Giám định tư pháp là hoạt động bổ trợ pháp luật. Kết luận giám định là cơ sở để các cơ quan tiến hành tố tụng làm rõ các tình tiết của vụ án, chứng minh tội phạm, người phạm tội, xác định giá trị thiệt hại (hậu quả) và các vấn đề khác có liên quan đến việc giải quyết vụ án. Tuy nhiên, công tác này hiện vẫn còn nhiều bất cập.
Luật Giám định tư pháp được Quốc hội thông qua ngày 20/6/2012 và có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2013. Để tổ chức thi hành luật, Chính phủ đã ban hành Nghị định 85/2013/NĐ-CP ngày 29/7/2013 quy định chi tiết biện pháp thi hành Luật Giám định tư pháp; Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 1549/QĐ-TTg ngày 16/10/2012 về kế hoạch triển khai thi hành Luật Giám định tư pháp, tạo cơ sở pháp lý đồng bộ, khẩn trương đưa luật vào cuộc sống, thúc đẩy hoạt động giám định tư pháp phát triển.
Tuy nhiên, thực tiễn trong thời gian qua cho thấy, bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác giám định tư pháp vẫn còn hạn chế, vướng mắc làm ảnh hưởng đến thời gian, tiến độ và kết quả giải quyết vụ án của các cơ quan tiến hành tố tụng. Theo quy định của pháp luật tố tụng, trong trường hợp bắt buộc hoặc khi xét thấy cần thiết thì cơ quan tiến hành tố tụng ra quyết định trưng cầu giám định như một biện pháp điều tra, thu thập chứng cứ. Tùy thuộc vào tính chất, nội dung cần giám định mà cơ quan tiến hành tố tụng có thể trưng cầu tổ chức, cá nhân nào có chuyên môn phù hợp, có chức năng giám định để thực hiện giám định. Trên thực tế, việc cử người làm giám định của các bộ, ngành chuyên môn được trưng cầu thường rất lâu, không kịp thời, có nhiều vụ việc kéo dài trong nhiều tháng, thậm chí kéo dài hàng năm, làm chậm tiến độ giải quyết vụ án. Một số trường hợp cơ quan, đơn vị được trưng cầu từ chối tiếp nhận trưng cầu giám định với lý do không có chức năng, nhiệm vụ giám định...
Chất lượng kết luận giám định trong một số trường hợp chưa bảo đảm, một số kết luận giám định còn chung chung, không rõ ràng, không trả lời cụ thể câu hỏi mà cơ quan trưng cầu đặt ra mà chỉ nêu có giá trị tham khảo...; không khẳng định rõ đúng, sai, không xác định thiệt hại làm cho các cơ quan tiến hành tố tụng khó khăn trong quá trình giải quyết vụ án. Việc trưng cầu chuyên gia, tổ chức của bộ, sở chuyên ngành quản lý thực hiện giám định đối với các vụ việc liên quan đến lĩnh vực thuộc thẩm quyền quản lý của mình sẽ không thực sự bảo đảm tính khách quan của kết luận giám định.
Theo quy định của pháp luật tố tụng, kết luận giám định chỉ là một nguồn chứng cứ được xem xét, đánh giá cùng với các chứng cứ khác để xác định sự thật trong quá trình giải quyết vụ án, thuộc trách nhiệm của cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng có thẩm quyền. Việc xem xét, đánh giá kết luận giám định phải căn cứ vào phương pháp giám định, phương tiện giám định, quy trình thực hiện giám định và khả năng chuyên môn, sự độc lập, khách quan của người làm giám định. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, các cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng còn lúng túng và thiếu quyết đoán trong việc xem xét, đánh giá sử dụng kết luận giám định trong vụ việc có nhiều bản kết luận giám định khác nhau. Vì thế, việc giải quyết một số vụ án tham nhũng kéo dài, có trường hợp bị bế tắc không giải quyết được.
Trong quá trình giải quyết một số vụ án tham nhũng, nhiều vụ án bị ách tắc do kết luận giám định tư pháp thiếu khách quan, thậm chí có trường hợp bị mua chuộc để giám định viên trả lời kết luận giám định chung chung, không rõ ràng, kết luận giám định bổ sung mâu thuẫn với kết luận giám định ban đầu, nội dung kết luận giám định trái với nội dung trả lời của lãnh đạo cơ quan quản lý chuyên ngành, né tránh không chịu tính thiệt hại về tài sản…
Trước tình trạng này, Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vừa yêu cầu các bộ, ngành, tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phải tăng cường tuyên truyền, quán triệt các quy định của pháp luật về giám định tư pháp; nâng cao nhận thức về vai trò, tầm quan trọng của công tác giám định tư pháp đối với hoạt động tố tụng; lập kế hoạch cụ thể về thực hiện Luật Giám định tư pháp và triển khai công tác giám định tư pháp trong phạm vi ngành, địa phương. Phân công lãnh đạo bộ, UBND tỉnh, thành phố trực tiếp chỉ đạo công tác giám định tư pháp theo chức năng, nhiệm vụ gắn với yêu cầu xử lý dứt điểm các vụ án tồn đọng. Các bộ có liên quan cần khẩn trương rà soát hệ thống văn bản pháp luật, ban hành đầy đủ các văn bản hướng dẫn về tiêu chuẩn, quy chuẩn giám định tư pháp thuộc lĩnh vực quản lý; chủ động nghiên cứu xây dựng, hoàn thiện các tiêu chuẩn, quy chuẩn giám định, trong đó có một số lĩnh vực giám định tư pháp phức tạp như thuế, tài chính, đất đai... Đồng thời, các bộ, ngành, địa phương phải tập trung chỉ đạo công tác kiện toàn tổ chức; đẩy mạnh triển khai các biện pháp xã hội hóa hoạt động giám định tư pháp, tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của các tổ chức giám định tư pháp độc lập ngoài công lập và tổ chức giám định tư pháp theo vụ việc...
ĐẶNG QUANG ANH
Phó trưởng ban Nội chính Tỉnh ủy