Một vườn tre ken dày, một triền cỏ xanh tốt cạnh con sông Kỳ Lộ được hình thành do công sức của anh Mạnh Văn Cường ở thôn Triêm Đức, xã Xuân Quang 2, huyện Đồng Xuân. Cách đây 5 năm, anh đã nghĩ đến việc trồng tre chống xói lở đất. Đến nay, chàng trai 33 tuổi này trở thành ông chủ của hơn 100 bụi tre nằm dọc theo dòng sông Kỳ Lộ, đoạn giáp ranh xã Xuân Quang 3 và Xuân Quang 2.
Hồi cha anh còn sống, sáng nào hai cha con cũng lùa bò và vác theo xà beng, rựa qua bên soi. Cột bò, cắt cỏ cho bò ăn rồi cả hai cha con đào lỗ trồng tre, với mục đích cản dòng nước chống xói lở 0,5ha đất soi của gia đình và hơn 1,6 ha đất trồng sắn mía của bà con xung quanh. Khi sắn mía nhú mầm thì chặt tre rào chắn, không cho trâu bò vào phá phách. Lúc đó, hai cha con chỉ lo chống xói lở, đâu có tính tới chuyện kinh tế. Ai ngờ 100 bụi tre trở thành nguồn thu nhập cao, là tài sản quý giá của gia đình.
Anh Mạnh Văn Cường và hàng tre mới trồng - Ảnh: Lê Trâm
Tre già măng mọc. Năm nào cũng vậy, cứ đến mùa nước lớn, người dân vùng biển huyện Tuy An đổ xô lên mua tre rồi chặt thả bè về đan thuyền, thúng đi biển… Một cây tre cái giá 20.000đ, tre đực bán xô từ 10.000 đến 15.000đ/cây. Một năm bán một lứa tre già, mỗi bụi “lớn có nhỏ có” trung bình 5 cây. Anh cười: “Số tiền từ bán tre cũng ấm túi”. Nếu trồng mía, sắn để có thu nhập chừng đó, nông dân mệt gấp trăm lần. Anh Cường cho biết: “Mấy năm trước gốc tre bỏ khô rục, ai cần đẽo đòn gánh đòn xóc thì cho họ chặt. Nay gốc tre bán cũng có tiền, 5.000đ/một gốc”.
Theo kinh nghiệm thì gốc tre già dùng làm cọc đóng ngăn cát ở hồ tôm hoặc ngăn xói lở cho các kênh mương. Nằm dưới nước, gốc tre lâu mục hơn cây gỗ. Nhưng anh Cường không ham tiền mà chặt bán cây tre, gốc tre vô tội vạ. Theo anh, phải chừa lại vài cây tre già, thứ nhất là để nuôi măng lớn (không có tre già chống đỡ thì măng lên cao dễ bị cụt đọt), thứ hai là để dưỡng tre cho khỏi mất sức, măng mọc nhiều. Anh cũng thường xuyên dọn gai để măng vươn thẳng.
Trước đây anh Cường sắm che ép mía, suốt ngày phơi da ngoài nắng rất mệt nhọc. Giờ số mía trồng trên 0,5 ha, anh bán cho nhà máy đường, thu nhập hơn 15 triệu đồng. Triền sông, anh trồng cỏ tây nuôi 8 con bò lai, cũng là một cách giữ tre. Năm nay, anh trồng thêm 20 bụi tre mỡ và chúng đang ra lá non.
100 bụi tre chống xói lở đất cho gia đình và bà con chung quanh. Không những thế, vườn tre còn là “của để dành” mà anh Cường đã tích cóp bằng mồ hôi công sức.
MẠNH HOÀI