Chủ Nhật, 27/10/2024 12:26 CH
Làm gì để ngăn chặn hiệu quả nạn phá rừng?
Thứ Tư, 15/03/2017 08:24 SA

Rừng tại tiểu khu 90 thuộc xã Phú Mỡ (huyện Đồng Xuân) bị phá - Ảnh: NGỌC CHUNG

Thời gian gần đây, tình trạng phá rừng trên địa bàn tỉnh có chiều hướng gia tăng, nhất là nạn phá rừng để lấy đất sản xuất đang diễn biến phức tạp. Làm gì để ngăn chặn vấn nạn này luôn là bài toán khó.

 

Phá rừng, nhiều đối tượng vướng vòng tố tụng

 

Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh vừa tiến hành bắt tạm giam ông Huỳnh Anh Khương (cán bộ Phòng TN-MT huyện Đồng Xuân) để điều tra hành vi hủy hoại rừng.

 

Theo kết quả điều tra ban đầu, từ tháng 3-5/2016, Phạm Xuân Trình (trú xã Xuân Quang 1, huyện Đồng Xuân, đã bị khởi tố, bắt tạm giam từ tháng 8/2016 về tội hủy hoại rừng) làm giả hồ sơ của 3 hộ dân La Mo Mang, La O Đấu, La Lan Dú ở xã Phú Mỡ (huyện Đồng Xuân) để xin được cấp chứng nhận quyền sử dụng đất với tổng diện tích 43ha rừng ở tiểu khu 90 (xã Phú Mỡ). Tiếp đó, Trình làm giả giấy chuyển nhượng quyền sử dụng đất rừng của 3 hộ dân trên cho mình rồi xin phép được phát dọn để trồng keo và được lãnh đạo xã Phú Mỡ đồng ý. Sau đó, Trình thuê hàng chục nhân công vào rừng chặt phá 6,72ha rừng phòng hộ và 8ha rừng sản xuất thuộc hai tiểu khu 83 và 90 của rừng xã Phú Mỡ trong thời gian ngắn. Một số người dân ở địa phương thấy Trình phá rừng nhưng không bị cơ quan chức năng xử lý nên cũng tổ chức lực lượng phát dọn rừng. Tổng diện tích rừng phòng hộ, rừng sản xuất bị phá hoại là 108ha. Cơ quan điều tra xác định ông Huỳnh Anh Khương đã giúp sức để Trình được cấp chứng nhận quyền sử dụng đất của 3 hộ dân ở xã Phú Mỡ. Ông Khương cũng trực tiếp đo đạc, xác định ranh giới đất rừng và đưa tiền để Trình thuê nhân công chặt phá rừng.

 

Liên quan đến vụ việc này, mới đây, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh đã ra quyết định khởi tố đối với La O Kính (trú xã Xuân Quang 1, huyện Đồng Xuân) và La Lan Thập (trú xã Phú Mỡ) về tội hủy hoại rừng theo quy định tại khoản 3, Điều 189, Bộ luật Hình sự.

 

Kết quả điều tra ban đầu xác định: Do thấy Phạm Xuân Trình tổ chức chặt phá rừng lấy đất trồng cây, La O Kính cũng muốn có đất rừng để canh tác nên rủ La Lan Thập đứng ra cùng tổ chức thuê nhân công và cùng trực tiếp với họ chặt phá diện tích 18,73ha rừng phòng hộ tại các lô số 2, 3, 8, 9 và 10 thuộc tiểu khu 83. Như vậy, đến nay, vụ phá rừng tại tiểu khu 83 và 90 ở xã Phú Mỡ đã có 4 bị can bị khởi tố.

 

Liên quan đến vụ phá rừng này, đầu tháng 10/2016, Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy đã kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo đối với các ông Nguyễn Hồng Đức, nguyên Giám đốc Văn phòng Đăng ký quyền sử dụng đất huyện Đồng Xuân; So Bếp, Huyện ủy viên huyện Đồng Xuân, Bí thư Đảng ủy xã Phú Mỡ do thiếu trách nhiệm và đề nghị huyện Đồng Xuân kỷ luật nhiều cán bộ khác theo thẩm quyền. Tiếp đó, các cơ quan chức năng cũng đã tiến hành kỷ luật bằng hình thức cách hết các chức vụ trong Đảng, cách chức Trưởng Phòng TN-MT huyện Đồng Xuân đối với ông Cao Thanh Lương; kỷ luật cảnh cáo đối với ông La O Hóa, Chủ tịch UBND xã Phú Mỡ; khai trừ Đảng, buộc thôi việc đối với ông Phan Văn Hóa, cán bộ Phòng TN-MT huyện.

 

Hiện Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh đang tiếp tục điều tra, mở rộng vụ án.

 

Làm gì để ngăn chặn?

 

Không chỉ phá rừng trên núi để lấy đất sản xuất mà cả rừng phòng hộ ven biển cũng đứng trước nguy cơ triệt phá để lấy đất nuôi tôm, đốn cây lấy gỗ. Mới đây nhất, vào ngày 5/3, nhiều người dân địa phương phát hiện HTX Nông nghiệp kinh doanh dịch vụ Hòa Hiệp Bắc (xã Hòa Hiệp Bắc, huyện Đông Hòa) ngang nhiên cho người đến cưa hạ, lấy gỗ phi lao tại khu rừng phòng hộ ven biển đưa lên xe chở đi.

 

Bức xúc vì đây là khu rừng phòng hộ ven biển do dân trồng đã trên 30 năm, và hiện giao cho HTX này quản lý nên nhiều người dân địa phương kéo đến bao vây hai chiếc xe chở gỗ, yêu cầu lập biên bản rồi buộc đưa về UBND xã để xử lý.

 

Kết quả kiểm tra ban đầu của Hạt Kiểm lâm huyện Đông Hòa cho thấy, có khoảng 35 cây phi lao bị cưa hạ, trong đó hầu hết là cây đang sống. Hiện các cơ quan chức năng đang vào cuộc để kiểm tra và xử lý những người liên quan đến vụ phá rừng phòng hộ này.

 

Là thẩm phán từng xét xử nhiều vụ phá rừng trên địa bàn tỉnh, ông Võ Nguyên Tùng, Chánh Tòa Hình sự (TAND tỉnh), cho rằng có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng phá rừng khiến nhiều người phải vướng vào vòng lao lý. Tuy nhiên, tựu trung lại có một số nguyên nhân dẫn đến tình trạng phá rừng, khai thác lâm sản vi phạm nói trên là do đời sống của người dân sống gần rừng còn khó khăn, thiếu đất sản xuất nên bị một số đối tượng thuê mướn, xúi giục tham gia phá rừng, khai thác, vận chuyển lâm sản trái phép. Thời gian qua, công tác giao đất cho dân để phát triển lâm nghiệp còn nhiều bất cập, diện tích giao chưa phù hợp và đúng với thực địa, chưa hướng dẫn người dân thực hiện nên khi phát dọn thực bì dẫn đến nhiều sai phạm. Trong khi đó, chế tài áp dụng xử lý các đối tượng vi phạm chưa kịp thời nghiêm minh, nhất là những đối tượng tham gia phá rừng là người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số, người có hoàn cảnh khó khăn không có điều kiện để thi hành quyết định, không có tài sản để cưỡng chế. Ngoài ra, chính quyền địa phương chưa làm hết trách nhiệm trong công tác quản lý nhà nước về rừng, nhất là trên diện tích đã được UBND tỉnh thu hồi đất của các ban quản lý rừng phòng hộ giao trả lại cho các xã quản lý, lập thủ tục giao cho dân.

 

Cũng theo ông Tùng, để ngăn chặn tình trạng này, trong thời gian đến, các cấp ngành liên quan cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về bảo vệ, phát triển rừng đến các tầng lớp nhân dân trên địa bàn quản lý bằng các hình thức phù hợp. Đồng thời phối hợp với chính quyền địa phương, chủ rừng, các đơn vị chức năng tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát, kịp thời phát hiện, bắt giữ, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm và tổ chức điều tra xác định đối tượng phá rừng để xử lý theo quy định.

 

“Ngành Nông nghiệp tỉnh cần tiếp tục phối hợp với cơ quan công an, Viện KSND, TAND các cấp và chính quyền địa phương điều tra xác định rõ nguyên nhân, trách nhiệm và đối tượng tham gia phá rừng để tham mưu cho UBND tỉnh có hướng chỉ đạo cụ thể. Song song đó, cơ quan chức năng cần điều tra làm rõ đối tượng chủ mưu, cầm đầu tham gia phá rừng, khai thác, vận chuyển gỗ trái phép để xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật. Có làm được như vậy, tình trạng phá rừng mới giảm”, ông Tùng phân tích thêm.

 

VĂN TÀI

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek