Từ câu chuyện Đôi dép cao su của Bác Hồ, Nguyễn Kim Vẫn, Phó Bí thư Xã Đoàn Hòa Tâm (huyện Đông Hòa) đã hình thành thói quen suy nghĩ và soi rọi mỗi hành động của mình qua tấm gương đạo đức của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Thanh niên Nguyễn Kim Vẫn (trái) và tác giả. - Ảnh: P.V |
Khi làm việc gì, trong trường hợp nào anh cũng đều liên hệ, tự vấn mình đã thực hiện được lời Bác dạy chưa. Nhờ vậy, từ một thanh niên nghèo, Vẫn trở thành người làm kinh tế giỏi và là đại diện tiêu biểu của thanh niên Phú Yên được tuyên dương tại Hội nghị điển hình thanh niên tiên tiến toàn quốc làm theo lời Bác trong lĩnh vực nuôi trồng thủy sản năm 2008.
Sinh năm 1980, trong một gia đình thuần nông và có tới 9 anh chị em nên sau khi học hết cấp 3, Vẫn tạm gác ước mơ vào đại học để cùng gia đình mưu sinh ven dòng sông Cái, sông Cồ. Những năm 1990-1995, thu nhập chính của gia đình anh dựa vào nghề nuôi tôm sú, như bao người dân ở mảnh đất này. Có vụ thuận lợi, có vụ cả nhà trắng tay đến nỗi không còn vốn để nuôi vụ sau. Nhiều năm phụ giúp gia đình trông coi hồ tôm, Vẫn nhận thấy nghề “đánh bạc với trời” này khá mạo hiểm, nếu không kiên trì và nắm chắc kỹ thuật thì không thể nuôi tôm thành công và thoát nghèo được.
Năm 1997, cùng với sự tạo điều kiện của chính quyền, Vẫn được gia đình cho 4.000m2 chuyển đổi từ diện tích trồng lúa bị nhiễm mặn để “ra riêng”. Anh là người đầu tiên thuộc thế hệ 8X tiên phong làm kinh tế ở thôn Phước Lộc. Thời gian đầu, với 25 triệu đồng tích cóp, vay mượn, anh đầu tư nuôi tôm sú, sau 3 tháng thu lãi gần 80 triệu đồng. Thấy có hiệu quả, anh tiếp tục thuê người làm hồ nuôi tôm sú thâm canh theo hướng bền vững trên toàn bộ diện tích sẵn có. Từ ngày “ra riêng”, năm nào Vẫn cũng nuôi tôm thành công, nhờ biết học hỏi người đi trước cũng như tham gia nhiều lớp tập huấn do xã, huyện, tỉnh tổ chức và áp dụng kiến thức vào thực tế.
Vụ tôm đầu của năm 2001, khi dịch bệnh phân trắng lần đầu tiên xuất hiện trên con tôm sú ở vùng hạ lưu sông Bàn Thạch và không có cách gì chữa khỏi, bao nhiêu công sức, vốn liếng dành dụm trong 4 năm trời của Vẫn trôi theo nước sông ra cửa Đà Nông.
Anh nhớ lại: Sau khi trấn tĩnh, tôi quyết tâm không bó tay thúc thủ mà sẽ nuôi tiếp nhưng cũng chưa biết làm như thế nào cho tốt. Rồi tôi được một cán bộ hưu trí kể cho nghe câu chuyện “Đôi dép cao su của Bác Hồ”. Kết thúc câu chuyện, cán bộ đã phân tích cho tôi thấy việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Bác Hồ phải xuất phát từ cái tâm. Hiểu thấu đáo những việc làm tuy bình dị nhưng thấm đẫm giá trị nhân văn của Bác thì mới có thể soi rọi lại bản thân mình để hành động cho đúng. Câu chuyện đó đã giúp tôi suy nghĩ đúng đắn trong lập thân lập nghiệp và nhất là quyết tâm đứng dậy để đi tiếp.
Sau đó, Vẫn cầm hồ sơ đến ngân hàng xin vay tiền. Phải năm lần bảy lượt mới được giải ngân vì họ nghĩ anh còn trẻ, sợ rót vốn thì dễ nhưng thu hồi thì khó! Cầm được 50 triệu đồng, anh mừng đến rơi nước mắt và càng quyết tâm phải làm lại từ đầu. Vẫn nói: “Không bỏ lỡ cơ hội để tham quan, tìm hiểu các mô hình nuôi tôm tiêu biểu ở một số địa phương trong và ngoài tỉnh, cẩn trọng trong chăm sóc…, cuối cùng, tôi đã gặt hái được kết quả”.
Kết thúc vụ tôm thứ hai trong năm 2001, anh thu về trên 100 triệu đồng lãi ròng, sau khi trả hết vốn cho ngân hàng. Hiện tại, diện tích nuôi tôm của Vẫn lên đến gần 8.000m2, đều đặn thả nuôi 2 vụ/năm. Sau khi trừ chi phí, anh thu lãi ròng gần 200 triệu đồng/vụ. Bên cạnh đó, anh còn tạo việc làm thường xuyên, ổn định cho 3 lao động, bình quân mỗi tháng thu nhập 1 triệu đồng/người; tạo việc làm theo mùa vụ cho 80 lao động. Từ thành công của mình, anh vận động đoàn viên thanh niên trong xã làm theo, tạo nên phong trào làm kinh tế trong nhiều bạn trẻ ở địa phương. Hòa Tâm hiện có 10 hộ gia đình trẻ nuôi trồng thủy sản đạt hiệu quả cao.
Với những thành tích đạt được, năm 2008, anh Nguyễn Kim Vẫn trở thành đại diện tiêu biểu của thanh niên Phú Yên được tuyên dương tại Hội nghị điển hình thanh niên tiên tiến toàn quốc làm theo lời Bác trong lĩnh vực nuôi trồng thủy sản. Anh tâm sự: “Câu chuyện Đôi dép cao su của Bác Hồ không chỉ giáo dục ý thức tiết kiệm mà còn khích lệ tôi không nản lòng, chùn bước trước những khó khăn trong cuộc sống”.
VĂN TÀI