Thứ Tư, 30/10/2024 18:31 CH
Đòi hỏi chính mình, vượt lên chính mình
Thứ Sáu, 20/02/2009 14:35 CH

Đại hội sinh viên toàn quốc vừa kết thúc. Cả trong các báo cáo chính thức lẫn trong những lời bàn bạc trao đổi bên ngoài, tôi đọc được một khía cạnh mới trong ứng xử của xã hội với giới trẻ: họ không còn bị coi như một lớp người ngây thơ quen sống với lời khen và làm theo những cái mẫu có sẵn.

 

 

Sinh-vien2090220.jpg

Sinh viên tình nguyện về với đồng bào miền núi  - Ảnh: LÊ MINH

 

Trong chừng mực có thể, họ được giới thiệu bức tranh chân thật về đời sống đất nước cũng như chỉ ra những non kém của chính họ.

 

Thái độ tôn trọng đó chính là tiền đề cần thiết để một lời yêu cầu được phát ra. Lớp trẻ phải tập làm quen với vai trò chủ nhân và họ sẽ phải chịu trách nhiệm về tương lai của chính mình cũng như của xã hội.

 

Tôi tin rằng trong tâm tư sâu kín của người thanh niên biết suy nghĩ, những định hướng này là những gợi ý tích cực. Còn nếu nhìn ra cả đám đông thì vấn đề lại phức tạp. Từ những hành động của nhiều người trẻ hiện nay, tôi đọc ra những lý lẽ phản bác, đại loại như: Sở dĩ chúng tôi đến nông nỗi như thế này là tại người lớn quá hư hỏng! Chúng tôi có được dạy bảo tử tế đâu mà đòi chúng tôi tử tế!

 

Những lời than vãn oán trách này có cái lý của nó. Nhưng tôi cho rằng không thể dùng để biện hộ cho những buông trôi bừa bãi, thậm chí những phá phách thác loạn. Nếu tự mình làm hỏng mình thì chính là chúng ta trở thành vật hi sinh của cái xấu.

 

Bởi tin rằng không phải người ta dễ dàng làm theo những điều tự mình coi là đúng, tôi muốn chia sẻ một kinh nghiệm nhỏ. Hãy tự đặt mình vào địa vị của một người trẻ hiện nay ở Iraq, ở Afghanistan, ở nhiều nước châu Phi... để thấy có phải thế giới này đã hết đâu những đau khổ mất mát. Hoặc lùi lại trong thời gian, nếu sống lại kỹ lưỡng với các thế hệ trẻ VN thời trước, các bạn sẽ thấy thời nào thanh niên cũng có những vấn đề của họ. Và bài học cuối cùng vẫn là nghiêm túc đòi hỏi mình, chọn con đường khó mà đi, vượt lên chính mình.

 

Kiến thức chân chính sẽ là chỗ dựa thiết yếu cho mọi sự phấn đấu. Miễn là chúng ta chịu học. Người ta sẽ tìm thấy nghị lực lớn lao khi sống với cả lịch sử và cả thế giới... Cái điều tưởng như quá to tát ấy thật ra lại quá thiết thực, nên là điều ta cần tự nhủ.

 

Hãy biết sống ngay cả khi cuộc đời trở nên không thể chịu được nữa - câu này là của Pavel Korchagin, nhân vật chính trong Thép đã tôi thế đấy, tôi thường nhớ lại mỗi khi gặp những tình cảnh gần như tuyệt vọng. Còn dưới đây là mẩu đối thoại giữa hai nhân vật trẻ trong một tiểu thuyết của nhà văn Tiệp Khắc Jan Otchenásek:

 

- Tôi chỉ sợ bây giờ không sửa chữa được gì nữa. Tất cả thế gian là một sự lừa dối, sự tàn nhẫn và máu, tính ngẫu nhiên độc ác và cái chết vô mục đích. Tôi sợ hãi cả thế giới, tôi không tin ở nó, không tin ở những cái sẽ tới sau này, tôi không muốn nhìn thấy tất cả những cái đó.

 

- Không cô bé ơi, không có thế giới nào khác cả, cần phải sống ngay trong thế giới này, do đó cần phải sửa sang lại nó. Chưa bao giờ và cũng chẳng bao giờ nó hoàn thiện. Có thể là nó vô nghĩa, nhưng chúng ta cần phải mang lại cho nó một ý nghĩa. Chính vì như thế chúng ta cần sống và khi không có cách nào khác, chúng ta cần chết.

 

Tôi đã ghi được đoạn văn này từ trong những năm tháng chiến tranh và hôm nay xin phép chép lại để tặng các bạn.       

 

VƯƠNG TRÍ NHÀN - (TTO)

 

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek