Theo thống kê của Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội Công an Phú Yên, 6 tháng đầu năm 2007, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 254 vụ phạm pháp hình sự với 368 đối tượng là thanh thiếu niên vi phạm pháp luật, tăng 70 vụ, 85 đối tượng so với cùng kỳ năm ngoái.
Nhóm đối tượng trẻ tuổi ở phường Phú Lâm dùng mã tấu gây thương tích cho người khác vừa bị CATP Tuy Hòa bắt giữ – Ảnh: T.NHÀN |
Các hành vi vi phạm chủ yếu là trộm cắp, cướp, cướp giật, gây rối trật tự công cộng, đánh người gây thương tích, trong đó hành vi cố ý gây thương tích chiếm 40%. Điều làm cho mọi người băn khoăn, suy nghĩ đó là các đối tượng thực hiện hành vi phạm tội này tuổi đời còn quá trẻ, hầu hết các đối tượng này là những học sinh còn đang ngồi trên ghế nhà trường. Chỉ vì mâu thuẫn nhỏ, các đối tượng sử dụng hung khí giải quyết mâu thuẫn, gây ra những hậu quả nghiêm trọng.
Cho đến bây giờ, gia đình của em Phạm Văn Huy, sinh năm 1992, trú 150B Lê Trung Kiên, phường 2, TP Tuy Hòa vẫn chưa hết xót xa, bàng hoàng về cái chết của con mình. Do có mâu thuẫn với nhau từ trước, vào sáng 11/3/2007 Lương Ngọc Đại là bạn của Đặng Phước Hùng, sinh năm 1990 trú Ngọc Lãng, Bình Ngọc, TP Tuy Hòa lên khu vực gần ga Tuy Hòa ăn sáng thì bị nhóm của Huy tìm đánh. Đại chạy về tìm anh em Trương Đại Lắm, Trương Đại Lý ở cùng khu phố để cầu cứu. Ngay lập tức, Lắm và Lý đi tìm Huy để giải quyết mâu thuẫn. Dọc đường đi, Lý mua dao đưa cho Hùng. Đến gần khu vực ga, hai nhóm gặp nhau trên đường Nguyễn Huệ và xảy ra xô xát. Hùng đã rút dao đâm Phạm Văn Huy nhiều nhát rồi bỏ trốn. Do vết thương quá nặng, Huy đã chết sau khi được đưa đến bệnh viện cấp cứu. Giờ đây, khi ngồi trong trại giam, Hùng mới cảm thấy ân hận về những việc làm mà mình đã gây ra.
Có rất nhiều nguyên nhân dẫn các em đến con đường vi phạm pháp luật, nhưng phần lớn là do một số gia đình thờ ơ, buông lỏng trong việc quản lý, giáo dục con em. Mặt khác, do còn trẻ, cộng với tác động của phim ảnh bạo lực nên các em đã không ý thức được hậu quả của những việc mình làm.
Bên cạnh đó, ở lứa tuổi này, các em thường hay “bốc đồng”, thích ra vẻ ta đây là “anh hùng” và tức giận khi có người khác can ngăn vào việc làm của mình. Ngoài ra, sự phối hợp, thông tin hai chiều giữa gia đình và nhà trường còn nhiều lỏng lẻo, chưa chặt chẽ cũng là một nguyên nhân.
Một vấn đề đáng quan tâm hiện nay là hầu hết hung khí mà các đối tượng trẻ tuổi sử dụng gây án là dao Thái Lan và mã tấu. Đáng nói, để có được những hung khí gây án, các đối tượng tìm mua hung khí từ nơi khác cất giấu chờ “thời cơ” gây án. Mới đây, cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP Tuy Hòa đã xử lý một nhóm thanh thiếu niên về hành vi mua bán, tàng trữ và sử dụng hung khí.
Theo kết luận của cơ quan điều tra, khoảng cuối tháng 6/2007, Lê Văn Phi nhờ bạn ở Hà Nội mua 20 cây mã tấu rồi chuyển về Tuy Hòa. Sau khi nhận “hàng”, Phi chia cho Lê Minh Hải 11 cây và giữ lại 9 cây để sử dụng. Hải tiếp tục chia 11 cây mã tấu này cho Lê Nguyễn Minh Huy, Doãn Thái Bảo, Ngôn Văn Sơn, Phạm Đăng Quang, Ngô Văn Trường, Nguyễn Bảo Trung, Nguyễn Thành Trung và Nguyễn Thành Lợi. Có mã tấu trong tay, một số đối tượng cất giấu, chờ có cơ hội sử dụng, số còn lại đã sử dụng làm hung khí trong các vụ đánh người gây thương tích. Tổng cộng, các đối tượng trong nhóm này đã gây ra 3 vụ đánh người gây thương tích trên địa bàn thành phố.
Nghiêm trọng nhất là vụ cố ý gây thương tích xảy ra vào ngày 20/8/2007. Chỉ vì một mâu thuẫn nhỏ mà Nguyễn Thành Trung, Nguyễn Đình Lợi cùng Đào Xuân Hoàng, đều trú phường Phú Lâm, đã sử dụng mã tấu đánh anh Nguyễn Quang Chấp, Nguyễn Quang Lý và Nguyễn Quang Lê gây thương tích nặng. Ngày 18/9/2007, 3 đối tượng trên đã bị Công an TP Tuy Hòa khởi tố, bắt tạm giam về hành vi cố ý gây thương tích.
Để ngăn chặn tình trạng này, giúp các em tránh xa con đường phạm tội, thiết nghĩ cần phải có sự phối hợp chặt chẽ giữa gia đình, nhà trường và xã hội. Được biết trong thời gian qua, ban giám hiệu các trường học đã tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục và đề ra nhiều biện pháp quản lý, giáo dục các em, giúp cho các em trở thành con ngoan, trò giỏi.
Thanh niên là người chủ tương lai của đất nước. Để có thể tạo ra những con người có đầy đủ phẩm chất, năng lực và trí tuệ đóng góp cho xã hội, hơn ai hết gia đình phải là điểm tựa vững chắc cho các em. Sự quan tâm, chăm sóc, quản lý của các bậc cha mẹ cùng với sự phối hợp chặt chẽ của nhà trường, của các cấp, các ngành, đoàn thể sẽ hạn chế tối đa tình trạng thanh thiếu niên vi phạm pháp luật.
THU NHÀN