Cải cách tư pháp (CCTP) là chủ trương lớn của Đảng nhằm từng bước xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội bền vững, chủ động hội nhập quốc tế. Xác định vai trò quan trọng, là trung tâm của tiến trình CCTP, thời gian qua, TAND tỉnh đã nỗ lực thực hiện CCTP trên địa bàn toàn tỉnh.
Chánh án TAND tỉnh Lê Văn Phước cho biết, trong nhiệm kỳ 2011-2015, TAND hai cấp đã giải quyết 17.270 vụ án các loại, đạt tỉ lệ bình quân là 92,8%. Số án bị hủy 185 vụ, chiếm tỉ lệ hơn 1%; số vụ án bị sửa 175 vụ, chiếm tỉ lệ hơn 1%, đều thấp hơn tỉ lệ quy định chung. Mặc dù vẫn còn có án bị hủy, sửa nhưng có thể khẳng định chất lượng giải quyết, xét xử các loại án đã được nâng lên rõ rệt. Đồng thời, tòa án hai cấp đã chú trọng nâng cao chất lượng tranh tụng tại phiên tòa nhằm đảm bảo việc xét xử của tòa công bằng, nghiêm minh và đúng pháp luật. Trong đó, chất lượng xét xử tiếp tục được đảm bảo và có những tiến bộ nhất định, tỉ lệ các bản án, quyết định bị hủy, sửa do lỗi chủ quan của thẩm phán năm sau thường thấp hơn năm trước. Việc xét xử các vụ án hình sự cơ bản đảm bảo đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, đã hạn chế đến mức thấp nhất các trường hợp kết oan người không có tội. |
CHẤT LƯỢNG XÉT XỬ CÁC LOẠI ÁN ĐƯỢC NÂNG LÊN
Theo Chánh án TAND tỉnh Lê Văn Phước, trên cơ sở thực hiện Nghị quyết 08-NQ/TW ngày 2/1/2002, Nghị quyết 49-NQ/TW ngày 2/6/2005 của Bộ Chính trị và yêu cầu “Đổi mới thủ tục hành chính tư pháp trong hoạt động của tòa án các cấp nhằm công khai, minh bạch các hoạt động của tòa án, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân khi có công việc liên quan đến tòa án”, trong thời gian qua, TAND hai cấp ở Phú Yên đã có nhiều cố gắng trong thực hiện CCTP gắn với nhiệm vụ trọng tâm hàng năm. Trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, Ban cán sự đảng, lãnh đạo TAND tỉnh đã gắn việc thực hiện nhiệm vụ chính trị với nhiệm vụ CCTP và Kết luận 92-KL/TW ngày 12/3/2014 của Bộ Chính trị. Qua đó nâng cao ý thức, trách nhiệm của đảng viên, công chức, người lao động ở TAND hai cấp khi giải quyết công việc cho người dân, cũng như thực hiện nghiêm túc giờ làm việc, hoàn thành nhiệm vụ được phân công, có thái độ lịch sự, tôn trọng nhân dân khi giải quyết công việc. TAND hai cấp cũng tiếp tục thực hiện Kế hoạch 16-KH/CCTP ngày 17/4/2014 của Ban Chỉ đạo CCTP tỉnh về thực hiện Kế hoạch 35-KH/CCTP của Ban Chỉ đạo CCTP Trung ương. TAND tỉnh đã xây dựng Kế hoạch 06/KH-TA ngày 18/4/2014 về triển khai thi hành Hiến pháp năm 2013 và quán triệt Kết luận 92-KL/TW ngày 12/3/2014 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết 49-NQ/TW ngày 2/6/2005 của Bộ Chính trị khóa IX về Chiến lược CCTP đến năm 2020 trong TAND hai cấp trên địa bàn.
Cùng với đó, tòa án hai cấp đã tích cực triển khai sâu rộng việc nâng cao chất lượng tranh tụng tại phiên tòa, đảm bảo cho những người tham gia tố tụng thực hiện đầy đủ các quyền và nghĩa vụ của họ. Với việc áp dụng nhiều biện pháp đồng bộ, công tác kiểm tra, giám đốc của tòa án cấp trên đối với tòa án cấp dưới, giải quyết đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm đã có nhiều chuyển biến tích cực. Nhiều vụ việc bức xúc, kéo dài đã được tập trung xem xét, giải quyết dứt điểm… góp phần đáp ứng yêu cầu CCTP trong tình hình mới.
CHÚ TRỌNG CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH TƯ PHÁP
Theo ông Nguyễn Văn Thanh, Chánh văn phòng TAND tỉnh, bên cạnh việc thực hiện tiến trình CCTP, trong thời gian qua, TAND tỉnh còn chú trọng triển khai cải cách hành chính tư pháp. Trước đây, khâu tiếp dân và tiếp nhận đơn khởi kiện giao cho từng tòa chuyên trách, người dân đến nộp đơn khởi kiện loại vụ án nào thì đến liên hệ với tòa chuyên trách đó. Điều này gây khó khăn, phiền hà cho người dân trong trường hợp đến liên hệ nộp đơn mà không có cán bộ của tòa chuyên trách trực tiếp dân do phải đi đo đạc, định giá, tống đạt văn bản tố tụng... Bên cạnh đó, việc giao cho tòa chuyên trách tiếp dân, nhận và thụ lý đơn dễ xảy ra tình trạng không được khách quan trong hoạt động thụ lý vụ án, chánh án cũng không thể quản lý được công tác thụ lý án của các tòa chuyên trách. Nhiều trường hợp tòa chuyên trách thụ lý khi chưa đủ điều kiện khởi kiện, thụ lý sai, dẫn đến thụ lý tràn lan các vụ án và từ đó đưa đến tình trạng án tồn đọng quá hạn do đương sự chưa thu thập đầy đủ chứng cứ mà vẫn thụ lý. Trước thực trạng đó, ngày 1/10/2012, Chánh án TAND tỉnh đã ra quyết định thành lập Tổ Nghiệp vụ (trực thuộc Văn phòng TAND tỉnh) gồm ba thành viên. Trong đó, một thành viên là thẩm tra viên làm tổ trưởng với nhiệm vụ giúp việc cho chánh án trong tiếp dân, tiếp nhận và xử lý đơn, thụ lý vụ án, kiểm tra kết quả giải quyết của thẩm phán, hàng tháng báo cáo cho chánh án biết để chỉ đạo…
Hoạt động này được thực hiện theo quy trình khép kín, nhanh chóng xử lý đơn khởi kiện, đơn khiếu nại của người dân với thời gian ngắn nhất, không vi phạm quy định về thời hạn của pháp luật tố tụng, đồng thời ban hành nội quy tiếp dân, bố trí nơi tiếp dân một cách thuận lợi tại Tổ Nghiệp vụ, có niêm yết lịch tiếp dân và nội quy tiếp công dân. Cán bộ ở Tổ Nghiệp vụ luôn thể hiện thái độ lịch sự, lắng nghe và thực hiện theo đúng quy chế tiếp dân, không tạo áp lực cho người dân khi liên hệ tại tòa án; vào sổ, ghi chép, theo dõi việc giải quyết khiếu nại trong ngành đúng theo trình tự, thủ tục quy định. Hàng ngày đều báo cáo tình hình tiếp công dân cho chánh án giải quyết những yêu cầu bức xúc của người dân, tạo lòng tin của người dân đối với các cơ quan pháp luật nói chung và đối với ngành Tòa án nói riêng.
Riêng đối với đơn khởi kiện, trường hợp đủ điều kiện thụ lý thì ra thông báo yêu cầu nộp tiền tạm ứng án phí; trường hợp chưa đủ điều kiện thụ lý thì ra thông báo yêu cầu sửa đổi, bổ sung; trường hợp không đủ điều kiện thụ lý thì ra thông báo trả đơn khởi kiện trình chánh án giải quyết. Đối với đơn khiếu nại, thuộc thẩm quyền giải quyết của bộ phận nào thì trình chánh án chuyển đến bộ phận có thẩm quyền đó giải quyết. Trường hợp chánh án bận công tác sẽ ủy quyền cho phó chánh án xử lý thay. Do vậy, hoạt động tiếp nhận và xử lý đơn ở tòa án đảm bảo đúng quy trình, thủ tục tố tụng; hạn chế tối đa tình trạng giải quyết chậm, hay giải quyết quá hạn các đơn được tòa án tiếp nhận.
Từ khi thành lập, Tổ Nghiệp vụ luôn bố trí cán bộ trực tiếp dân, tiếp nhận đơn, giải quyết hoặc hướng dẫn cho người dân, giúp họ không phải tốn thời gian, công sức đi lại. Bên cạnh đó, Tổ Nghiệp vụ còn tham gia xử lý đơn thư và tham mưu cho chánh án cũng khắc phục được tình trạng thụ lý sai, thụ lý khi chưa đủ điều kiện, thụ lý tràn lan như trước đây, hạn chế được lượng án tồn đọng của tòa án. “Qua đó giúp giảm bớt áp lực cho các thẩm phán tòa chuyên trách đối với công việc hành chính tư pháp hoặc những công việc tố tụng mang tính đơn giản sự vụ, để thẩm phán tập trung công tác xét xử. Điều đó cũng tạo niềm tin và được đa số nhân dân đến liên hệ làm việc tại tòa đồng tình ủng hộ”, ông Thanh phân tích thêm.
VĂN TÀI