Phó Bí thư Xã Đoàn Hòa Tâm (huyện Đông Hòa) Nguyễn Kim Vẫn: THANH NIÊN NÔNG THÔN ĐANG THIẾU CẢ VỐN LẪN KỸ THUẬT THÂM CANH
Trong thời gian qua, chính quyền địa phương đã chỉ đạo chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa, mở ra nhiều hướng làm ăn mới cho người dân, trong đó có thanh niên nông thôn (TNNT) nhưng vẫn chưa đáp ứng đủ nhu cầu. Khó khăn nhất của TNNT hiện nay là vốn lẫn kinh nghiệm, kỹ thuật thâm canh. Tổ chức Đoàn tại các vùng nông thôn vẫn chưa phát huy tốt vai trò. Tôi mong rằng trong thời gian tới, Đoàn cấp trên cần có những chỉ đạo sâu sát, thiết thực trong vấn đề tạo công ăn việc làm cho TNNT. Hiện nay, các mô hình kinh tế để TNNT áp dụng còn tản mạn, nhỏ lẻ.
Anh Nguyễn Tấn Phụng, 29 tuổi ở Hòa Hội - Phú Hòa, là một điển hình thanh niên làm ăn giỏi ở Phú Yên. Mô hình cơ sở sản xuất gỗ mỹ nghệ hộ gia đình đã giúp anh được TW Đoàn tặng giải thưởng Lương Định Của - Ảnh: N.TRƯỜNG |
Phó Bí thư Xã Đoàn Hòa Định Đông (huyện Phú Hòa) Lê Thị Hoa: CẦN QUAN TÂM ĐẾN CHÍNH SÁCH VAY VỐN, GIẢI QUYẾT VIỆC LÀM
Đoàn cấp trên cần đặc biệt quan tâm đến chính sách vay vốn, giải quyết việc làm cho TNNT. Làm sao để đồng vốn vay ưu đãi sớm đến tay lao động trẻ. Hiện nay, chính sách vay vốn cho TNNT chưa thật sự mở rộng cả về nguồn vốn lẫn hình thức cho vay. Nếu có vốn vay ưu đãi, TNNT sẽ tìm cách nâng cao năng suất lao động, chuyển đổi ngành nghề ngay tại quê hương mình, thay vì phải đi làm ăn xa như hiện nay.
Bên cạnh đó, Đoàn-Hội cũng cần kịp thời phát hiện, khuyến khích, động viên những tấm gương thanh niên sản xuất kinh doanh giỏi; tổ chức nhiều hoạt động chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật đến đông đảo thanh niên, khuyến khích họ mạnh dạn áp dụng và sáng tạo những phương pháp làm ăn mới.
Phó Bí thư Xã Đoàn Hòa Kiến (TP Tuy Hòa) Mã Lê Trung: CÁN BỘ ĐOÀN-HỘI PHẢI TIÊN PHONG LÀM KINH TẾ
Điều quan tâm nhất của TNNT hiện nay là việc làm. Nếu thủ lĩnh thanh niên không tiên phong trong việc này thì làm sao tập hợp được các bạn trẻ? Muốn tập hợp họ, cần thông qua các CLB kỹ năng, nghề nghiệp…
Hiện nay, các chương trình hành động của Đoàn ở nông thôn còn mang nặng tính hình thức. Cần phải có sự đổi mới, đi sâu vào các lĩnh vực mà thanh niên quan tâm như việc làm, hướng nghiệp, dạy nghề... Muốn làm được điều này, cán bộ Đoàn phải giỏi, phải tiên phong. Không thể cứ hô hào đoàn viên thanh niên phải biết làm kinh tế trong khi cán bộ Đoàn còn sống nghèo, sống thiếu thốn.
LỆ VĂN - QUỐC TOÀN (ghi)