Những ngày này tại Phú Yên, dịch COVID-19 vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Trước áp lực công việc ngày càng lớn của đội ngũ y tế, nhiều sinh viên từ các trường cao đẳng, đại học với nhiệt huyết và kiến thức chuyên môn đã tình nguyện xông pha vào tâm dịch, tham gia hỗ trợ trong công tác truy vết, lấy mẫu xét nghiệm…
“Nếu ai cũng sợ thì ai sẽ làm?”
Chiều 19/7, chúng tôi điện thoại cho Đào Quỳnh Thương, vừa tốt nghiệp Trường cao đẳng Công Thương Miền Trung. Thương cho biết mình đang cùng tổ truy vết của huyện Phú Hòa điều tra F1, F2 tại thôn Mỹ Hòa, xã Hòa Thắng. Tôi khá ngạc nhiên vì trong danh sách các tình nguyện viên do Tỉnh đoàn quản lý, Thương thuộc tổ hỗ trợ nhập dữ liệu tại Sở Y tế Phú Yên, sao lại tham gia truy vết tại huyện Phú Hòa, Thương cười: “Ở đâu cần thì mình ở đó”.
Nhớ lại một ngày cuối tháng 6/2021, khi Tỉnh đoàn kêu gọi đoàn viên, thanh niên, sinh viên tham gia hỗ trợ chống dịch COVID-19, Thương đăng ký ngay. “Khi đọc những tin tức về dịch bệnh lần này, thấy con số về các ca nhiễm cứ nhảy vọt từng ngày, tôi cũng rất lo lắng. Nhưng lại nghĩ, nếu ai cũng sợ thì ai sẽ làm, ai sẽ đương đầu chống dịch? Là người trẻ, tôi phải “dấn thân”, làm một việc gì đó ý nghĩa”, Thương bộc bạch.
Sau khi trải qua 4 buổi tập huấn, Thương được phân công về Sở Y tế Phú Yên, tham gia tổ truy vết, gọi điện thoại điều tra các F1, F2. Khi huyện Phú Hòa bùng dịch, chàng trai ở xã Hòa Quang Bắc đã tình nguyện xin về quê để hỗ trợ lực lượng tuyến đầu. Thương tham gia vào tổ truy vết, ăn ngủ tại Trung tâm Y tế huyện. Khi một bác sĩ tại đây dương tính với SARS-CoV-2, Thương “rơi” vào danh sách nhóm nguy cơ lây nhiễm cao. “Khi xung phong đi tình nguyện, tôi đã lường trước những khó khăn, nguy hiểm cận kề. Tôi tự trấn an mình phải giữ vững tinh thần và sức khỏe để tiếp tục công việc hỗ trợ lực lượng y tế huyện dập dịch”, Thương bày tỏ.
Kỷ niệm nhớ nhất của Thương là lần đi truy vết, điều tra dịch tễ liên quan đến hai ca F0 tại một đám tang ở thôn Phú Lộc, xã Hòa Thắng. Sau khi lấy danh sách những người tham gia đám tang do người nhà cung cấp, Thương cùng các thành viên trong tổ truy vết và địa phương “gõ cửa” từng nhà; đồng thời gọi điện thoại để lấy thông tin. Một số người dân không hợp tác, bực bội, gắt gỏng, Thương nhẹ nhàng thuyết phục họ cung cấp thông tin dịch tễ đầy đủ. Thương chia sẻ: “Dịch đang còn diễn biến phức tạp, tôi cố gắng hoàn thành tốt nhiệm vụ truy vết để hỗ trợ lực lượng y tế huyện nhà sớm dập dịch thành công”.
Cũng như Thương, khi biết thông tin Tỉnh đoàn tuyển tình nguyện viên tham gia hỗ trợ tuyến đầu chống dịch COVID-19, Huỳnh Minh Dương, sinh viên năm 3, Trường đại học Xây dựng Miền Trung đã không ngần ngại đăng ký tham gia. Công việc của chàng trai ở phường 9, TP Tuy Hòa là hàng ngày cùng các thành viên hỗ trợ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh (CDC) nhập địa điểm trên Covidmaps Phú Yên. Sau khi nhận các thông báo khẩn của Sở Y tế Phú Yên về các địa điểm F0 sinh sống và từng đi qua, nhóm của Dương sẽ đánh dấu trên bản đồ số dịch tễ COVID-19 để mọi người có thể theo dõi, cập nhật, chủ động phòng chống. Công việc phải thường xuyên túc trực trên máy tính, nhưng Phó Chủ tịch Hội Sinh viên Trường đại học Xây dựng Miền Trung rất vui vì được chung tay “chia lửa” với tuyến đầu chống dịch.
Thầm lặng “dấn thân”
Mặc dù chỉ được nghỉ hè một tháng nhưng Võ Đặng Thương Giang, sinh viên năm 2, Trường đại học Y Dược TP Hồ Chí Minh đã không chọn cách nghỉ ngơi bên gia đình, mà đăng ký cùng đoàn cán bộ y tế của tỉnh Khánh Hòa lên đường hỗ trợ Phú Yên phòng, chống dịch COVID-19. Khi chúng tôi hỏi Giang có sợ bị lây nhiễm không, chàng sinh viên quê ở huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa cười giòn tan qua điện thoại, đáp: “Chúng tôi được tập huấn kỹ lắm nên không sợ. Đợt dịch này cho tôi nhiều bài học quý giá, nhiều kiến thức mới, được trải nghiệm thực tập cộng đồng sớm hơn kế hoạch”.
Trong bộ đồ bảo hộ y tế, công việc hàng ngày của Giang là lấy mẫu xét nghiệm trong các khu phong tỏa, truy vết, theo dấu ca bệnh. Giang và các thành viên trong nhóm đã quá quen với những bữa cơm trưa quá giờ, có khi đến tận 14 giờ chiều mới được “lót dạ”. Có một số ca F0, cả nhóm phải thức đêm truy vết, quyết tâm không bỏ sót trường hợp nào. Giang bộc bạch: “Là sinh viên y khoa, tôi rất vui khi được góp một chút công sức cho công tác chống dịch. Bất kể là tỉnh “hàng xóm” - Phú Yên hay một địa phương nào cần, chúng tôi sẵn sàng lên đường”.
Theo anh Phan Xuân Hạnh, Bí thư Tỉnh đoàn, trước khi tham gia công tác phòng chống dịch ở các “điểm nóng”, các bạn tình nguyện viên đã được tập huấn cũng như áp dụng những kiến thức và kỹ năng trên ghế nhà trường nên tiếp cận với công việc một cách nhanh chóng, xử lý hiệu quả, dễ dàng dù phải chịu nhiều áp lực. “Các bạn đã tự trang bị cho mình một hành trang khỏe mạnh về thể chất lẫn tinh thần trước tình hình diễn biến hết sức phức tạp của dịch bệnh COVID-19, luôn sẵn sàng cống hiến hết mình cho sức khỏe cộng đồng. Tinh thần xung phong, cống hiến của các bạn rất đáng được ghi nhận, biểu dương”, anh Hạnh chia sẻ.
Ban đầu, gia đình không ủng hộ khi biết tin tôi đăng ký tham gia hỗ trợ chống dịch vì công việc có quá nhiều áp lực và nguy cơ lây nhiễm. Tôi đã thuyết phục ba mẹ rằng đất nước đang gồng mình chiến đấu với đại dịch, tôi là đoàn viên thanh niên, là nhân viên y tế tương lai thì việc tham gia tình nguyện chống dịch là chuyện đương nhiên phải làm.
Võ Đặng Thương Giang, sinh viên năm 2, Trường đại học Y Dược TP Hồ Chí Minh |
HÀ MY