Thực hiện Chỉ thị 32 của Ban Bí thư TW Đảng, Quyết định 13/2003/QĐ-TTg ngày 17/1/2003 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt chương trình phổ biến, giáo dục pháp luật từ đầu năm 2003 đến năm 2007, Quyết định số 212/2004/QĐ-TTg ngày 16/12/2004 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chương trình hành động quốc gia phổ biến, giáo dục pháp luật và nâng cao ý thức chấp hành pháp luật cho cán bộ, nhân dân ở xã, phường, thị trấn từ năm 2005 – 2010 và Kế hoạch số 56/KH-TU ngày 19/7/2004 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Phú Yên về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật cho cán bộ, nhân dân đạt được những kết quả đáng khích lệ.
Tủ sách pháp luật phường 7, TP Tuy Hòa – Ảnh: MINH HUY
Các hình thức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật trực tiếp, thông qua các phương tiện thông tin đại chúng và tổ chức các cuộc thi tìm hiểu pháp luật, thông qua tổ chức hòa giải, tủ sách pháp luật ở cơ sở, trong nhà trường, thông qua công tác trợ giúp pháp lý, các phiên tòa lưu động, công tác thi hành án… đều được chú trọng và tăng cường, tạo ra sự chuyển biến tích cực và có chiều hướng phát triển tốt.
Theo số liệu báo cáo của Sở Tư pháp toàn tỉnh hiện có 567 tổ hòa giải ở cơ sở với hơn 2.900 tổ viên. Trong 2 năm 2005 và 2006, các tổ viên hòa giải đã thụ lý và hòa giải thành 6.583 vụ việc, trong đó chủ yếu là các tranh chấp nhỏ trong nội bộ nhân dân phát sinh từ mâu thuẫn trong việc sử dụng đất đai, vay mượn tài sản, kế thừa, hôn nhân – gia đình, bảo vệ môi trường và một số lĩnh vực khác.
Thông qua công tác hòa giải ở cơ sở, nhiều qui định của pháp luật đã được các tổ viên hòa giải tuyên truyền, phổ biến kịp thời trong cộng đồng dân cư, góp phần đáng kể vào việc hạn chế các tranh chấp phát sinh, giảm các đơn thư khiếu kiện, đồng thời góp phần quan trọng trong việc tăng cường khối đoàn kết trong nội bộ nhân dân, gìn giữ tình làng, nghĩa xóm. Các tổ hòa giải ở địa phương đang ngày càng được củng cố và phát triển, các cơ quan Tư pháp cấp huyện ngày càng chú trọng nâng cao năng lực, kỹ năng, trình độ pháp lý cho đội ngũ hòa giải viên ở cơ sở. Các huyện Sông Cầu, Đồng Xuân đã tổ chức sơ kết công tác hòa giải hàng năm ở cấp xã để qua đó đánh giá, rút kinh nghiệm nhằm đưa công tác hòa giải ở địa phương ngày càng phát triển.
Mặt khác, để từng bước nâng cao nhận thức và chấp hành pháp luật trong cán bộ và nhân dân, đồng thời tạo điều kiện để nhân dân thực hiện quyền giám sát các cơ quan Nhà nước trong việc thi hành pháp luật và các chủ trương, chính sách, chế độ của Nhà nước, của Thủ tướng Chính phủ, Quyết định số 1067/QĐ/TTg ngày 25/11/1998 phê duyệt Dự án xây dựng và quản lý tủ sách pháp luật ở xã, phường, thị trấn. Từ giữa tháng 3/1999, UBND tỉnh đã có chỉ thị về việc xây dựng tủ sách pháp luật ở cơ sở, chỉ đạo phải đảm bảo 100% xã, phường, thị trấn trong toàn tỉnh phải có tủ sách pháp luật và bổ sung kinh phí đầu tư hàng năm từ 1,5 đến 2 triệu đồng để mua sắm, bổ sung các đầu sách pháp luật cho các tủ sách. Tính đến nay, 98% số xã, phường, thị trấn trong toàn tỉnh (Phú Yên hiện có 106 xã, phường, thị trấn) có tủ sách pháp luật. Nội dung của tủ sách nhìn chung đảm bảo 4 bộ phận: sách văn bản quy phạm pháp luật; sách hướng dẫn nghiệp vụ công tác chính quyền, hành chính, tư pháp cơ sở; sách hỏi đáp, các chuyên đề, tờ gấp của địa phương và một số sách nghiệp vụ nghiên cứu khác. Các tủ sách ở cơ sở đã duy trì đều đặn phương thức luân chuyển sách giữa bưu điện văn hóa xã, thư viện trường học, tủ sách của bộ đội biên phòng và một số tủ sách khác để làm phong phú, đa dạng thêm đầu sách của tủ sách, đáp ứng nhu cầu nhân dân trong việc tìm hiểu pháp luật.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, việc tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật thông qua hình thức khai thác tủ sách pháp luật ở cơ sở so với yêu cầu thực tại về công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật và nâng cao nhận thức về pháp luật của nhân dân vẫn còn nhiều hạn chế. Nguyên nhân chủ yếu là do nhận thức chưa đầy đủ về công tác này của chính quyền các cấp, kinh phí đầu tư chưa tương xứng với yêu cầu. Ở một số địa phương, mặc dù đã có tủ sách pháp luật nhưng vị trí đặt tủ sách và phòng đọc cho nhân dân để khai thác tủ sách pháp luật chưa thuận lợi và chưa đáp ứng được yêu cầu thực tại về tìm hiểu pháp luật, nhất là ở một số xã thuộc 3 huyện miền núi của tỉnh.
NGUYỄN THỊ THU HÀ
Trưởng Ban Pháp chế HĐND tỉnh