Thời gian gần đây, tình trạng tham nhũng, tiêu cực trên địa bàn tỉnh vẫn còn diễn biến phức tạp, thủ đoạn ngày càng tinh vi hơn. Vì vậy, cần phải đẩy mạnh công tác phòng, chống vấn nạn này để góp phần giữ vững an ninh, chính trị, trật tự an toàn xã hội, cải thiện môi trường đầu tư và duy trì tốc độ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
|
Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an Phú Yên thi hành lệnh bắt tạm giam ông Nguyễn Cao Phong, Phó giám đốc Công ty TNHH một thành viên Cảng Vũng Rô chi nhánh TP Hồ Chí Minh - Ảnh: N.KHANG |
NHỮNG VỤ VIỆC ĐIỂN HÌNH
Theo thống kê của UBND tỉnh, tính đến ngày 31/10/2013, Thanh tra tỉnh và thanh tra các đơn vị, địa phương đã triển khai 58 cuộc thanh tra hành chính. Trong đó, có 48 cuộc thanh tra theo kế hoạch và 10 cuộc thanh tra đột xuất trên các lĩnh vực; cụ thể: có 33 cuộc về tài chính, ngân sách, 14 cuộc về đầu tư xây dựng cơ bản, 11 cuộc về quản lý sử dụng đất đai. Hiện các đoàn thanh tra đã kết thúc 51 cuộc, 7 cuộc còn lại đang thực hiện trong thời hạn luật định. Qua thanh tra, đã phát hiện 45 đơn vị có sai phạm về kinh tế, với tổng sai phạm hơn 59,2 tỉ đồng và 39.289m2 đất các loại. Các đoàn thanh tra đã kiến nghị thu hồi nộp ngân sách Nhà nước hơn 5,837 tỉ đồng và 39.289m2 đất, xử lý khác với số tiền hơn 53,258 tỉ đồng. Đồng thời, xử lý hành chính 5 tập thể và 12 cá nhân; chuyển cơ quan điều tra xử lý 3 vụ với 10 đối tượng để kịp thời chấn chỉnh các hành vi vi phạm trong công tác quản lý Nhà nước trên các lĩnh vực được thanh tra.
Qua thanh tra, cơ quan chức năng còn phát hiện và xử lý 7 vụ tham nhũng, tiêu cực với 21 đối tượng. Điển hình như vụ lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ xảy ra tại Công ty TNHH một thành viên Cảng Vũng Rô, gây thiệt hại cho phần vốn Nhà nước tại doanh nghiệp hơn 49,8 tỉ đồng. Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can với 7 đối tượng. Hay như vụ vi phạm các quy định về tài chính trong quản lý thu, chi phí chợ xảy ra tại Ban quản lý chợ La Hai (Đồng Xuân). 2 cá nhân của Ban quản lý chợ đã mượn tiền phí chợ để sử dụng nhưng không thực hiện việc tạm ứng theo quy định về hạch toán tài chính, kế toán với số tiền 55,5 triệu đồng. Trong đó, ông Nguyễn Phùng Tấn, nguyên Phó trưởng ban phụ trách Ban quản lý chợ La Hai đã tham nhũng 43,5 triệu đồng và ông Nguyễn Minh Thương, nguyên kế toán Ban quản lý chợ tham nhũng số tiền 12 triệu đồng. Đến nay, ông Nguyễn Phùng Tấn và ông Nguyễn Minh Thương đã nộp đủ số tiền sai phạm nêu trên. UBND huyện Đồng Xuân đã ra quyết định kỷ luật bằng hình thức cách chức, chuyển công tác khác đối với 2 ông này.
Tương tự, bà Trần Thị Tuyết Ái, kế toán và bà Phạm Phương Huyền, thủ quỹ Trung tâm Giáo dục thường xuyên hướng nghiệp huyện Sơn Hòa đã phải chịu trách nhiệm về việc chiếm dụng khoản tiền thu học phí và các khoản tiền tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp phải nộp theo lương của cán bộ, viên chức đơn vị này gần 97,6 triệu đồng. Khi vụ việc bị phát hiện, Giám đốc Sở GD-ĐT đã ký quyết
định kỷ luật bà Trần Thị Tuyết Ái với hình thức cảnh cáo, kỷ luật bà Phạm Phương Huyền bằng hình thức khiển trách. Đồng thời, yêu cầu bà Ái và bà Huyền phải hoàn trả toàn bộ số tiền sai phạm cho trung tâm. Sau đó, Đảng ủy cơ quan chính quyền - Huyện ủy Sơn Hòa đã có báo cáo số 61-BC/ĐU ngày 9/10/2013 gửi Ủy ban Kiểm tra Huyện ủy Sơn Hòa đề nghị kỷ luật đảng bằng hình thức khiển trách đối với bà Huyền và khai trừ ra khỏi Đảng đối với bà Ái. Vụ việc này đang được Huyện ủy Sơn Hòa xem xét, xử lý.
Theo Thanh tra huyện Tuy An, đơn vị này vừa tiến hành điều tra làm rõ sai phạm trong việc chi cấp bù thủy lợi phí giai đoạn 2009-2011 tại HTX Nông nghiệp Đông An Định và HTX Nông nghiệp Bắc An Nghiệp. Thanh tra đã phát hiện 3 đơn vị sai phạm là HTX Nông nghiệp Đông An Định, HTX Nông nghiệp Bắc An Nghiệp và Phòng NN-PTNT huyện Tuy An, với số tiền sai phạm hơn 10,5 triệu đồng. Đồng thời, đã tổ chức kiểm điểm đối với tập thể cán bộ HTX Nông nghiệp Đông An Định và Phòng NN-PTNT huyện Tuy An; đang tiếp tục kiểm điểm đối với cá nhân, tập thể liên quan của HTX Nông nghiệp Bắc An Nghiệp.
NÂNG CAO KHẢ NĂNG PHÁT HIỆN
Những vụ việc vừa nêu cho thấy công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực qua hoạt động thanh tra, kiểm tra thời gian qua trên địa bàn tỉnh đã được đẩy mạnh và trong một số lĩnh vực tham nhũng, tiêu cực đã có dấu hiệu được kiềm chế. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn một số tồn tại, hạn chế.
Là người từng bào chữa cho các bị cáo phạm tội cố ý làm trái và thiếu trách nhiệm, luật sư Nguyễn Hương Quê (Chủ nhiệm Đoàn Luật sư Phú Yên) cho rằng, việc phát hiện, tố cáo hành vi này trên địa bàn tỉnh còn rất nhiều hạn chế, nên công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực đạt hiệu quả chưa cao. Song song đó, công tác tự giám sát, kiểm tra để chủ động phòng ngừa, ngăn chặn và phát hiện tham nhũng từ mỗi cơ quan, đơn vị nhiều nơi chưa thường xuyên, chưa thực sự ngăn ngừa có hiệu quả nạn tham nhũng, tiêu cực trong nội bộ từng cơ quan, đơn vị. Vì vậy, tệ nạn này vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp, thủ đoạn ngày càng tinh vi hơn.
Bên cạnh đó, khi vụ việc sai phạm xảy ra, các cơ quan chức năng chưa xử lý nghiêm đối với trách nhiệm người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị để xảy ra tham nhũng, tiêu cực nên đã làm ảnh hưởng đến hiệu quả chung của công tác này. Đồng thời, đối tượng tham nhũng thường là những người có chức vụ, quyền hạn, có trình độ và khả năng che giấu hành vi vi phạm. Do đó, việc chứng minh động cơ vụ lợi trong các hành vi cố ý làm trái, thiếu trách nhiệm còn nhiều khó khăn, bất cập nên dễ tạo kẽ hở cho tham nhũng, tiêu cực nảy sinh. Vì vậy, để công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực đạt hiệu quả trong thời gian đến thì cần chú trọng đến việc nắm bắt, thu thập, xử lý thông tin, nâng cao khả năng phát hiện các hành vi tham nhũng qua công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo trên địa bàn. “Khi phát hiện các vụ việc có liên quan đến tham nhũng và tiêu cực cần phải đấu tranh làm rõ, kiến nghị cơ quan thẩm quyền xử lý kịp thời, triệt để. Nếu có dấu hiệu tội phạm phải kiên quyết chuyển sang cơ quan điều tra xử lý theo quy định của pháp luật”, luật sư Quê nhấn mạnh.
VĂN TÀI