Thứ Sáu, 17/01/2025 12:56 CH
Cô thợ may trẻ giàu lòng nhân ái
Chủ Nhật, 24/12/2006 07:49 SA

Gần 10 năm qua, bạn Trương Thị Cương, ở phường 4, TP Tuy Hòa  dành thời gian để dạy nghề may miễn phí cho trẻ khuyết tật ở Trường Niềm Vui mà chẳng nề hà gì. Cương không chỉ thể hiện tinh thần tình  nguyện của tuổi trẻ mà còn thắp lên niềm mơ ước cho trẻ em thiệt thòi nơi đây…

 

061224-bo-cuong.jpg

Qua lời giới thiệu của thầy Phạm Đình Chiến, Hiệu trưởng Trường Niềm Vui,  tôi tìm gặp cô gái có tấm lòng nhân ái Trương Thị Cương. Vẫn như mọi hôm, Cương đứng lớp từ 13g30 và kết thúc lúc 17g. Người ngoài nhìn vào cứ ngỡ Cương là giáo viên của trường, nhưng thật ra cô gái ấy tình nguyện dạy may không lương. Lớp dạy nghề may mà Cương đang phụ trách khá đặc biệt khi học sinh và giáo viên giao tiếp bằng “ngôn ngữ” của người khiếm thính. Trong căn phòng nhỏ, chỉ có một thứ âm thanh duy nhất là tiếng kêu của những chiếc máy may cũ khô dầu và tiếng kim khâu vải sột soạt …

 

Tôi hỏi Cương là từ khi nào, bạn nảy ra ý định tham gia công tác xã hội. Cương cho biết: Lúc nhỏ theo mẹ đi chùa, nghe các sư thầy giảng về lòng nhân ái và đạo làm người phải biết chia sẻ những mất mát, nỗi đau của người khác. Từ đó, thấy mình nên có trách nhiệm với các em bị khuyết tật, thiệt thòi.

Cương sinh năm 1979, trong một gia đình có 6 người con ở phường 4 (TP Tuy Hòa). Thôi học phổ thông, Cương  đến với nghề may với mục đích duy nhất là dạy cho các em khuyết tật có nghề để sau này tự kiếm sống được bằng bàn tay của mình. Hơn 10 năm qua, sáng chủ nhật hàng tuần, Cương đều mua quà đến thăm các em ở Trung tâm Bảo trợ trẻ em khuyết tật Phú Yên. Năm 2003, được sự giới thiệu của một hòa thượng, Cương tình nguyện đến dạy nghề may cho các em ở Trường Niềm Vui.

Bạn kể lại: “Lúc mình quyết định đến trường dạy nghề may cho các em, phải thuyết phục một thời gian mới nhận được sự đồng ý của gia đình. Đến trường, lại  gặp rất nhiều khó khăn trong giao tiếp và giảng dạy các em. Vậy là, phải mất mấy tháng để học ngôn ngữ của người khiếm thính và bây giờ thì tốt rồi…”. Năm tháng qua đi, Cương không còn nhớ mình đã dạy cho bao nhiêu học sinh. Thầy Phạm Đình Chiến cho biết: Dù mưa hay nắng,  Cương đều luôn đúng giờ và chưa nghỉ một buổi dạy nào. Đây là một  điển hình về sự cống hiến, tình nguyện của tuổi trẻ trong nhịp sống hối hả hiện nay. Điều làm tôi áy náy là kinh phí nhà trường quá hạn hẹp nên không thể hỗ trợ thêm cho cô một khoản phụ cấp nào. Song điều duy nhất làm Cương quan tâm và cũng là điều buồn nhất là trong số học sinh đã ra trường, ít có em hành nghề được.  Vì khả năng tiếp thu của học sinh khiếm thính có hạn nên sau khi tách ra độc lập, các em không thể làm được. “Vì vậy, điều cần thiết là phải thành lập một cơ sở  để tập hợp các em lại. Dưới sự hướng dẫn của giáo viên, các em làm theo công đoạn thì  thuận lợi hơn. Nhưng ai sẽ đứng ra chủ trì việc này đây”  Cương bức xúc nói…

 

Tôi hỏi: Cương  không nghĩ đến chuyện lập gia đình sao? Bạn chỉ cười và nói: Việc gì đến rồi sẽ đến. Mà mình cũng chưa làm được gì nhiều so với những thiệt thòi mất mát mà các em đang gánh chịu…

 

BÁ TOÀN

“Cô giáo” Cương đang dạy may cho các học trò  – Ảnh: L.KHA

 

 

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
Những cây bút nhí
Thứ Bảy, 23/12/2006 09:09 SA
Trắng - đen blog
Chủ Nhật, 17/12/2006 08:57 SA
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek