đêm 23, rạng sáng 24/3/2007, Thương, Lại, Tuấn và Năm đã rủ nhau vào Sông Cầu trộm cắp được 4 con chó, giá trị 711.000 đồng.

 

Vừa qua, TAND huyện Sông Cầu đã tuyên phạt các bị cáo Phan Đình Thương, Nguyễn Văn Lại mỗi bị cáo 2 năm 9 tháng tù về hai tội cố ý gây thương tích và trộm cắp tài sản; phạt Huỳnh Thanh Tuấn 9 tháng tù nhưng cho hưởng án treo về tội trộm cắp tài sản. Riêng Nguyễn Văn Năm bỏ trốn, cơ quan điều tra đã truy nã.

 

VIỆN BẢO KHOẢN 1, TÒA NÓI KHOẢN 2

 

Việc xét xử đối với các bị cáo về tội danh cố ý gây thương tích và trộm cắp tài sản là có căn cứ, đúng pháp luật. Tuy nhiên, qua diễn biến phiên tòa đã nảy sinh quan điểm khác nhau giữa đại diện Viện kiểm sát với Hội đồng xét xử về việc định khung hình phạt đối với bị cáo Phan Đình Thương.

 

Theo hồ sơ vụ án, bị cáo Thương có nhiều tiền án. Cụ thể năm 1997, Thương bị xử phạt 30 tháng tù về tội cố ý gây thương tích; năm 1999 bị xử phạt 15 tháng tù về tội gây rối trật tự công cộng; năm 2002 bị xử phạt 30 tháng tù về tội cố ý gây thương tích. Tính đến trước ngày phạm tội ở Sông Cầu, bị cáo Thương đã có ba tiền án, chưa được xóa án tích. Căn cứ quy định tại Điều 49 Bộ luật Hình sự (BLHS) thì lần phạm tội này của bị cáo Thương là tái phạm nguy hiểm. Tuy nhiên, do bị cáo phạm hai tội cố ý gây thương tích và trộm cắp tài sản nên công tố viên luận tội đã cho rằng: bị cáo Thương đã áp dụng tình tiết tái phạm nguy hiểm ở tội cố ý gây thương tích, theo nguyên tắc có lợi cho bị cáo nên không áp dụng hai lần; do đó ở tội trộm cắp tài sản, bị cáo Thương chỉ phạm vào khoản 1 Điều 138 BLHS (có mức hình phạt tù cao nhất là 3 năm). Hội đồng xét xử TAND huyện Sông Cầu không chấp nhận quan điểm này và đã áp dụng điểm c khoản 2 Điều 138 BLHS (có mức hình phạt tù từ 2 năm đến 7 năm) để xử phạt bị cáo Thương.

 

Có quan điểm cho rằng, việc đề nghị của công tố viên là đúng pháp luật, bởi một tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự, thì không được áp dụng nhiều lần. Vì như thế sẽ gây bất lợi cho bị cáo. Đối với bị cáo Thương phạm hai tội nên chỉ áp dụng tình tiết tái phạm nguy hiểm đối với một tội là phù hợp.Nhiều người lại đồng ý với quan điểm giải quyết của Hội đồng xét xử. Vì Bộ luật Hình sự chỉ quy định “những tình tiết đã là yếu tố định tội hoặc định khung hình phạt thì không được coi là tình tiết tăng nặng” chứ không quy định một tình tiết tăng nặng không được áp dụng nhiều lần. Trong vụ án này, bị cáo Thương phạm hai tội ở hai thời điểm khác nhau. Về nguyên tắc, mỗi lần phạm tội bị cáo đều phải bị áp dụng các tình tiết tăng nặng hoặc được hưởng các tình tiết giảm nhẹ theo đúng quy định của BLHS. Do bị cáo đã tái phạm, chưa được xóa án tích mà lại phạm tội do cố ý nên cả hai lần phạm tội mới của bị cáo Thương đều phải coi là phạm tội thuộc trường hợp tái phạm nguy hiểm. Nếu bảo rằng một tình tiết tăng nặng không được áp dụng nhiều lần thì căn cứ vào đâu lại áp dụng đối với tội cố ý gây thương tích mà không phải là đối với tội trộm cắp tài sản như công tố viên đề nghị?

 

Việc áp dụng nghiêm chỉnh và thống nhất các quy định của pháp luật nói chung, BLHS nói riêng có ý nghĩa rất quan trọng trong quá trình giải quyết một vụ án hình sự. Do đó, rất cần có sự giải thích, hướng dẫn của các cơ quan có thẩm quyền đối với những quy định cụ thể đã và đang có những vướng mắc và những cách hiểu khác nhau.

 

TRẦN BẢO

 

 

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek