Thứ Ba, 29/10/2024 06:28 SA
Trợ giúp pháp lý cho người khuyết tật
Thứ Tư, 10/08/2016 09:39 SA

Với hơn 17.300 người khuyết tật trên địa bàn tỉnh, thời gian qua, Trung tâm Trợ giúp pháp lý (TGPL) Nhà nước tỉnh đã có nhiều hoạt động thiết thực như tư vấn và TGPL, tập huấn nghiệp vụ, khảo sát nhu cầu TGPL…, góp phần nâng cao nhận thức pháp luật cho đối tượng này. Đồng thời, trung tâm đảm bảo 100% người khuyết tật được TGPL khi có

yêu cầu.

 

Cán bộ Trung tâm TGPL Nhà nước tỉnh phát phiếu yêu cầu khảo sát nhu cầu TGPL cho người khuyết tật ở xã Hòa Thắng (huyện Phú Hòa) - Ảnh: VĂN TÀI

Đảm bảo 100% người khuyết tật được trợ giúp pháp lý

 

Có mặt tại buổi khảo sát và TGPL cho người khuyết tật ở xã Hòa Thắng (huyện Phú Hòa) do Trung tâm TGPL Nhà nước tỉnh phối hợp với Sở LĐ-TB-XH và Phòng LĐ-TB-XH huyện tổ chức, chúng tôi mới phần nào hiểu được nhu cầu TGPL của người khuyết tật. Bởi do hạn chế trong việc đi lại, nghe nói, tiếp xúc, trao đổi nên họ không thể chủ động đến các địa điểm TGPL lưu động, trung tâm hay chi nhánh để yêu cầu TGPL. Chưa kể, với trường hợp bị khuyết tật về nghe, nói thì việc tiếp cận để được TGPL lại càng khó khăn hơn, bởi họ chỉ có thể truyền tải các thông tin bằng cử chỉ, hình ảnh. Trong khi đó, ngay cả đối với người thân hoặc người được học ngôn ngữ của người khiếm thính cũng không thể chuyển tải nội dung họ muốn nói do kho ký hiệu giao tiếp cho đối tượng này còn ít.

 

Tại buổi khảo sát và TGPL ở xã Hòa Thắng, ông Trương Văn Hoàng, một người dân, đã đưa ra nhiều thắc mắc với đoàn tư vấn. Ông hỏi: Con trai tôi không đi được và mong muốn Nhà nước hỗ trợ cấp miễn phí một chiếc xe lăn. Tuy nhiên, hỏi địa phương thì nói không biết, vậy tôi phải làm thủ tục gì để được cấp xe lăn miễn phí? Còn bà Lê Thị Thảng thì nêu thẳng vấn đề: “Chúng tôi đi lại rất khó khăn. Nhưng mỗi lần bệnh thì thẻ BHYT chỉ cho khám bệnh ở trạm y tế xã. Trong khi đó, nếu bệnh nặng, phải xin chuyển viện thì mất nhiều thời gian. Vì vậy, tôi mong muốn BHXH tỉnh và các ngành có liên quan tạo điều kiện cho chúng tôi trong việc đăng ký khám chữa bệnh ban đầu ở tuyến huyện hoặc tỉnh để khỏi mất thời gian đi lại và làm thủ tục nhiêu khê.

 

Vướng mắc của bà Thảng cũng là vướng mắc chung của nhiều người khuyết tật mà Trung tâm TGPL Nhà nước tỉnh khảo sát và TGPL ở các huyện Đồng Xuân, Đông Hòa vừa qua. Bên cạnh đề nghị tạo điều kiện thuận lợi trong việc khám chữa bệnh, đa phần vướng mắc của bà con thường xoay quanh các chế độ bảo trợ xã hội dành cho mình hay về trình tự, thủ tục hưởng trợ cấp xã hội, các vấn đề liên quan đến quyền của người khuyết tật. Trong khi đó, việc tiếp cận các dịch vụ TGPL đối với người khuyết tật còn gặp nhiều khó khăn. Những người khuyết tật vốn đã gặp trở ngại trong việc đi lại, giao tiếp, chưa kể những trường hợp bị các dạng tật phức tạp như câm, điếc, mù thì việc tiếp cận dịch vụ TGPL lại là cả một vấn đề lớn.

 

“Để chính sách TGPL đến được với người khuyết tật có nhu cầu, cần đẩy mạnh xã hội hóa, huy động nguồn lực cho hoạt động này. Qua đó, trung tâm sẽ bảo đảm quyền được TGPL của người khuyết tật theo hướng giải quyết thỏa đáng giữa quản lý nhà nước với vai trò tự quản của các tổ chức xã hội tham gia TGPL. Tăng cường truyền thông về hoạt động TGPL, giúp họ nâng cao nhận thức, tìm hiểu và giải thích pháp luật để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho người khuyết tật. Đảm bảo 100% người khuyết tật thuộc diện TGPL khi có yêu cầu”, Giám đốc Trung tâm TGPL Nhà nước tỉnh Lương Văn Trương chia sẻ.

 

Xây dựng mô hình trợ giúp pháp lý hiệu quả

 

Theo ông Lương Văn Trương, thời gian qua, trung tâm đã tăng cường bồi dưỡng kỹ năng đối với người thực hiện TGPL trong việc TGPL cho người khuyết tật; tập huấn cho đội ngũ cộng tác viên cơ sở kiến thức về chế độ, chính sách của người khuyết tật, kỹ năng TGPL đặc thù vì họ là người có điều kiện tiếp xúc với người khuyết tật, là người đầu tiên mà người khuyết tật tìm đến khi có nhu cầu TGPL. Bên cạnh đó, trung tâm còn đẩy mạnh hoạt động TGPL lưu động cho người khuyết tật, không chỉ dừng lại ở việc tư vấn mà người thực hiện TGPL phải đến tận nơi ở của người khuyết tật để giúp đỡ họ hoàn thành hồ sơ, làm đại diện thực hiện các thủ tục pháp lý cần thiết, liên hệ với cơ quan chức năng để giải quyết giúp họ thông qua hình thức đại diện ngoài tố tụng. Đặc biệt, trung tâm còn đẩy mạnh công tác truyền thông pháp luật về TGPL thông qua các hình thức khảo sát, tư vấn, TGPL lưu động cho người khuyết tật và đông đảo các tầng lớp nhân dân. Qua đó không chỉ giúp người khuyết tật biết được quyền của mình, mà còn giúp người dân có nhận thức, thái độ đúng đắn, sẵn sàng hỗ trợ, giúp đỡ những người kém may mắn hòa nhập cộng đồng.

 

Ông Trần Văn Cung (Phòng Bảo trợ, Sở LĐ-TB-XH) cho biết việc Trung tâm TGPL Nhà nước phối hợp với các sở, ban, ngành liên quan đẩy mạnh công tác truyền thông về hoạt động TGPL cho người khuyết tật là việc làm cần thiết. Điều đó giúp các chính sách liên quan đến quyền và lợi ích của người khuyết tật được đưa đến tận cơ sở. Nhất là hiện nay, hoạt động tư vấn pháp lý cho người khuyết tật mới chỉ đáp ứng được khoảng 10% nhu cầu của cộng đồng người khuyết tật và còn hàng nghìn người khuyết tật trong tỉnh chưa được tiếp cận các dịch vụ tư vấn và TGPL. Nguyên nhân khiến nhiều người khuyết tật chưa tiếp cận được hoạt động này là do những rào cản về dạng tật, ngôn ngữ giao tiếp, do nguồn lực dành cho TGPL có tăng nhưng ngân sách địa phương hạn hẹp, chưa bố trí kinh phí riêng nên hoạt động TGPL cho người khuyết tật chưa mang tính chuyên sâu…

 

“Để khắc phục những khó khăn, vướng mắc trên và nâng cao hiệu quả công tác này, bên cạnh tiếp tục hoàn thiện hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật về bảo đảm quyền được TGPL của người khuyết tật, trong thời gian tới, Phú Yên cần phải xây dựng được mô hình TGPL hiệu quả cho người khuyết tật. Cùng với đó, việc đẩy mạnh xã hội hóa, huy động nguồn lực cho hoạt động TGPL đối với người khuyết tật; tăng cường truyền thông pháp luật về TGPL thông qua các phương tiện thông tin đại chúng với hình thức phù hợp cũng hết sức quan trọng. Ngoài ra, những người thực hiện TGPL cần được tập huấn thường xuyên để có điều kiện tiếp cận với người khuyết tật và có thể là người được tìm đến đầu tiên khi người khuyết tật có yêu cầu TGPL”, Giám đốc Trung tâm TGPL Nhà nước tỉnh Lương Văn Trương nhấn mạnh.

 

VĂN TÀI

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek