Thứ Sáu, 01/11/2024 21:40 CH
Một người Việt trẻ được Google, Microsoft, IBM và World Bank săn đón
Thứ Ba, 10/06/2008 07:38 SA

Đó là câu chuyện về chàng sinh viên Việt Nam phải rửa bát, gọt khoai tây thuê để kiếm thêm tiền trang trải trong thời gian du học tự túc, đã lần lượt bước lên các đỉnh cao tri thức và thành đạt.

 

VƯỢT MẶT 78 ĐỘI TUYỂN CỦA HƠN 30 TRƯỜNG ĐẠI HỌC MỸ VÀ CANADA

 

tl-080610.jpg

Nguyễn Thành Nhân

Tờ báo “Mặt trời Vancouver” ngày 15/11/2007 có bài giới thiệu về ba sinh viên của Trường đại học Tổng hợp British Columbia (University of British Columbia – UBC, Canada)  giải được toàn bộ 11 bài toán trong kỳ thi lập trình dành cho sinh viên giỏi khu vực Tây Bắc Thái Bình Dương. Tờ báo này tự hào viết rằng: “Nhóm ba sinh viên của Trường Đại học British Columbia đã giành giải nhất, vượt qua 78 nhóm của hơn 30 trường đại học khác, trong đó có trường đại học Stanford và Trường đại học Berkeley (những trường danh tiếng nhất của Mỹ- T.G)”. Nhờ thành tích này, nhóm 3 sinh viên nói trên đã tham dự Vòng chung kết quốc tế cuộc thi Lập trình máy tính tổ chức tại Alberta (Canada) ngày 9/4/2008. Trong nhóm ba sinh viên tài năng này có một cái tên người Việt Patrick Nguyễn. Đó chính là Nguyễn Thành Nhân (cái tên Patrick là do bà chủ nhà đặt cho Nhân để mọi người dễ gọi).

 

Cuộc thi quốc tế hàng năm về lập trình cho sinh viên các trường đại học, cao đẳng (thường được gọi là cuộc thi lập trình ACM) thu hút được rất nhiều sinh viên của các trường đại học trên thế giới tham gia. Quá trình thi gồm 3 bước. Bước 1, các trường đại học, cao đẳng thi chọn các đội của trường. Mỗi đội 3 người (là sinh viên đại học hoặc học viên cao học).

 

Năm 2008 có 9.405 đội của 2031 trường thuộc 83 nước được lựa chọn. Nguyễn Thành Nhân được chọn vào đội Đỏ của Trường đại học Tổng hợp British Columbia (Canada). Bước hai, vòng thi loại được tổ chức ở các khu vực. Mỗi khu vực chọn khoảng 2 đến 3 đội dự thi chung kết thế giới. Từ 9405 đội, qua vòng loại khu vực, chỉ lựa chọn 100 đội tham dự chung kết thế giới. Tại vòng loại khu vực, đội của Nhân đã giải được toàn bộ 11 bài, giành vị trí số 1 trong 78 đội thuộc các trường đại học của Mỹ và Canada ở khu vực Tây Bắc - Thái Bình Dương. Bước ba, các đội xuất sắc nhất của các khu vực dự kỳ thi chung kết thế giới.

 

Tháng 4/2008, kỳ thi chung kết Thế giới diễn ra tại thành phố Banff (Canada), có 100 đội tham dự, đội của Nhân xếp thứ 23. Ông Bill Aiello, chủ nhiệm khoa Khoa học máy tính của UBC khẳng định: “Tôi thật sự tự hào về thành tích mà nhóm đã đạt được. Điều đó cho thấy những sinh viên này có tài và đã làm việc nghiêm túc, chăm chỉ đến thế nào”.

 

RỬA BÁT VÀ GỌT KHOAI TÂY THUÊ

 

Hiểu rằng học về công nghệ thông tin cần phải giỏi tiếng Anh và đến các nước phát triển. Thế là bố mẹ Nhân cho Nhân lên đường du học tự túc và xác định cho Nhân sẵn sàng đi làm thêm để “tự lực” nữa.

 

Sáu năm qua, người ta thấy chàng trai Hà thành Nguyễn Thành Nhân chăm chú trên giảng đường, cặm cụi trong phòng thí nghiệm của Giáo sư Bill Havens, Giám đốc Trung tâm trí tuệ nhân tạo để giải bài toán tối ưu hoá thời gian biểu của 3 vệ tinh hay tối ưu hoá lịch trình của máy bay kiểm soát bờ biển Canada... nhưng cũng đôi khi thấy anh rửa bát ở quán “phở Việt Nam” hoặc gọt khoai tây ở một nhà hàng Pháp.

 

Học phí ở một trường đại học danh tiếng và sinh hoạt phí ở một thành phố luôn được xếp số 1 của thế giới – Thành phố Vancouver, không hề thấp nên ngoài việc hỗ trợ của gia đình, Nhân làm bất cứ việc gì, từ lao động trí óc đến lao động chân tay để có tiền ăn học. Tuy nhiên, lý do hàng đầu để Nhân đi làm thêm không hẳn là vì áp lực tiền nong. Nhà có hai chị em, bố mẹ giáo dục con theo tinh thần bình đẳng giới nên ngoài giờ học, Nhân nhặt rau, rửa bát, nấu cơm... không khác gì chị gái. Việc Nhân đi rửa bát thuê ở quán phở Việt Nam hay gọt khoai tây cho một nhà hàng Pháp là do Nhân hoàn toàn tự nguyện. Nhân thổ lộ: “Em muốn làm những công việc này để biết người lao động chân tay vất vả như thế nào, để hiểu có được đồng tiền phải khó nhọc ra sao, để kết hợp lao động trí óc và lao động chân tay, thay đổi môi trường làm việc tạo thư giãn và học tập hiệu quả hơn”. Ngoài ra, học thêm kỹ năng nấu ăn để phục vụ chính mình trong cuộc sống xa nhà. 

 

“LỌT MẮT XANH” CÁC GIÁO SƯ HÀNG ĐẦU THẾ GIỚI

 

Trước khi sang Canada, Nhân chưa bao giờ sống xa gia đình, nên lạ lẫm, nhất là khí hậu. Tuy nhiên, sức khỏe và bản lĩnh của một võ sĩ Judo 3 lần đoạt huy chương vàng của thành phố Vancouver đã giúp Nhân vượt qua khó khăn. Chỉ sau 4 tháng học tiếng Anh ở Canada, điểm thi TOEFL của Nhân đã vượt quá yêu cầu hàng chục điểm để vào các Trường đại học. Tuy vậy, Nhân vẫn học thêm 5 tháng nữa cho thật chắc. “Tiếng Anh là chìa khóa để mở kho báu tri thức. Nếu tiếng Anh không thật tốt thì năm thứ nhất sẽ không nắm vững kiến thức cơ bản và do đó những năm sau sẽ  không học tốt các môn cơ sở và chuyên môn” – Nhân chia sẻ.

 

Sau khi vững vàng tiếng Anh, tháng 9/2003 Nhân đã vào học ngành khoa học máy tính tại Trường đại học Simon Frather (SFU) - một trường danh tiếng ở Bắc Mỹ. Ngay từ năm thứ nhất, các giáo sư ở đây đã phát hiện Nhân có khả năng về thuật toán và lập trình nên đã đưa Nhân vào bồi dưỡng, luyện tập trong những đội sinh viên giỏi (mỗi đội có 3 sinh viên làm việc theo nhóm). Tháng 11/2004, vượt qua vòng loại, đội của Nhân đã được đi dự thi lập trình ACM  khu vực Tây Bắc Thái Bình Dương tại Mỹ và lập nên thành tích đầy ấn tượng: Lập trình giải trọn vẹn được 10 bài.

 

Ngay năm đó, giáo sư Bill Havens, Giám đốc Trung tâm trí tuệ nhân tạo của SFU đã mời Nhân làm trợ lý khoa học cho Dự án Tối ưu hoá thời gian biểu cho các vệ tinh quan sát trái đất của Canada. Trong một lá thư gửi về cho bố Nhân, giáo sư Bill Havens viết:”Chúng tôi rất vui mừng có Nhân làm việc trong phòng thí nghiệm. Anh ấy là một chàng trai trẻ rất thông minh, một người dành hết tâm trí để nghiên cứu. Thật khó mà tìm được những sinh viên như Nhân. Vì vậy, chúng tôi rất vui mừng”. Năm sau, giáo sư Bill Havens lại mời Nhân tham gia đề tài “Tối ưu hoá lịch trình cho máy bay kiểm soát bờ biển”.

 

LỰA CHỌN ”ÔNG LỚN” NÀO?

 

Đúng một tuần sau khi tham dự kỳ thi ACM quốc tế năm 2006, Nguyễn Thành Nhân nhận được lời mời của đại gia số 1 thế giới trong lĩnh vực công nghệ thông tin: Google. Nhưng không phải là lời mời sang làm việc mà chỉ là mời Nhân sang tham quan đại bản doanh của GOOGLE tại California (Mỹ), để hiểu biết thêm về “văn hoá Google”. Năm đó Nhân đang là sinh viên năm thứ ba.

 

Trước khi tốt nghiệp đại học 6 tháng, Nhân cũng phải đứng trước sự lựa chọn không mấy dễ dàng: Nhận lời mời làm việc của Hãng máy tính Microsoft hay nhận học bổng học tiếp Cao học của Trường đại học hàng đầu thế giới British Columbia (UBC)? Hãng máy tính Microsoft cả thế giới biết tiếng, còn Trường đại học British Columbia, theo bảng xếp hạng các trường đại học năm 2007 thì đứng số hai của Canada và số 33 của thế giới. Nhân quyết định: “Em còn trẻ, em chọn con đường học tiếp”. Từ tháng 9 năm 2007, Nhân trở thành sinh viên Cao học của Trường Đại học British Columbia danh tiếng và ngay lập tức trở thành “trợ giảng” môn “Thuật toán” cho sinh viên năm thứ ba.

 

Vừa rồi Nhân nhận được cú điện thoại từ Ngân hàng đầu tư New York với lời nhắn của người cán bộ tuyển dụng: “Khi nào anh tốt nghiệp, xin vui lòng báo tin cho chúng tôi biết”. Thì ra Nhân đã lọt vào tầm ngắm của ngân hàng này lúc nào không biết. Hè này, Nhân nhận được lời mời làm việc từ hai công ty: IBM và GOOGLE. Nhưng Nhân nhận lời làm cho GOOGLE tại Mỹ 4 tháng, sau đó lại trở về Canada học tiếp cao học ở UBC. Nhân cho biết Nhân quyết định chọn Google không chỉ vì thu nhập ở Goolge cao gần gấp rưỡi IBM mà còn vì về đó Nhân sẽ làm ở đơn vị nghiên cứu rất phù hợp với sở trường của Nhân.

 

Theo GĐ&XH

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek