Từ khi internet phát triển, học sinh, sinh viên có thêm điều kiện để học tập, nghiên cứu và tìm kiếm thông tin. Tuy nhiên, số học sinh lên mạng tìm kiếm những điều bổ ích không nhiều bằng những em “chat”, chơi trò chơi điện tử. Vì vậy, khi Trường THCS Trần Quốc Toản (TP Tuy Hoà) triển khai đề án “Nói không với trò chơi điện tử trong học sinh” ban đầu nhiều em hơi bị “sốc” song hầu hết phụ huynh đều rất đồng tình.
Theo đề án, trong thời gian chính khoá, tất cả học sinh theo học tại trường không được “lai vãng” đến các điểm truy cập internet. Tan trường hay vào ngày nghỉ học, học sinh nào có nhu cầu đến các điểm truy cập internet phải đăng ký với nhà trường hoặc cha mẹ về nội dung cũng như thời gian truy cập.
Học sinh Trường THCS Trần Quốc Toản giải trí tại Nhà thể thao của trường – Ảnh: M.THÚY
Học sinh nào lén lút vào các trang web “đen” hay mải mê với game online sẽ bị phát hiện ngay, vì nhà trường có “chiêu” dùng học sinh quan sát học sinh. Nghĩa là, học sinh lớp này phát hiện được học sinh lớp kia chơi điện tử hoặc vào các trang web “đen” thì báo cáo với cô giáo chủ nhiệm hoặc Ban giám hiệu. Nhà trường sẽ cộng điểm thi đua cho lớp của em đó bằng số điểm tương ứng lấy từ lớp có học sinh vi phạm. Không chỉ phải làm bản kiểm điểm, những học sinh vi phạm còn bị cảnh cáo trước lớp, trước trường.
Cô giáo Phan Thị Yên, thành viên Ban phụ trách Đội, cho biết: “Thầy cô và phụ huynh dù có nỗ lực đến mấy cũng khó mà kiểm soát được sinh hoạt hằng ngày của các em. Nhưng với học sinh thì khác, trong lớp có một bạn vắng mặt là các em biết ngay lý do. Các em còn biết rõ sở thích của bạn mình. Vì vậy, cách làm “dùng học sinh quan sát học sinh” đem lại hiệu quả rất cao”. Cô Yên còn kể: Vừa rồi ở lớp 7D, em Trần Thanh Phong ngày nào đến giờ học cũng ngủ gục, bài không thuộc… Nhà trường biết em mê chơi game nhưng không biết chơi ở đâu. Nhờ có học sinh “chỉ điểm”, nhà trường mới biết và giúp em trở lại lớp học đàng hoàng.
Phụ huynh em H. cho biết: “Ngày nào cũng thấy con dậy từ 4 giờ sáng. Hỏi thì nó bảo “đi tập thể dục” nên tôi rất mừng. Ai dè, nó không tập thể dục mà còn nhịn cả ăn sáng để dành tiền chơi “Võ lâm truyền kỳ”. Cũng nhờ nhà trường phát hiện kịp thời chấn chỉnh”.
Internet đã làm biến đổi đời sống con người. Song bên cạnh những lợi ích vô cùng to lớn, mạng toàn cầu vẫn có những mặt trái. Dịch vụ Internet phát triển tràn lan, những trò chơi trên mạng đã “lôi kéo” rất nhiều học sinh xa rời sách vở. Vì vậy, cách làm “Nói “không” với trò chơi điện tử trong học sinh” mà Trường THCS Trần Quốc Toản đã làm trong 2 năm học vừa qua là hết sức thiết thực, phần nào kiểm soát được tình hình truy cập Internet trong học sinh. Em Nguyễn Phương Minh, học sinh lớp 9, cho hay: “Tụi em đứa nào cũng “ghiền” net, chủ yếu là “chat” linh tinh. Lúc đầu bị cấm cũng buồn, nhưng nhờ trường có nhà thể thao, chúng em chơi đá cầu, bóng bàn giải trí. Lâu lâu mới đăng ký với nhà trường và cha mẹ đi chơi trò chơi, chỉ từ 30 phút đến 1 giờ đồng hồ là phải về, nếu không lớp bị cắt thi đua”.
Ông Nguyễn Khoa Việt, Hiệu trưởng nhà trường nói: “Học sinh phổ thông vào mạng chủ yếu là để giải trí và các em cũng cần có những giờ phút thư giãn riêng của mình. Nhưng điều đáng nói là các em đã lạm dụng nó một cách quá mức, hậu quả là việc học ngày càng sa sút, sức khoẻ suy giảm khi liên tục ngồi trước máy tính và hàng trăm hệ lụy kéo theo. Cách quản lý, kiểm tra mà trường chúng tôi đang làm chỉ mới hạn chế được phần nào tình trạng học sinh sa vào trò chơi trên mạng. Để giải quyết căn cơ tình trạng này, các trường cần tạo nhiều sân chơi lành mạnh, bổ ích để thu hút các em”.
QUỲNH ANH