Đọc hai cuốn nhật ký của nữ bác sĩ, liệt sĩ Đặng Thùy Trâm và liệt sĩ Nguyễn Văn Thạc, tuổi trẻ chúng ta như được sống lại những năm tháng chiến tranh vô cùng gian khổ ác liệt nhưng rất đỗi hào hùng. Sự sống và cái chết chỉ cách nhau trong gang tấc; bom rơi đạn nổ vẫn không làm nao núng tinh thần, ý chí chiến đấu và chiến thắng. Sau mỗi lần tiễn đưa đồng đội đã ngã xuống, những dòng nhật ký của Đặng Thùy Trâm lại chứa chất căm hờn: “Phải bắt chúng đền tội, phải trả thù cho em và bao nhiêu đồng chí của ta đã ngã xuống trong cuộc chiến đấu này”. Đối mặt với cuộc chiến ác liệt, Thùy Trâm đã bao lần dằn vặt khổ đau và tự động viên mình”. Đừng buồn nhé, hãy cười lên đi! Hãy đứng vững vàng trong bất cứ trường hợp nào. Hãy mãi mãi giữ trọn niềm tin”. Bây giờ những suy nghĩ của chị đã trở thành nguồn động viên rất lớn với biết bao người trẻ tuổi trên bước đường lập thân lập nghiệp.
Hoạt cảnh Bác sĩ Đặng Thùy Trâm cấp cứu thương binh do Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh phối hợp LĐLĐ tỉnh thực hiện - Ảnh: P.V |
Chiến tranh đã lùi xa 30 năm. Đọc hai cuốn nhật ký, chúng ta càng hiểu sâu hơn về cuộc sống của thế hệ cha anh đi trước. Giữa bao thử thách khốc liệt họ biết chọn cho mình một cách sống và sống đẹp. Nguyễn Văn Thạc đã từng suy nghĩ: “Cuộc sống ai cũng quý nhưng khi cần thì mình cũng phải biết hy sinh nó”. Đặng Thùy Trâm và Nguyễn Văn Thạc là những trí thức trẻ của nước nhà. Con đường phía trước của họ còn rộng mở, với cơ hội được sống và học tập ở nước ngoài. Nhưng họ đã chọn cho mình một cuộc sống khắc nghiệt ở chiến trường. Ở đó sự hy sinh là khó tránh khỏi, nhưng họ đã xác định: “Không có con đường nào hơn là phải đánh cho không còn một tên đế quốc Mỹ nào trên đất nước chúng ta, lúc đó mới có thể có hạnh phúc”. Trong nhật ký của Đặng Thùy Trâm, chúng ta thấy trong khói lửa của cuộc chiến, tình nghĩa của con người tỏa sáng hơn bao giờ hết; người ta giành khó khăn gian khổ, thậm chí cả sự hy sinh về phần mình mà không một suy tính, nghĩ ngợi.
Tôi tin chắc sau khi đọc hai cuốn nhật ký, nhiều người sẽ suy nghĩ về cuộc sống hiện tại, về bản thân mình, và càng thấm thía rằng “Đừng hỏi Tổ quốc đã làm gì cho ta mà phải hỏi ta đã làm gì cho Tổ quốc hôm nay”. Thế hệ trẻ chúng ta được sống trong độc lập tự do. Đất nước ta đã tiến những bước dài trên con đường đổi mới, lẽ nào chúng ta không hoàn thiện mình hơn để góp sức giữ gìn và đưa đất nước tiến lên?”. Con đường phía trước còn nhiều khó khăn cản trở, đó là đói nghèo, lạc hậu, là những âm mưu thủ đoạn diễn biến hòa bình của các thế lực thù địch hòng phá bỏ chủ nghĩa xã hội trên đất nước ta. Chính vì vậy, với sức trẻ, chúng ta sẵn sàng “lên rừng xuống biển” đi bất cứ nơi đâu, làm bất cứ việc gì khi Tổ quốc cần. Biết bao trí thức trẻ đã tình nguyện về với đồng bào vùng sâu vùng xa đem chữ đến cho trẻ em người dân tộc thiểu số, góp phần đưa bà con thoát khỏi nghèo nàn, lạc hậu. Nơi ngày xưa là hố bom, trận địa giờ màu xanh của mía, bắp, lúa đã vươn lên bạt ngàn. Khoa học kỹ thuật đã được áp dụng vào sản xuất, chăn nuôi trồng trọt. Cha anh đã đánh Mỹ và thắng Mỹ, chúng ta sẽ chiến thắng đói nghèo lạc hậu. Chúng ta đã thực hiện được điều mong muốn của anh Thạc là chúng ta đã “viết tiếp những dòng đông đúc và tươi vui”. Nhưng bên cạnh đó cũng còn một số ít sống buông thả, giết thời gian vào những trò vô bổ. Họ chỉ biết có tiền, đấu đá nhau, kèn cựa nhau cũng vì tiềân. Tôi thật sự tâm đắc với những trăn trở của Đặng Thùy Trâm rằng họ là những phần tử nhỏ tại sao mình lại không đấu tranh để loại bỏ những phần tử đó?
Để đất nước hòa bình thống nhất như hôm nay, thế hệ cha anh chúng ta đã phải đổ biết bao máu xương mới có được. Chúng ta nguyện đem hết sức trẻ để cống hiến dựng xây đất nước ta ngày càng đàng hoàng hơn, to đẹp hơn như Bác Hồ từng mong muốn. Tôi nghĩ rằng anh Thạc, chị Trâm và bao người đã ngã xuống sẽ mỉm cười tin tưởng bởi đã có thế hệ nối tiếp biết tôn trọng quá khứ và gìn giữ cho muôn đời sau. Sự hy sinh của các anh chị đúng như nhà thơ Tố Hữu viết:
“Máu của anh chị của chúng ta không uổng
Sẽ xanh tươi đồng ruộng Việt
HÀ THU