Không chỉ Bí thư Đoàn xã loay hoay tìm “đầu ra” mà ngay cả ở cấp tỉnh - thành phố, cấp huyện – xã chuyện “đi đâu, về đâu” vẫn là bài toán khó tìm lời giải.
Càng gần đến Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ IX (sẽ tổ chức vào cuối năm 2007), công tác nhân sự của Đoàn càng “nóng” hơn. Bí thư T.Ư Đoàn Bùi Văn Cường trả lời phỏng vấn báo chí về vấn đề này.
* Hiện trên cả nước có 23 bí thư và 15 phó bí thư Tỉnh, Thành Đoàn và Đoàn trực thuộc tuổi từ 40 trở lên, cá biệt có đồng chí đã 48 tuổi chưa kể số cán bộ Đoàn quá tuổi ở huyện, xã. Đồng chí có thể cho biết nguyên nhân của tình trạng này?
- Tôi xin nói rõ hơn là 23/74 bí thư các Tỉnh, Thành Đoàn và Đoàn trực thuộc trên cả nước (chiếm tỷ lệ 31%) và 15 phó bí thư tỉnh-thành Đoàn có độ tuổi trên 40 tập trung chủ yếu ở độ tuổi 40, 41 (24 đ/c), một số ở độ tuổi 42 (7 đ/c), còn số ít ở độ tuổi 43, 44, 45 và cá biệt có 1 đồng chí tuổi 48! Chưa kể cán bộ Đoàn quận, huyện, xã…
Theo tôi, có một số nguyên nhân cơ bản sau:
Thứ nhất, chưa có một văn bản quy định thống nhất về tiêu chuẩn chức danh cán bộ các cấp của Đoàn, mặc dù Nghị quyết số 02 của BCH T.Ư Đoàn khóa VIII về công tác cán bộ Đoàn trong thời kỳ mới có nêu chung về tiêu chuẩn cán bộ và độ tuổi của cán bộ mỗi cấp bộ Đoàn.
Song do điều 44 Điều lệ Đảng quy định “Cấp ủy lãnh đạo trực tiếp tổ chức Đoàn cùng cấp về phương hướng, nhiệm vụ, tư tưởng, tổ chức, cán bộ”.
Vì thế, Ban Bí thư T.Ư Đoàn đang tích cực tham mưu để Đảng xem xét ban hành Quy chế cán bộ Đoàn trong đó có quy định tiêu chuẩn chức danh của từng đối tượng cán bộ và độ tuổi của mỗi chức danh, làm căn cứ cho các cấp ủy Đảng và cấp bộ Đoàn ở các địa phương chỉ đạo, thực hiện.
Thứ hai, đối với cấp ủy Đảng: ở vài nơi chưa thực sự quan tâm đúng mức công tác cán bộ Đoàn. Công tác quy hoạch cán bộ Đoàn còn chưa được chú trọng. Có địa phương chưa đưa cán bộ Đoàn vào quy hoạch tổng thể đội ngũ cán bộ của hệ thống chính trị.
Việc chuẩn bị người kế cận chưa kịp thời. Việc bố trí “đầu ra” cho số cán bộ hết tuổi công tác thanh niên còn gặp khó khăn do tâm lý khép kín về cán bộ của mỗi ngành dẫn đến chưa bố trí sắp xếp được vị trí công tác phù hợp.
Thứ ba, đối với các cấp bộ Đoàn: công tác tham mưu đề xuất cho Đảng trong việc quy hoạch, luân chuyển, bố trí cán bộ còn hạn chế, chưa kịp thời.
Thứ tư, đối với cán bộ Đoàn: chưa chủ động tự quy hoạch, tự khẳng định vươn lên để được bố trí sắp xếp vị trí mới...
Như vậy, nguyên nhân quan trọng dẫn đến tình trạng nêu trên là nhiều địa phương thiếu “tầm nhìn”, thiếu quy hoạch dài hạn và có chiều sâu trong công tác cán bộ?
Hiện nay, hầu hết các tỉnh-thành Đoàn đã quy hoạch cán bộ theo NQ 02 của BCH T.Ư Đoàn khóa VIII và sự lãnh đạo trực tiếp của các cấp ủy Đảng và Ban Bí thư T.Ư Đoàn. Tuy nhiên, một số địa phương chưa thực hiện quy hoạch cán bộ Đoàn.
Nguyên nhân là do lúng túng trong công tác quy hoạch cán bộ hoặc thiếu nguồn để quy hoạch; thiếu sự quan tâm chỉ đạo của cấp ủy.
Thêm vào đó quy hoạch cán bộ của Đoàn thường bị động do luân chuyển cán bộ nhanh, có đồng chí nằm trong danh sách quy hoạch cán bộ song đến khi thực hiện quy hoạch thì đã được Đảng, chính quyền bố trí sắp xếp ở vị trí công tác mới.
* Thưa đồng chí, T.Ư Đoàn làm gì để tháo gỡ những tồn tại vướng mắc nêu trên? Và khả năng trẻ hóa cán bộ chủ chốt của Đoàn qua Đại hội Đoàn sắp tới ra sao?
- BCH T.Ư Đoàn khóa VIII đã ban hành Nghị quyết 02 về công tác cán bộ Đoàn trong thời kỳ mới tạo hành lang pháp lý về công tác cán bộ của Đoàn.
T.Ư Đoàn đã đôn đốc chỉ đạo các cấp bộ Đoàn thực hiện Nghị quyết, đồng thời hướng dẫn kiểm tra và phối hợp với cấp ủy địa phương, các ngành chỉ đạo thực hiện các quy trình bổ sung, kiện toàn cán bộ cơ quan lãnh đạo của Đoàn ở T.Ư và địa phương, đơn vị đảm bảo quy trình, tiêu chuẩn quy định.
Ban Bí thư T.Ư Đoàn đã tích cực chủ động phối hợp với cấp ủy của tổ chức Đoàn cấp dưới trong việc giới thiệu cán bộ chủ chốt của Đoàn tham gia cấp ủy ở Đại hội Đảng các cấp vừa qua, cũng như tác động để luân chuyển-trưởng thành cho số cán bộ Đoàn khi hết độ tuổi làm công tác thanh niên.
Ban Bí thư T.Ư Đoàn đang tham mưu cho Đảng ban hành Quy chế cán bộ Đoàn, theo đó nếu quy chế được ban hành sẽ xác định rõ hơn quan điểm, mục tiêu, nguyên tắc xây dựng và quản lý cán bộ Đoàn, quy định về tiêu chuẩn và các nội dung trong công tác cán bộ Đoàn; đồng thời xây dựng cơ chế phối hợp cũng như xác định trách nhiệm tham mưu của Đoàn, và vai trò, trách nhiệm của các cấp ủy Đảng trong công tác cán bộ Đoàn.
Trẻ hóa đội ngũ cán bộ Đoàn là xu thế tất yếu. Hiện, Ban Bí thư, Ban Thường vụ T.Ư Đoàn và các cấp bộ Đoàn đang chỉ đạo để thực hiện việc trẻ hóa cán bộ qua đại hội Đoàn các cấp. Trong Quy chế cán bộ Đoàn đang dự thảo trình Ban Bí thư T.Ư Đảng, Ban Tổ chức T.Ư Đảng và các Ban của Đảng đã quy định rõ vấn đề này.
Tuy nhiên, việc trẻ hóa cán bộ phải có lộ trình, ở những nơi cán bộ chủ chốt của Đoàn tuổi quá cao theo quy định thì phải cố gắng phấn đấu để chậm nhất đến giữa nhiệm kỳ Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ IX sẽ luân chuyển để bố trí cán bộ đúng độ tuổi theo quy định.
Đồng thời, phải có cơ chế để thu hút người giỏi làm công tác thanh niên. Tuy nhiên, cần phải lưu ý rằng trẻ tuổi là rất cần thiết để phù hợp tâm lý lứa tuổi trong công tác thanh niên, nhưng trẻ phải đảm bảo tiêu chuẩn, không phải vì trẻ mà hạ thấp tiêu chuẩn, song cũng không để cán bộ quá lớn tuổi làm công tác thanh niên.
Theo TPO