Thứ Ba, 01/10/2024 04:26 SA
Một số vướng mắc khi áp dụng Bộ luật Hình sự và Bộ luật Tố tụng hình sự
Thứ Năm, 11/10/2007 07:10 SA

Bộ luật hình sự (BLHS) và Bộ luật tố tụng hình sự (BLTTHS) có vai trò, tác dụng, vị trí vô cùng quan trọng trong hệ thống pháp luật nước ta. Tuy nhiên, qua thực tiễn thi hành BLHS và BLTTHS cho thấy còn nhiều quy định bộc lộ những vướng mắc, bất cập, dẫn đến việc áp dụng không được nghiêm chỉnh, thống nhất. Xin nêu một số ví dụ minh chứng.

 

1- Nguyễn Văn Hải (17 tuổi) bị đưa ra xét xử về tội trộm cắp tài sản theo khoản 1 Điều 138 BLHS. Tòa tuyên phạt Hải 15 tháng cải tạo không giam giữ. Hai tháng sau, Hải lại bị đưa ra xét xử về tội trộm cắp tài sản đã phạm cách đây gần 1 năm. Lần này, tòa cũng xử Hải 15 tháng cải tạo không giam giữ và tổng hợp hình phạt của nhiều bản án, buộc Hải phải chấp hành hình phạt chung là 30 tháng cải tạo không giam giữ.

 

Có ý kiến cho rằng: Tòa án tổng hợp hình phạt của nhiều bản án đối với Hải, buộc Hải phải chấp hành hình phạt chung 30 tháng cải tạo không giam giữ, là không đúng pháp luật. Bởi, theo Điều 73 BLHS: “Thời hạn cải tạo không giam giữ đối với người chưa thành niên phạm tội không quá một phần hai thời hạn mà điều luật quy định”. Hải là người chưa thành niên phạm tội, bị xét xử về tội trộm cắp tài sản theo khoản 1 Điều 138 BLHS, có mức hình phạt cải tạo không giam giữ cao nhất là 03 năm. Do đó, trong mọi trường hợp chỉ được tuyên phạt Hải không quá 18 tháng cải tạo không giam giữ.

 

Ngược lại, có ý kiến lại cho rằng tòa đã xét xử Hải đúng quy định của pháp luật. Vì cả hai lần phạm tội, mỗi lần Hải đều bị xử phạt 15 tháng cải tạo không giam giữ. Đối với người chưa thành niên phạm tội, BLHS chỉ mới có quy định tổng hợp hình phạt trong trường hợp phạm nhiều tội (Điều 75), mà chưa có quy định tổng hợp hình phạt của nhiều bản án. Vì thế, việc tổng hợp hình phạt đối với Hải là không sai so với quy định tại khoản 1 Điều 51 BLHS.

 

Nghiên cứu các quy định của BLHS đối với người chưa thành niên phạm tội, chưa có quy định nào về tổng hợp hình phạt cải tạo không giam giữ (và cả hình phạt tiền). Điều 75 BLHS chỉ mới quy định về tổng hợp hình phạt trong trường hợp phạm nhiều tội, mà cũng chỉ giới hạn ở việc tổng hợp hình phạt tù có thời hạn.

 

2- Điều 41 BLHS quy định: “Việc tịch thu, sung quỹ nhà nước được áp dụng đối với: … Vật hoặc tiền do phạm tội hoặc do mua bán, đổi chác những thứ ấy mà có”. Do chưa có sự hướng dẫn áp dụng thống nhất nên quy định nói trên đã và đang có những cách hiểu và vận dụng khác nhau trong quá trình xét xử.

 

Vụ thứ nhất: Ksor Y Lúi cùng nhiều người khác rủ nhau trộm cắp 100m dây tải điện ba pha (giá trị 18,9 triệu đồng) rồi đem đốt vỏ nhựa, lấy lõi đồng bán được 3.320.000đ chia nhau tiêu xài. Tòa đã tuyên phạt Y Lúi và 4 bị cáo khác từ 9 đến 12 tháng tù (nhưng đều cho hưởng án treo), về tội trộm cắp tài sản. Về số tiền 3.320.000đ do bán tài sản trộm cắp mà có (các bị cáo đã nộp), tòa tuyên trả lại cho chủ sở hữu. Các bị cáo phải liên đới bồi thường đủ số tiền 18,9 triệu đồng, được trừ 3.320.000đ.

 

Vụ thứ hai: Đoàn Quốc Phụng và Cao Văn Tứ trộm cắp 1.931kg sắt xây dựng (giá trị hơn 15,4 triệu đồng), đem bán được gần 12 triệu đồng chia nhau tiêu xài. Tòa đã tuyên phạt Phụng 4 năm tù, Tứ 3 năm tù về tội trộm cắp tài sản. Về số tiền gần 12 triệu đồng do bán tài sản trộm cắp mà có, tòa tuyên buộc các bị cáo nộp lại sung công quỹ Nhà nước. Các bị cáo phải liên đới bồi thường cho bị hại đủ số tiền hơn 15,4 triệu đồng (không được trừ gần 12 triệu đồng).

 

Hai vụ án trên có tình tiết về cơ bản giống nhau, nhưng cách giải quyết số tiền bán tài sản do trộm cắp mà có thì hoàn toàn khác nhau. Ở vụ thứ nhất, tòa coi đây là khoản tiền các bị cáo nộp để bồi thường cho bị hại tuyên nên trả cho bị hại. Vụ thứ hai, tòa lại xem đây là khoản tiền bất chính nên tuyên tịch thu sung quỹ Nhà nước (vô hình chung, các bị cáo đã phải “bồi thường” hai lần cho một hành vi chiếm đoạt tài sản).

 

3- Hà Thị Chung bị truy tố, xét xử về tội trộm cắp tài sản. Xét bị cáo phạm tội ít nghiêm trọng và có nhiều tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự, hội đồng xét xử đã tuyên phạt Chung hình phạt nhẹ nhất: cảnh cáo. Bản án không bị kháng cáo, kháng nghị nên đã có hiệu lực pháp luật. Theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự, bản án phải được đưa ra thi hành. Thế nhưng, một vấn đề nảy sinh: Việc thi hành hình phạt cảnh cáo được thực hiện như thế nào?

 

Có ý kiến cho rằng: Do hình phạt mà tòa tuyên phạt đối với bị cáo Chung không phải là tù giam nên bản án được thi hành ngay khi hội đồng xét xử tuyên bản án. Thực tế thời gian qua cho thấy, các trường hợp tòa tuyên phạt bị cáo hình phạt cảnh cáo, sau đó nếu vụ án không bị kháng cáo, kháng nghị thì xếp hồ sơ, coi như bản án đã được thi hành. Bởi, cảnh cáo chỉ là hình phạt bằng lời nói, mang tính khiển trách công khai, không mang tính cưỡng chế hay bắt buộc người bị kết án phải thực hiện một nghĩa vụ nào, như bị phạt tiền thì phải nộp tiền, phạt cải tạo không giam giữ thì bị giao cho chính quyền địa phương giám sát, giáo dục hoặc phạt tù thì phải thi hành án tại trại giam… Vì vậy, không thể và không cần thiết phải ra quyết định để thi hành hình phạt cảnh cáo.

 

Ý kiến khác lại lập luận: Cảnh cáo là một loại hình phạt. Do đó, theo quy định của BLTTHS, khi bản án có hiệu lực pháp luật thì chánh án tòa án đã xét xử sơ thẩm phải ra quyết định thi hành án. Luật không quy định và cũng không cho phép việc không ra quyết định thi hành án. Hơn nữa, chỉ ra quyết định thi hành án thì mới có thể xác định được thời điểm thi hành xong bản án. Vấn đề này có ý nghĩa rất quan trọng trong việc xóa án tích. Đặc biệt hơn, một bản án được tuyên đúng người, đúng tội, đúng pháp luật chẳng lẽ tuyên rồi thì để đấy, chỉ vì hình phạt đã tuyên là cảnh cáo?

 

BLTTHS có hẳn một phần (phần thứ năm) quy định về thi hành bản án và quyết định của tòa án, trong đó quy định cụ thể về việc thi hành các loại hình phạt (từ phạt tiền, cải tạo không giam giữ… đến phạt tù, phạt tử hình) nhưng tuyệt nhiên không có quy định nào về hình phạt cảnh cáo.

 

Có lẽ trên đây là những khiếm khuyết của BLHS, BLTTHS cần được xem xét sửa đổi, bổ sung. Tuy nhiên, trước mắt để việc áp dụng BLHS, BLTTHS được nghiêm chỉnh và thống nhất, các cơ quan chức năng cần sớm có hướng dẫn cụ thể về những vấn đề nói trên.

 

HỒ NGỌC THẢO

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek