Game online, còn gọi là trò chơi trực tuyến, mới xuất hiện ở Phú Yên vài năm gần đây. Đối tượng mê, thậm chí “nghiện” game online chủ yếu là giới trẻ, trong đó có trẻ em. Ngoài mục đích thư giãn, giải trí, rất nhiều bạn trẻ đã quá lạm dụng các trò chơi này.
Các bạn trẻ chơi game online tại một điểm dịch vụ Internet tại TP Tuy Hòa - Ảnh: D.T.XUÂN |
“GAME THỦ” NGÀY CÀNG TRẺ HÓA
Bước vào một điểm truy cập internet công cộng ở xã Hòa Thành (huyện Đông Hòa), chúng tôi phải chờ khá lâu mới có máy để sử dụng. Nhìn một lượt 14 máy ở đây, chỉ thấy có ba máy được sử dụng để lướt web học tập, còn lại đa phần chơi các trò chơi trực tuyến… Tại các điểm truy cập internet khác ở phường Phú Lâm (TP Tuy Hòa), điểm nào cũng có rất đông các bạn trẻ tụ tập. Tuy còn nhỏ tuổi, nhưng nhiều em có những phát ngôn dùng nhiều từ ngữ bạo lực được “trích” từ… game online.
Trò chơi “Đột kích” chỉ mới xuất hiện trong một thời gian ngắn nhưng đã lôi kéo được khá nhiều “game thủ”, nhất là các em ở độ tuổi chín, mười. Nhìn những ngón tay ấn phím rất điệu nghệ và chuyên nghiệp của N.V.Tú, ít người tin rằng Tú chỉ mới 11 tuổi. Tú cho biết: “Mỗi ngày em chơi hai, ba tiếng nhưng cũng có khi chơi nhiều hơn. Chơi nhiều mới nhanh lên cấp cao hơn”.
“Game thủ” không chỉ có nam giới mà còn có khá nhiều nữ giới. Không bạo lực như các trò chơi của nam, các bạn nữ lựa chọn những trò chơi nhẹ nhàng hơn như Audition, Sặc nước,…
ĐÂU LÀ NGUYÊN NHÂN?
Theo Thông tư liên tịch số 02/2005/TTLT-BCVT-VHTT-CA-KHĐT về quản lý đại lý internet, các chủ đại lý khi mở điểm truy cập internet công cộng phải cài phần mềm quản lý của nhà cung cấp dịch vụ. Trẻ em dưới 15 tuổi phải có cha mẹ đi kèm, khi đến truy cập internet phải để lại các thông tin về bản thân…
Tại hầu hết các đại lý internet trên địa bàn Phú Yên, phần lớn các nội dung trong thông tư liên tịch nói trên đều bị họ xem như “chẳng nghe, chẳng thấy”. Những điểm kinh doanh dịch vụ này chỉ cốt làm sao để chìu lòng khách hàng, có nhiều doanh thu hơn. Anh H.T, một chủ đại lý ở phường Phú Lâm (TP Tuy Hòa), cho biết: “Đại lý ngày càng nhiều, xung quanh khu vực Trường THPT Ngô Gia Tự chưa đầy 1 km nhưng đã có đến năm điểm internet công cộng. Vì vậy, muốn cạnh tranh được thì trước hết phải chìu lòng các Thượng đế!”.
Anh T nói thêm: “Chỗ chúng tôi và một số điểm dịch vụ internet khác ban đầu thực hiện rất nghiêm túc các quy định, nhưng chỉ duy trì được một thời gian ngắn. Vì nếu quản lý quá chặt, khách hàng cảm thấy không được thỏa mái, họ tìm đến điểm truy cập khác thì mình làm ăn không hiệu quả”.
Bên cạnh những đại lý không tuân thủ các quy định của Nhà nước về quản lý đại lý internet, có một phần không nhỏ là do các bậc phụ huynh buông lỏng, chưa quản lý chặt chẽ sinh hoạt của con em mình. Trường hợp của em Quỳnh là một ví dụ. Quỳnh cho biết: “Sáng bố mẹ đi làm, để lại tiền ăn sáng cho em. Em chỉ ăn một nửa, còn lại chơi game vì ở nhà buồn lắm”. Chính vì ít được sự quan tâm từ phía gia đình nên có nhiều em nhỏ nói dối gia đình học thêm để có tiền chơi game online. Và cũng đã có không ít học sinh chỉ vì muốn có tiền chơi game mà sinh ra trộm cắp,…
Hiện nay, các công ty cung cấp dịch vụ game đã có nhiều động thái tích cực để trò chơi trực tuyến được lành mạnh hơn như giới hạn thời gian chơi trong ngày, cấm các em nhỏ dưới 15 tuổi tham gia. Nhưng xem ra sự nỗ lực này chưa có tác dụng gì nhiều nếu như không có sự hợp tác từ các chủ đại lý và các bậc phụ huynh.
HOÀNG KHÁNH