Thứ Hai, 25/11/2024 12:21 CH
Dự án Nâng cấp mở rộng quốc lộ 1 qua xã An Phú, TP Tuy Hòa:
Người dân khiếu nại thiếu cơ sở pháp lý
Thứ Tư, 11/06/2014 08:18 SA

Lực lượng chức năng tiến hành giải phóng mặt bằng một ngôi nhà dọc quốc lộ 1 - Ảnh: N.KHANG

Theo phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư giải phóng mặt bằng dự án Nâng cấp mở rộng quốc lộ 1 đã được UBND TP Tuy Hòa phê duyệt, đoạn qua thôn Chính Nghĩa (xã An Phú) có 71 hộ dân bị ảnh hưởng. Đến nay, đa số đã nhận tiền bồi thường nhưng vẫn còn một số hộ tranh cản, chưa chịu bàn giao mặt bằng, gửi đơn khiếu nại yêu cầu bồi thường đất hoặc hỗ trợ công san lấp mặt bằng.

 

KHÔNG CÓ GIẤY TỜ HỢP PHÁP…

 

Theo phản ánh của các hộ dân, nguyên nhân khiếu nại là do phần đất này bà con đã tự khai hoang, sử dụng từ những năm 1987, 1988. Có vài hộ được UBND xã An Phú đồng ý cấp đất xây dựng nhà ở. Mặt khác, bà con cho rằng trước đây khu vực này là một vùng đất hoang vắng, trũng thấp và bụi rậm, hiện họ đã bỏ công đổ đất, san lấp, nâng nền mới có được mặt bằng như ngày nay. Qua 2 lần mở rộng quốc lộ 1, bà con không được bồi thường, hỗ trợ. Sau đó, bà con di chuyển những công trình nằm trong hành lang quốc lộ vào bên trong, chừa hành lang thông thoáng và sử dụng từ đó cho đến nay, không thấy cơ quan quản lý có ý kiến gì. Một số người còn lý giải, phần đất này họ đã sử dụng ổn định, liên tục từ trước năm 1993 nên theo quy định của pháp luật, bà con phải được bồi thường hoặc hỗ trợ…

 

Tuy nhiên, qua tìm hiểu chúng tôi được biết, trước khi xã An Phú sáp nhập vào TP Tuy Hòa, UBND huyện Tuy An đã tiến hành cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho một số hộ dân theo yêu cầu. Nhưng phần đất nằm trong hành lang quy hoạch giao thông, UBND huyện Tuy An cắt ra, không cấp cho người dân sử dụng. Sau khi xã An Phú sáp nhập vào TP Tuy Hòa, UBND TP Tuy Hòa cũng tiến hành cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho một vài hộ dân theo yêu cầu và phần đất nằm trong hành lang quy hoạch giao thông cũng không cấp cho người dân sử dụng.

 

Đại diện UBND xã An Phú cho biết, việc xem xét để lên phương án bồi thường cho bà con, chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng đã làm theo trình tự, thủ tục do pháp luật quy định. Việc khiếu nại của bà con đã được Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên trực tiếp về kiểm tra tại hiện trường và chỉ đạo xác định ranh giới sử dụng đất của người dân để bồi thường và phải căn cứ vào các loại giấy tờ hợp pháp. Trong đó, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất là có giá trị pháp lý cao nhất. Đối với những trường hợp không có giấy tờ thì xác định ranh giới sử dụng đất của bà con tính từ hàng rào trở vô. Phần đất nằm trong phạm vi quy hoạch giao thông đường bộ không giao cho cá nhân sử dụng là của UBND xã, không bồi thường, hỗ trợ cho người dân. Việc người dân yêu cầu hỗ trợ công san lấp mặt bằng không xem xét giải quyết được vì đây là đất do Nhà nước quản lý. Hơn nữa, lớp đất bà con đã đổ nền trước đây, hiện nay không thể làm nền đường được. Nhà nước phải tốn một khoản kinh phí để múc lớp đất này bỏ đi, thay vào đó là một lớp đất khác.

 

…VÀ THIẾU CƠ SỞ PHÁP LÝ

 

Để làm rõ đúng, sai những vấn đề khiếu nại của bà con và cách giải quyết của chính quyền, chúng tôi đã tìm lại những văn bản quy phạm pháp luật liên quan và được biết: Ngày 21/12/1982, Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) có Nghị định số 203/HĐBT về việc ban hành điều lệ bảo vệ đường bộ. Theo đó, tại khoản 1, Điều 7 (Hành lang bảo vệ các công trình giao thông đường bộ) quy định đối với đường tỉnh từ mép chân mái đường đắp và mép đỉnh mái đường đào hoặc từ mép ngoài rãnh dọc hay rãnh đỉnh của đường trở ra hai bên, cụ thể: “Hệ thống đường quốc lộ là 20m; hệ thống đường tỉnh là 10m”. Khoản 1, Điều 8 (trong phạm vi hành lang bảo vệ đường bộ) quy định “nghiêm cấm xây dựng nhà cửa, lều quán, kho tàng, công trình (tạm thời hoặc vĩnh cửu) hay lấy cắp đất đá”; khoản 3, Điều 8 quy định “các nhà cửa, kho tàng, lò vôi, lò gạch,... làm mới phải xây dựng ra ngoài hành lang bảo vệ đường bộ là 15m. Các trạm vật tư, cửa hàng,... ở cạnh đường có xe ra vào hoặc đỗ lại thường xuyên phải có bãi đỗ xe riêng để không ảnh hưởng đến giao thông”.

 

Ngày 3/1/1990, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng đã ra Quyết định số 06-CT về việc thực hiện Nghị định số 203/HĐBT. Theo đó, tại mục 2 quy định “Trên các quốc lộ, đặc biệt đối với quốc lộ 1, kể từ ngày ban hành Điều lệ bảo vệ đường bộ, tất cả các công trình như đường điện, đường bưu điện, mương máng thủy lợi, các công sở, các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, nhà ở, lều quán của tư nhân,... đã làm trong lưu thông do các cấp chính quyền, phường, xã, quận, huyện hoặc tỉnh, thành phố cấp đất hoặc tự ý xây dựng là vi phạm luật lệ. Trong thời hạn 6 tháng, kể từ ngày ký quyết định này, các cơ quan và tư nhân vi phạm phải di chuyển các công trình nói trên ra khỏi hành lang, từ chân mái đường đắp hoặc đỉnh mái đường đào ra mỗi bên 20m, Nhà nước miễn phạt và không đền bù. Những đoạn quốc lộ đi trùng với đường đô thị sau khi nâng cấp đúng với quy hoạch được duyệt, thì hành lang bảo vệ đường là bề rộng của vỉa hè”.

 

Theo quy định của Nghị định số 203/HĐBT và Quyết định số 06-CT, từ năm 1987 đến 1988, các hộ dân đã tự ý đến khai phá đất dọc hai bên hành lang quốc lộ 1 để xây dựng nhà ở, lều quán sát lề đường là vi phạm pháp luật, không được Nhà nước thừa nhận. Do vậy, qua 2 lần mở rộng quốc lộ 1 trước đây, Nhà nước không bồi thường, hỗ trợ về đất cho các hộ này, sau đó vận động bà con di chuyển hàng rào, lều quán ra khỏi hành lang đường bộ là đúng pháp luật.

 

Luật Đất đai năm 1987 quy định, thẩm quyền cấp đất phải từ cấp huyện trở lên. Năm 1988, UBND xã An Phú cấp đất bằng bút phê hoặc giấy tay cho một số hộ dân là sai thẩm quyền. Hơn nữa đây là đất thuộc phạm vi hành lang bảo vệ giao thông đường bộ, UBND xã An Phú cấp cho người dân sử dụng là vừa vi phạm Luật Đất đai năm 1987, vừa vi phạm Nghị định số 203/HĐBT.

 

Luật Đất đai năm 2003 và các văn bản quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất, quy định về bồi thường, hỗ trợ đối với các loại đất không có giấy tờ trước ngày 15/10/1993, đất đó phải được sử dụng ổn định, không có tranh chấp, được UBND xã, phường hoặc tương đương xác nhận đất không có tranh chấp. Đất của những hộ dân đang khiếu nại hỗ trợ, đền bù hiện nay, thực chất là đất do Nhà nước quản lý, không phải là đất của bà con đã sử dụng ổn định trước ngày 15/10/1993 nên không thể áp dụng các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành để xem xét bồi thường hoặc hỗ trợ. Từ những cơ sở trên cho thấy, UBND tỉnh Phú Yên đã ban hành chủ trương đúng. UBND TP Tuy Hòa không xem xét bồi thường, hỗ trợ theo khiếu nại của bà con là phù hợp với quy định của pháp luật.

 

Ông Trần Thanh Quận, Phó chủ tịch UBND xã An Phú: “Dự án Nâng cấp mở rộng quốc lộ 1 là dự án trọng điểm của Chính phủ, có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong việc đảm bảo giao thông, mang lại niềm vui cho mọi người. Đồng thời, đây cũng là một dự án mang tầm chiến lược về an ninh, quốc phòng và xây dựng phát triển kinh tế, xã hội của đất nước. Trong bối cảnh hiện nay, đất nước ta đang gặp nhiều khó khăn, thách thức. Vì vậy, bà con hãy chung sức, chung lòng xây dựng và bảo vệ Tổ quốc cùng với Đảng, Nhà nước bằng những việc làm cụ thể, thiết thực, sớm bàn giao mặt bằng cho đơn vị thi công để hoàn thành dự án theo đúng tiến độ”.

 

PHAN XUÂN PHÚC

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek