Thời gian qua, việc xây dựng tủ sách pháp luật (TSPL) ở các xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh đã giúp phổ biến pháp luật, cũng như nâng cao hiểu biết, ý thức chấp hành pháp luật cho người dân. Tuy nhiên, thực tế hiện nay, TSPL ở cơ sở vẫn còn nhiều bất cập cần khắc phục để phát huy hiệu quả tốt hơn.
Tủ sách pháp luật không hiệu quả nên ngành Tư pháp tăng cường tuyên truyền pháp luật bằng tờ rơi. Trong ảnh: Trung tâm Trợ giúp pháp lý cấp phát tờ rơi cho người dân xã Ea Bar (huyện Sông Hinh) - Ảnh: V.TÀI |
HIỆU QUẢ CHƯA CAO
Ngày 25/11/1998, Thủ tướng Chính phủ có Quyết định 1067 phê duyệt dự án Xây dựng và quản lý TSPL ở xã, phường, thị trấn. Tiếp đó, ngày 25/1/2010, Thủ tướng Chính phủ có Quyết định 06/2010/QĐ-TTg về việc xây dựng, quản lý, khai thác TSPL. Theo đó, TSPL cấp xã, phường là nơi lưu giữ, khai thác sách, báo, tài liệu pháp luật để phục vụ công tác cho cán bộ, cũng như nhu cầu tìm hiểu của người dân. Do đó, TSPL phải thường xuyên được chọn lọc, bổ sung các loại sách, báo, tài liệu và phải được đặt ở vị trí thuận tiện. Bên cạnh đó, cán bộ quản lý, khai thác TSPL có trách nhiệm tuyên truyền, vận động, giới thiệu để người dân đến nghiên cứu, tìm hiểu pháp luật.
Tại Phú Yên, để cụ thể quyết định của Thủ tướng, ngày 12/12/2008, UBND tỉnh đã có Quyết định 2079 về việc ban hành Quy chế xây dựng, khai thác, TSPL ở xã, phường, thị trấn và cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, trường học trên địa bàn tỉnh. Sau khi có quy chế, hầu hết các xã, phường, thị trấn đều đã xây dựng được TSPL. Thế nhưng, đến nay, qua thực tế, nhiều TSPL ở cơ sở đã hoạt động không hiệu quả. Nhiều xã, phường xây dựng TSPL chỉ với lèo tèo vài đầu sách, văn bản luật, các loại báo nhưng phần lớn đều đã cũ. Đặc biệt, nhiều nơi đặt TSPL ở khuất bên trong, thông thường được đặt ở một góc khiêm tốn trong phòng làm việc của cán bộ tư pháp nên người dân khó tiếp cận. Điều này trái ngược hoàn toàn với tiêu chí: “TSPL phải được đặt ở vị trí thuận tiện, dễ thấy và phong phú số lượng đầu sách, báo” như quy định tại Quyết định 06/2010/QĐ-TTg.
Theo anh Phan Bá Hoài, cán bộ tư pháp xã Ea Bar (huyện Sông Hinh), hàng năm, ngoài kinh phí được hỗ trợ, xã còn trích 3 triệu đồng để mua bổ sung các loại sách, văn bản luật. Tuy nhiên, hiện TSPL của xã vẫn còn hạn chế về số đầu sách và hoạt động chưa hiệu quả. “Nguyên nhân là do cán bộ tư pháp xã phải làm kiêm nhiệm, nhiều lúc không có mặt thường xuyên tại nơi làm việc. Do đó, khi người dân có nhu cầu mượn sách thì không gặp được cán bộ tư pháp nên họ không mấy mặn mà trong việc tìm đến TSPL để tham khảo. Nhất là hiện nay, các phương tiện thông tin phát triển, người dân có thể tự tìm hiểu các văn bản, chính sách pháp luật nên họ càng ít tìm tới TSPL”, anh Hoài nói.
Không riêng gì TSPL của xã Ea Bar mà hầu hết các TSPL ở xã, phường, thị trấn trên địa bàn các huyện Đông Hòa, Tây Hòa và TP Tuy Hòa… cũng rơi vào hoàn cảnh tương tự khi “năm thuở mười thì” mới có một người dân đến mượn sách, văn bản luật để tìm hiểu. Đặc biệt, ở những xã thuộc các huyện miền núi Sông Hinh, Sơn Hòa và Đồng Xuân thì TSPL gần như chỉ tồn tại “cho có” bởi số lượng sách, báo liên quan đến pháp luật hết sức nghèo nàn, còn người dân thì cả năm không đụng tới TSPL để tìm hiểu.
CẦN GIẢI PHÁP THÁO GỠ
Theo đánh giá của Hội đồng phổ biến giáo dục pháp luật tỉnh, phần lớn các TSPL ở cơ sở hiện vẫn chưa phát huy hết hiệu quả, chưa đáp ứng nhu cầu tìm đọc của người dân khi cần. Ông La Chí Tùng, Bí thư Đảng ủy xã Krông Pa (huyện Sơn Hòa), cho biết hiện nay, bạn đọc của TSPL phần đông là cán bộ địa phương. Riêng người dân thì “ngại” đến tìm hiểu, bởi các lý do như: không có nhu cầu, tài liệu còn hạn chế, chưa thật sự hấp dẫn, việc mượn, đọc còn phụ thuộc giờ hành chính nên không thuận tiện... nên chưa phát huy hết hiệu quả của mô hình là chuyện đương nhiên.
Qua khảo sát ở cơ sở cho thấy, sau nhiều năm triển khai, mô hình TSPL hiện nay tồn tại nhiều bất cập. Đó là văn bản quy phạm pháp luật được sửa đổi, bổ sung hoặc bãi bỏ hàng năm khá nhiều làm cho việc cập nhật, thay thế ở cấp xã gặp nhiều khó khăn, không đáp ứng kịp thời nhu cầu tìm đọc của người dân khi cần đến. Thêm vào đó, TSPL được đặt ở vị trí không thuận tiện, chủ yếu đặt tại phòng làm việc của công chức tư pháp - hộ tịch khiến người dân ngại đến tìm đọc sách, báo, tài liệu pháp luật trong giờ hành chính, còn ngoài giờ hành chính thì tủ sách không có ai phục vụ. Đó là chưa kể đến nhiều nơi, phòng đọc chật chội, xuống cấp, phải tận dụng những nơi không thuận tiện. Ngoài ra, người dân chưa có thói quen tự tìm hiểu pháp luật thông qua TSPL ở cơ sở, mà chỉ khi có những vướng mắc liên quan đến pháp luật hoặc quyền lợi bị xâm phạm thì lúc đó mới tìm hiểu.
Thực trạng là vậy, nhưng mới đây, Sở Tư pháp vẫn có thông báo mời thầu mua sắm sách pháp luật để trang bị cho TSPL ở cấp xã, phường, thị trấn trong tỉnh, nguồn vốn từ ngân sách với kinh phí khoảng 200 triệu đồng. Lý giải vấn đề này, bà Nguyễn Thị Hoàng Oanh, Trưởng phòng Tuyên truyền (Sở Tư pháp), nói: “Chúng tôi đang chuẩn bị cho công tác tổng kết 5 năm thực hiện Quyết định 06/2010/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc xây dựng, quản lý, khai thác TSPL. Qua báo cáo của một số cơ quan, đơn vị, hiệu quả của TSPL có chỗ được, chỗ chưa đạt như mong muốn. Nhưng một số địa phương vẫn cần có TSPL để trang bị kiến thức pháp luật cho người dân nên chúng tôi phải mua sách”.
Bà Oanh cũng nhìn nhận, để TSPL thật sự là một kênh thông tin chính thống, có giá trị, đòi hỏi các địa phương cần có sự quan tâm sâu sắc, chỉ đạo kịp thời, tạo điều kiện phát triển các nguồn lực để đầu tư TSPL. Nhất là cần có quy định riêng cho việc phát triển mô hình TSPL tại những vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số. Song song đó, trong thời gian tới, để khai thác tối đa hiệu quả các TSPL, ngoài việc thường xuyên rà soát, bổ sung thêm đầu sách mới, bố trí đặt TSPL tại nơi thuận tiện cho người dân, các địa phương nên xã hội hóa tủ sách này bằng việc vận động cơ quan, tổ chức, người dân, bạn đọc… tham gia hiến sách. Khi tủ sách không còn là kênh riêng của ngành Tư pháp quản lý, nhiều ngành tham gia hỗ trợ bổ sung kinh phí, tài liệu, ắt bạn đọc của TSPL sẽ ngày càng nhiều hơn, đáp ứng nhu cầu tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật tại cơ sở.
Theo thống kê của Sở Tư pháp, hiện Phú Yên có 1.045 TSPL ở cấp xã, trong trường học, các cơ quan hành chính… với hơn 11.600 sách pháp luật các loại. Nhiều đơn vị có tủ sách nhưng số người đọc rất khiêm tốn. Cụ thể, huyện Sông Hinh có 11 TSPL cấp xã, thị trấn thì bình quân chỉ có 24 người đọc/năm; các cơ quan hành chính ở huyện Đồng Xuân có 61 TSPL, bình quân có 35 người đọc/năm; Sở Y tế và các đơn vị trực thuộc có 29 TSPL, bình quân có 45 người đọc/năm. |
VĂN TÀI