Thứ Tư, 22/01/2025 11:26 SA
Sống phải có ước mơ, hoài bão
Chủ Nhật, 20/11/2005 09:58 SA

Tôi sinh ra và lớn lên khi đất nước đã hòa bình, độc lập, chưa một lần chứng kiến bom rơi, súng nổ, cảnh đau thương tang tóc do chiến tranh tàn khốc. Từ mái trường phổ thông, đại học, tôi cũng đã đọc sách, xem phim nói về chiến tranh Việt Nam, được biết nhiều câu chuyện của các anh hùng, liệt sĩ đã quên mình hy sinh cho quê hương, Tổ quốc. Song, khi đọc những trang nhật ký thời chiến, tôi không sao tránh khỏi bồi hồi, xúc động trước sự hy sinh cao cả của những con người ở tuổi 20. Liệt sĩ , bác sĩ Đặng Thùy Trâm và liệt sĩ Nguyễn Văn Thạc là những người đại diện cho lớp thanh niên ưu tú thời chiến, tình nguyện xung phong vào Nam chiến đấu trong những năm tháng chiến tranh khốc liệt nhất. Họ là những trí thức của lớp thanh niên xã hội chủ nghĩa, mang trong mình niềm tin yêu, lý tưởng cao đẹp, chiến đấu cho nền độc lập, tự do, thống nhất hai miền Nam - Bắc.

 

ĐVTN tình nguyện hiến máu cứu người 

 

Chị Trâm, anh Thạc cũng là những con người như chúng ta, nhiều khi không thể tránh khỏi sự chán nản, phiền muộn trong cuộc sống, chưa bằng lòng với chính bản thân mình. Nhưng bằng ý chí, nghị lực và niềm tin, anh, chị đã vượt lên tất cả. Trong một đoạn nhật ký chị Trâm động viên chính mình: “Không nên yếu đuối, không được chùn bước, hãy cố gắng lên, nhất định sẽ vượt qua”. Còn anh Thạc viết: “Không ai muốn cuộc đời mình phải buồn bã cả, nhưng rất ít người trên đời này đạt được điều mình mong muốn. Mất mát nhiều, nhưng cố gắng làm sao cho mình khỏi thất vọng, khỏi mất nghị lực luôn hun cháy lòng mình. Đó mới là điều quan trọng”“Ai đấy khi khoác vai người bạn yêu quí của mình, chỉ cho bạn kia là ngôi sao Hôm, ngôi sao Mai. Ngôi sao ban chiều và ngôi sao của bình minh. Chớ quên rằng, để đêm trăng có những ngôi sao tình tự, để con người tự do mơ ước vươn tới những đỉnh cao xa, có những trái tim đầy khát vọng phải xếp vào ba lô những ước mơ hiền dịu nhất, mọi tương lai cá nhân quen thuộc nhất. Mà đánh giặc”. Thật vô cùng cảm động, tự hào, khâm phục và biết ơn anh chị đã từ bỏ những lợi ích cá nhân, những ước mơ hoài bão của tuổi thanh xuân. Với lòng yêu nước nòng nàn họ vào Nam chiến đấu. Trong những lúc khó khăn, gian khổ nhất, cận kề cái chết, anh chị vẫn lạc quan, yêu đời, tin tưởng ngày toàn thắng “Bất kỳ một sự vinh quang nào cũng cần phải trả một giá. Và khó khăn gian khổ càng nhiều và thử thách càng nhiều, sự vinh quang đó càng trở nên rực rỡ. Chúng ta đừng đi tìm những chân lý sâu xa đơn thuần qua những án văn và những bài thơ, bài toán. 30-4-1975, T. sẽ trả lời cho P. câu: Hạnh phúc là gì?”.

 

Thế hệ trẻ chúng ta hôm nay may mắn được sống trong điều kiện thuận lợi, kinh tế - xã hội phát triển, an ninh - quốc phòng ổn định, được kế thừa truyền thống đấu tranh cách mạng của bao lớp cha anh. Chính vì thế, đa phần bạn trẻ ngày nay ý thức được nghĩa vụ, trách nhiệm của mình đối với sự phát triển quê hương, đất nước, giữ được phẩm chất cao đẹp, sống có ước mơ, hoài bão, năng động sáng tạo, mạnh dạn xung kích tình nguyện giải quyết những vấn đề khó khăn, bức xúc từ cuộc sống cộng đồng. Tổng kết phong trào thi đua yêu nước, chúng ta bắt gặp rất nhiều gương điển hình tiêu biểu trong các lĩnh vực, đa phần ở độ tuổi thanh niên. Họ tình nguyện giúp đỡ đồng bào ở những vùng khó khăn, tham gia gìn giữ an ninh trật tự, an toàn giao thông, tình nguyện hiến máu… Và còn rất nhiều bạn trẻ khác đang ngày đêm trau dồi kiến thức, nâng cao năng lực chuyên môn để góp phần xây dựng đất nước. Họ sống có lý tưởng, hoài bão, xứng đáng là lực lượng xung kích kế tục sự nghiệp vẻ vang của dân tộc mà bao lớp cha anh đã không tiếc máu xương của mình để giữ gìn.

 

Bên cạnh đó, chúng ta cũng không khỏi trăn trở trước thực trạng sa sút của một bộ phận thanh niên hiện nay. Họ sống thiếu ý chí, hoài bão, chỉ biết trông chờ, ỷ lại, thích hưởng thụ, đua đòi, dễ dàng sa ngã trước những cám dỗ vật chất tầm thường. Một số bạn trẻ sa ngã vào những tệ nạn gây nhức nhối cho gia đình và xã hội.

 

Đọc đi đọc lại hai cuốn nhật ký của liệt sĩ, bác sĩ Đặng Thùy Trâm và liệt sĩ Nguyễn Văn Thạc, tôi tự hỏi: Tuổi trẻ chúng ta hôm nay đã làm được những gì cho xã hội; lý tưởng, niềm tin, ước mơ có được cháy bỏng trong tim như chị Trâm, anh Thạc và các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh ở lứa tuổi 20?

 

Tôi tin rằng, ai trong chúng ta đã từng đọc nhật ký của chị Trâm, anh Thạc sẽ sống có ước mơ, có hoài bão, sẵn sàng chấp nhận mọi khó khăn, thử thách của đời thường, góp công sức của mình xây dựng quê hương, đất nước ngày càng đàng hoàng hơn, to đẹp hơn. Đừng để phụ lòng chị Trâm, anh Thạc và bao lớp cha anh đã hy sinh trọn đời mình vì nền độc lập, tự do cho đất nước, như anh Thạc từng viết “Ai đấy, khi nắm tay người bạn thân yêu của mình, khi cánh buồm xa đi về, cánh cửa trời rộng mở, chớ quên dưới chân mình là cát sỏi, là hòn đất đượm mồ hôi, thấm máu của bao thế hệ mà cuộc sống của họ đã xa xôi”.

 

NGỌC CÔNG

 

 

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek