Thời gian qua, Viện KSND các cấp trong tỉnh đã có nhiều đổi mới trong công tác quản lý, chỉ đạo điều hành; tăng cường trách nhiệm công tố trong hoạt động điều tra, từng bước nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra, xét xử các vụ án hình sự. Đặc biệt, không để xảy ra trường hợp hình sự hóa các quan hệ dân sự, kinh tế và không có trường hợp nào viện truy tố mà tòa tuyên bị cáo không phạm tội.
Quang cảnh một phiên tòa mẫu theo tinh thần cải cách tư pháp - Ảnh: V.TÀI
Để làm được điều này, trong kế hoạch công tác kiểm sát hằng quý, hằng tháng, Viện KSND tỉnh đã chỉ đạo Phòng Thực hành quyền công tố và Kiểm sát điều tra, kiểm sát xét xử hình sự (Viện KSND tỉnh) và viện KSND 9 huyện, thị xã, thành phố chủ động phối hợp với TAND cùng cấp tổ chức các phiên tòa rút kinh nghiệm kỹ năng xét hỏi, tranh luận của kiểm sát viên, từng bước đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp. Một số đơn vị đã phối hợp với TAND tổ chức phiên tòa xét xử lưu động, mời lãnh đạo và các thẩm phán TAND cùng cấp tham gia rút kinh nghiệm kỹ năng xét hỏi, tranh luận của kiểm sát viên đã đem lại nhiều chuyển biến mới tích cực.
Từ những phiên tòa mẫu đó, tranh luận của các kiểm sát viên tại các phiên tòa được nâng lên, chất lượng công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử án hình sự được đảm bảo. Những mặt hạn chế trước đây như nghiên cứu hồ sơ chưa kỹ, chưa chủ động xét hỏi, xét hỏi chưa làm rõ hành vi phạm tội của bị cáo, một số bản luận tội chưa đảm bảo tính logic, lập luận thiếu sắc bén, không thuyết phục khi tham gia tranh luận, thái độ tranh luận thiếu bình tĩnh đã từng bước được khắc phục. Đây cũng là cơ sở để đánh giá cán bộ chính xác hơn, góp phần trong việc bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, kỹ năng nghề nghiệp cho đội ngũ kiểm sát viên “Vững về chính trị, giỏi về nghiệp vụ, tinh thông về pháp luật, công tâm và bản lĩnh, kỷ cương và trách nhiệm”, đáp ứng yêu cầu về cải cách tư pháp trong tình hình mới.
Tuy nhiên, để việc tổ chức các phiên tòa trong thời gian tới đạt chất lượng, hiệu quả cao hơn, yêu cầu Phòng Thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra, kiểm sát xét xử hình sự và các viện KSND huyện, thị xã, thành phố thực hiện tốt một số giải pháp cụ thể. Đó là: Kiểm sát viên phải tiếp tục quán triệt và nhận thức đúng đắn về ý nghĩa của việc tổ chức các phiên tòa rút kinh nghiệm kỹ năng xét hỏi, tranh luận là một trong những nhiệm vụ quan trọng, góp phần nâng cao vị thế của kiểm sát viên và của ngành. Đây là hình thức, biện pháp có hiệu quả để đào tạo, bồi dưỡng, rèn luyện nâng cao trình độ chuyên môn, kỹ năng nghề nghiệp cho kiểm sát viên. Việc tổ chức phiên tòa phải đảm bảo đủ về số lượng theo hệ thống chỉ tiêu của Viện KSND tối cao, đảm bảo mỗi kiểm sát viên làm công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra, kiểm sát xét xử hình sự tham gia ít nhất một phiên tòa rút kinh nghiệm/năm. Đồng thời, phải chủ động chọn ngay từ khi khởi tố vụ án để tăng cường trách nhiệm của kiểm sát viên. Các vụ án được chọn tổ chức đưa ra xét xử rút kinh nghiệm phải là vụ án không quá khó, cũng không dễ quá và nên chọn những vụ án có luật sư tham gia để kiểm sát viên có điều kiện thể hiện kỹ năng tranh luận, đối đáp.
Nhằm tránh hình thức trong việc tổ chức các phiên tòa rút kinh nghiêm, phải có sự chỉ đạo thống nhất về các nội dung cần rút kinh nghiệm qua mỗi phiên tòa và phải có sự kiểm tra thường xuyên, đột xuất của viện KSND cấp trên. Đồng thời, cần chủ động phối hợp chặt chẽ với các cơ quan tiến hành tố tụng, nhất là đối với TAND cùng cấp trên cơ sở quy chế liên ngành về mối quan hệ phối hợp trong đấu tranh phòng, chống tội phạm và giải quyết án hình sự, dân sự, thi hành án hình sự của các cơ quan tư pháp trên địa bàn để chọn phiên tòa, tổ chức phiên tòa được thuận lợi, đạt hiệu quả cao.
NGUYỄN XUÂN KHÁNH
Phó viện trưởng Viện KSND tỉnh