105 câu lạc bộ, đội, nhóm (CLBĐN) trong các trường học ở Phú Yên đang thu hút 3.000 hội viên tham gia sinh hoạt. Mô hình này góp phần xây dựng môi trường giáo dục lành mạnh, đồng thời giải quyết một phần bài toán thiếu sân chơi cho các bạn trẻ.
Tại Trường Cao đẳng Xây dựng số 3, ngoài các CLB Khiêu vũ, Sức khoẻ sinh sản…, những năm qua, Đoàn trường còn duy trì tốt CLB Cơ học và CLB Ngoại ngữ-Tin học. Hai CLB này gắn liền với các môn học nên sinh viên tham gia rất đông. Những buổi thuyết trình, thảo luận đều được các thành viên chuẩn bị chu đáo nhằm mang lại hiệu quả cao nhất trong học tập.
Sinh viên tập múa hát tập thể – Ảnh: L.VĂN
Theo thầy giáo Trịnh Tiến Dũng, giáo viên bộ môn Cơ học (Trường Cao đẳng Xây dựng số 3), sinh hoạt CLB ĐN sẽ giúp cho sinh viên có kiến thức sâu hơn. Đồng thời, các em còn được hướng dẫn phương pháp học, phương pháp nghiên cứu bộ môn này của các giáo viên phụ trách và được sinh viên trong trường sẻ chia kinh nghiệm học tập. Sinh viên Đỗ Ngọc Thoại, lớp CO5X2, cho biết: Cơ học là môn khó tiếp thu bài nhất. CLB mở ra, giúp chúng tôi chủ động hơn trong việc “nạp” kiến thức.
Không chỉ có mặt ở các trường cao đẳng, trung học chuyên nghiệp CLBĐN còn được thành lập trong các trường, từ tiểu học cho đến THPT. Nhiều CLBĐN như Phòng chống tệ nạn xã hội, Tuổi hồng tình nguyện, Khăn hồng tình nguyện… đã góp phần nâng cao chất lượng sinh hoạt Đoàn, Hội, Đội, làm cho học sinh năng động hơn trong học tập.
Trường THPT chuyên Lương Văn Chánh có gần 10 CLBĐN hoạt động thường xuyên trong thời gian qua. Trong đó, CLB thơ văn có bề dày nhất và là nơi chắp cánh ước mơ sáng tác cho những bạn trẻ. Rất nhiều thành viên của CLB khẳng định năng lực của mình với các sáng tác có chất lượng đăng trên Phú Yên cuối tuần, Áo Trắng, Mực tím, Hoa Học Trò, Thiếu niên tiền phong…
Bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động CLBĐN vẫn còn một số hạn chế. Một số CLBĐN hoạt động chưa có chiều sâu và chưa được sinh hoạt thường xuyên, chưa thu hút đông đảo học sinh- sinh viên. Nội dung sinh hoạt còn đơn điệu. Nhiều CLBĐN chỉ chú trọng về số lượng. Trong hội nghị giao ban Đoàn trường học năm học 2006-2007, lãnh đạo Tỉnh đoàn và Sở Giáo dục – đào tạo đã nhìn nhận: Việc thành lập CLBĐN của nhiều trường đôi khi chỉ vì nghĩa vụ nhiều hơn là xuất phát từ quyền lợi và sự đam mê, ham thích của học sinh- sinh viên.
Để góp phần tạo sân chơi lành mạnh trong học đường, các cấp bộ Đoàn trường học cần có sự đột phá và tìm kiếm những mô hình sinh hoạt mới, trong đó chú trọng các CLBĐN phù hợp với đặc trưng học tập, rèn luyện của từng trường, từng đối tượng học sinh, sinh viên.
LỆ VĂN