Hiện nay, chỉ cần vài trăm ngàn đồng là có thể “tậu” ngay một chiếc điện thoại di động (ĐTDĐ) nên nhiều sinh viên (SV) tự trang bị máy để nhắn tin và gọi cho bạn bè. Bên cạnh những hữu ích trong liên lạc thông tin, ĐTDĐ gây ra không ít khó chịu cho những người chung quanh, nếu như chủ nhân của nó không có ý thức.
Điện thoại di động vào trường học không còn là chuyện lạ - Ảnh: N.V.H
Lớp Văn K2, Trường Cao đẳng Sư phạm Phú Yên có 66 SV, trong đó phân nửa sử dụng ĐTDĐ. Người thì đi làm thêm, tằn tiện chi tiêu tự mua lấy, có bạn thì được gia đình trang bị để dễ bề kiểm soát. SV vào lớp, đương nhiên mang ĐTDĐ theo. Nhiều khi thầy giáo đang say sưa giảng bài, cả lớp đang chăm chú lắng nghe thì bất ngờ tiếng chuông ĐTDĐ đổ dồn dập...Sau tiếng chuông, các chủ nhân của nó, người lịch sự thì “dzọt” ra ngoài nghe, có người thì ngồi ngay trong lớp, cúi xuống bàn hoặc “tụt” xuống gầm bàn để trả lời, mặc cho giáo viên chau mày, mặc cho các bạn khác tỏ ra khó chịu. Người viết bài này cũng là SV, nên đã nhiều lần nghe “dế gáy” trong giảng đường. Và lần nào cũng có cảm giác khó chịu, như các bạn chung quanh.
Trong giờ học môn Thi pháp học, có lẽ thấy thầy giáo P.P.P khá dễ tính nên một số SV vô tư nghe và trả lời điện thoại. Chưa hết, nhạc chuông của nhiều SV rất “quái chiêu”, như tiếng õng ẹo “Em ơi có điện thoại kìa”, tiếng gọi khúm núm “Bẩm cụ có điện thoại ạ”… “Ác liệt” hơn là câu “Thuê bao quí khách vừa gọi đang ngoài vùng phủ chăn”, “Đại ca có điện thoại”, “Mệt em quá”... làm cả lớp vừa cười, vừa bực.
Cách đây mấy năm, ĐTDĐ còn là niềm mơ ước của nhiều SV. Bây giờ đã khác. Đến trường cao đẳng nào cũng nghe “dế” của SV “gáy”. Hiệp, SV năm cuối Trường Cao đẳng Xây dựng số 3, được bạn bè gọi đùa là Hiệp “lỉnh kỉnh” bởi những “trang thiết bị” lủng lẳng kèm theo: điện thoại Nokia 7280i, USB, máy ghi âm, MP3 và một máy ảnh kỹ thuật số Ricoh CAPILO-G300. Nhưng chiếc “No” luôn là vật bất ly thân của Hiệp. Bởi đó là một trong 10 chiếc cùng loại có mặt ở Phú Yên, có thể vô tư chụp ảnh dưới nước hay giữa trời mưa to gió lớn. Nghe tôi hỏi về giá cả, anh chàng cười toét miệng: “Lúc mới mua hơn 8 triệu, nhưng bây giờ thì... vô giá, vì đâu còn dòng máy này trên thị trường”. Để “tậu” được con “No” không “đụng hàng” này, Hiệp đã ròng rã mấy tháng làm thêm và nhịn hẳn khoản chè cháo thường ngày. SV B.V.T điều kiện kinh tế không khá giả gì lắm nhưng cũng “tậu” một chiếc N72 giá gần 4 triệu đồng với các chức năng chụp hình, quay phim, nghe MP3. Có máy rồi, T. phải vất vả đi làm thêm để “nuôi” nó.
Theo sinh viên H.T.B lớp CO3X2, Trường Cao đẳng Xây dựng số 3 thì việc dùng ĐTDĐ là nhu cầu tất yếu của giới trẻ trong thời đại công nghệ thông tin. Vấn đề là phải biết dùng khi nào, ở đâu còn trong lớp học, trong giờ thầy giảng bài mà điện thoại không cài ở chế độ rung, ngang nhiên reo ồn ào gây khó chịu cho mọi người.
Tiến sĩ Hà Ngọc Hòa, giảng viên Trường Đại học khoa học Huế, dạy chuyên đề “Quá trình hiện đại hóa văn học Việt Nam đầu thế kỷ 20” tại lớp Văn K2, Trường Cao đẳng Sư phạm Phú Yên nói: “SV dùng điện thoại là điều không ai cấm! Nhưng phải dùng đúng nơi, đúng chỗ! Ngồi trong lớp mà nhơn nhơn trả lời điện thoại là biểu hiện thiếu văn hóa, không tôn trọng giáo viên và lớp học. SV bước vào lớp cần phải tắt máy”.
Còn thạc sĩ Nguyễn Thị Nhượng, giảng viên chính môn Tâm lý học, Trường Cao đẳng Sư phạm Phú Yên nói: “SV vào lớp thì không nên mở ĐTDĐ, đây là văn hóa ứng xử. Đồng thời, thầy cô giáo đứng lớp cũng nên tắt máy để làm gương cho SV. Nếu SV cứ vô tư nghe điện thoại trong giảng đường vừa làm cho giáo viên mất tập trung, vừa làm phiền những người xung quanh mình.
NGUYỄN VĂN HIẾU