Mới đây, Trung tâm Trợ giúp pháp lý (TGPL) Nhà nước tỉnh phối hợp với Trung tâm Hỗ trợ phát triển Giáo dục hòa nhập Phú Yên tổ chức buổi sinh hoạt chuyên đề pháp luật cho người khuyết tật. Lần đầu tiên, người khuyết tật được cung cấp các dịch vụ TGPL, kiến thức pháp luật nên buổi sinh hoạt thu hút gần 100 học sinh và giáo viên của trung tâm tham dự.
NHU CẦU TGPL CỦA NGƯỜI KHUYẾT TẬT
Theo Luật Người khuyết tật có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2011, người khuyết tật có quyền được TGPL theo Luật TGPL. Cụ thể, tại Điều 4, Luật Người khuyết tật quy định, bên cạnh các quyền tham gia bình đẳng vào các hoạt động xã hội; sống độc lập, hòa nhập cộng đồng; được miễn hoặc giảm một số khoản đóng góp cho các hoạt động xã hội; được chăm sóc sức khỏe, phục hồi chức năng, học văn hóa, học nghề, việc làm, tiếp cận công trình công cộng, phương tiện giao thông, công nghệ thông tin, dịch vụ văn hóa, thể thao, du lịch và dịch vụ khác phù hợp với dạng tật và mức độ khuyết tật…, thì người khuyết tật cũng được bảo đảm thực hiện quyền được TGPL.
Trong khi đó, theo đề án Trợ giúp người khuyết tật tỉnh, giai đoạn 2012-2020 thì hiện toàn tỉnh có 16.650 người khuyết tật, chiếm 1,91% dân số toàn tỉnh. Trong đó, có 7.932 người khuyết tật vận động, 4.729 người khuyết tật thần kinh, trí tuệ và 2.300 người khuyết tật thị giác, 1.449 người khuyết tật thính giác, còn lại là các dạng khuyết tật khác. Đa số vướng mắc của người khuyết tật trên địa bàn tỉnh xoay quanh các chế độ bảo trợ xã hội, trình tự, thủ tục, hồ sơ hưởng trợ cấp xã hội; về các vấn đề liên quan đến quyền của người khuyết tật. Tuy nhiên, họ không thể đến các địa điểm TGPL lưu động, trung tâm hay chi nhánh để yêu cầu TGPL. Đó là chưa kể, với trường hợp bị các dạng tật phức tạp (như câm, điếc) thì việc tiếp cận TGPL vô cùng nan giải. Bởi số người thực hiện TGPL có kiến thức và kỹ năng chuyên biệt về TGPL cho người khuyết tật chưa nhiều. Thậm chí, ngay đối với người được học ngôn ngữ của người khiếm thính cũng không thể chuyển tải hết nội dung do kho ký hiệu giao tiếp cho đối tượng này chưa phong phú. Không những thế, việc thực hiện các chủ trương, chính sách trong thực tế có nhiều vướng mắc do chưa có các văn bản hướng dẫn thi hành luật.
Theo bà Nguyễn Thị Hồng, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ phát triển Giáo dục hòa nhập Phú Yên, hoạt động TGPL cho người khuyết tật trong thời gian qua chưa được quan tâm đúng mức. Nhiều người khuyết tật chưa biết quyền được TGPL hoặc biết nhưng không thể tiếp cận với dịch vụ này. Đồng thời, đối với những người bị các dạng tật phức tạp như điếc thường đi kèm với câm và cũng do quanh năm họ chỉ quanh quẩn ở môi trường hạn hẹp, giao tiếp ở mức tối thiểu với người xung quanh nên rất khó để giao tiếp, thu thập thông tin giúp đỡ pháp lý cho họ. Vì vậy, rất nhiều giáo viên khiếm thính lâu năm cũng mất rất nhiều thời gian và công sức nhưng thông tin thu về cũng không đầy đủ và chính xác…
CẦN SỰ CHUNG TAY CỦA CỘNG ĐỒNG
Từ thực trạng trên, Trung tâm TGPL Nhà nước tỉnh vừa phối hợp Trung tâm Hỗ trợ phát triển Giáo dục hòa nhập Phú Yên tổ chức buổi sinh hoạt chuyên đề pháp luật cho người khuyết tật. Đây là lần đầu tiên, người khuyết tật được cung cấp các dịch vụ TGPL, cũng như kiến thức pháp luật nên buổi sinh hoạt đã thu hút gần 100 học sinh và giáo viên của trung tâm tham dự. Qua đó, người khuyết tật được nâng cao kiến thức pháp luật, tăng cường cơ hội hòa nhập, tiếp cận các chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước.
Tại buổi sinh hoạt, cán bộ Trung tâm TGPL Nhà nước giới thiệu một số nét chính về Luật TGPL, Luật Người khuyết tật bằng việc trình chiếu Power point trên màn hình lớn, dưới sự trợ giúp “phiên dịch” bằng ngôn ngữ ký hiệu của giáo viên trung tâm, tạo sự lôi cuốn, sinh động. Em Phạm Thị Tuyết Thỏa (học sinh lớp 5) hào hứng nói: “Buổi sinh hoạt pháp luật như thế này rất bổ ích. Không chỉ em mà rất nhiều bạn rất thích nghe để hiểu thêm về quyền được TGPL dành cho mình”.
Buổi sinh hoạt chuyên đề pháp luật giúp học sinh khuyết tật hiểu những khái niệm cơ bản nhất về pháp luật liên quan đến bản thân. Tuy nhiên, việc đưa kiến thức pháp luật đến với người khuyết tật cần phải thực hiện thường xuyên và cũng cần phải tuyên truyền cho cộng đồng hiểu các chính sách pháp luật về người khuyết tật để họ cảm thông và chia sẻ hơn với đối tượng này, bà Nguyễn Thị Hồng cho biết thêm.
Theo ông Hồ Tấn Nguyễn Bình, Phó giám đốc Trung tâm TGPL Nhà nước tỉnh, do có những khiếm khuyết về thể chất nên người khuyết tật thường mặc cảm, không tự tin trước mọi người; đồng thời họ không thể vận động bình thường nên nhiều trường hợp không thể thực hiện các thủ tục pháp lý. Thời gian tới, công tác TGPL không chỉ dừng lại ở việc hướng dẫn, tư vấn mà còn thực hiện TGPL, tuyên truyền Luật Người khuyết tật và các chính sách liên quan đến với cơ sở, cộng đồng dân cư cũng như thông qua hình thức đại diện ngoài tố tụng. Qua đó, cơ hội hòa nhập, tiếp cận các chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước của người khuyết tật được tăng cường; góp phần nâng cao kiến thức pháp luật cho người khuyết tật nói riêng và cộng đồng nói chung. Khi có nhu cầu TGPL, người khuyết tật trên địa bàn tỉnh có thể đến Trung tâm TGPL Nhà nước tỉnh để được giúp đỡ pháp luật miễn phí.
QUYỀN CỦA NGƯỜI KHUYẾT TẬT KHI YÊU CẦU TGPL - Tự mình hoặc thông qua người thân thích, người đại diện yêu cầu TGPL - Lựa chọn người thực hiện TGPL - Yêu cầu thay đổi người thực hiện TGPL - Thay đổi, rút yêu cầu TGPL - Yêu cầu giữ bí mật về nội dung vụ việc TGPL - Được bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật - Khiếu nại, tố cáo về TGPL (Nguồn: Trung tâm TGPL Nhà nước tỉnh) |
VĂN TÀI