Trong quá trình cải cách tư pháp, vai trò của đội ngũ luật sư Phú Yên ngày càng có chuyển biến rõ rệt, nhất là trong việc tham gia bào chữa tại các phiên tòa, góp phần hạn chế tối đa oan sai, bảo vệ quyền, lợi ích của công dân cũng như sự nghiêm minh của pháp luật.
Chỉ có 18 luật sư chính thức và 2 luật sư tập sự hoạt động ở 8 văn phòng luật sư cùng 4 văn phòng giao dịch của tổ chức hành nghề luật sư, nhưng trong 5 năm qua (2011-2015), các luật sư thuộc Đoàn Luật sư Phú Yên đã tích cực tham gia xây dựng pháp luật, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của Nhà nước và công dân.
Theo báo cáo của Đoàn Luật sư Phú Yên trong nhiệm kỳ 2010-2015, các luật sư trong tỉnh đã tham gia bào chữa, bảo vệ quyền lợi trong 263 vụ án hình sự tại TAND các cấp và cơ quan cảnh sát điều tra, 197 vụ án dân sự, 32 vụ án kinh tế, 105 vụ án hôn nhân và gia đình, 23 vụ án lao động và hành chính, 115 vụ việc ủy quyền, 712 tư vấn vụ việc và dịch vụ pháp lý khác. Ngoài hoạt động tham gia tố tụng, các luật sư cũng đã trợ giúp pháp lý miễn phí 215 vụ việc cho các đối tượng chính sách; tư vấn miễn phí 450 vụ việc, tổ chức 6 đợt tư vấn pháp luật lưu động tại 6 xã trong tỉnh. Đồng thời tư vấn miễn phí 340 vụ, việc pháp luật tại trụ sở của Đoàn Luật sư và các Văn phòng luật sư nhân ngày truyền thống Luật sư Việt Nam.
Song song đó, Đoàn Luật sư Phú Yên cũng đã phối hợp với Sở Tư pháp soạn thảo và ban hành Quy chế phối hợp quản lý Nhà nước và chế độ tự quản của Đoàn Luật sư trong tổ chức, quản lý hoạt động luật sư trên địa bàn tỉnh cũng như thực hiện chiến lược phát triển hoạt động nghề luật sư Phú Yên đến năm 2020. Đồng thời tham gia ký kết chương trình phối hợp giữa Đoàn Luật sư với: Sở Tư pháp, Hội Luật gia, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, Thanh tra… về giám sát và nâng cao hiệu quả việc giải quyết khiếu nại, tố cáo cơ sở. Cử luật sư tham gia góp ý nhiều dự án luật như Luật Dân sự, Luật Tố tụng dân sự sửa đổi, bổ sung; Luật Tố tụng hình sự sửa đổi, bổ sung; Luật Tố tụng hành chính…
Theo luật sư Nguyễn Hương Quê, Chủ nhiệm Đoàn Luật sư Phú Yên, các luật sư trên địa bàn tỉnh đã không ngừng nâng cao chuyên môn, nghiệp vụ cũng như trách nhiệm nghề nghiệp của mình đối với khách hàng và xã hội. Nhất là các luật sư đều tích cực nâng cao chất lượng tham gia tranh tụng tại tòa khi bào chữa, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho khách hàng trong các vụ án hình sự, dân sự, kinh tế, hành chính và lao động... góp phần bảo vệ công lý, bảo vệ pháp chế xã hội chủ nghĩa. Đặc biệt, việc tổ chức quán triệt và triển khai thực hiện chiến lược cải cách tư pháp theo Nghị quyết 49 của Bộ Chính trị về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020 đã được Ban chủ nhiệm tập trung tuyên truyền đến từng luật sư và các văn phòng luật. Qua đó giúp các luật sư nhận thức đúng đắn chủ trương, quan điểm của Đảng và Nhà nước về chiến lược cải cách tư pháp, hiểu rõ hơn ý nghĩa và tầm quan trọng của công cuộc cải cách tư pháp, vị trí, vai trò, trách nhiệm của các hoạt động tư pháp.
Cần cải cách tư pháp đi đúng lộ trình
Trong thời gian qua, thời hạn giải quyết vụ án, công tác thụ lý và đưa vụ án ra xét xử rất chậm gây tiêu cực, phiền toái cho nhân dân rất nhiều, nhất là trong các vụ án dân sự. Điều này ảnh hưởng tới niềm tin của người dân về công lý. Thời hạn thụ lý vụ án luật quy định rất rõ ràng nhưng thẩm phán không chịu giải quyết dẫn đến nhiều đương sự phải tự giải quyết dẫn tới tranh chấp đánh nhau, gây mất trật tự địa phương; tài sản bị tẩu tán khi xét xử xong nên không thi hành án được. Đặc biệt, việc thẩm phán chây ỳ vi phạm thời hạn nhiều năm thì pháp luật không có chế tài xử lý nhưng người dân kháng cáo, khiếu nại, yêu cầu… trễ thời gian thì lại không chấp nhận. Do đó, công tác phổ biến giáo dục pháp luật, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật cho cán bộ và nhân dân, nhất là cán bộ ở cấp phường, xã, thị trấn cần phải tăng cường. Có như vậy mới góp phần thúc đẩy tiến trình cải cách tư pháp đi đúng lộ trình.
Luật sư Nguyễn Hương Quê, Chủ nhiệm Đoàn Luật sư Phú Yên |
VĂN TÀI