Nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương Đoàn khóa IX đã khẳng định: “Nếu nói Đội là biện pháp tốt nhất để giáo dục thiếu nhi thì vấn đề mấu chốt quyết định cho công tác Đội là vấn đề cán bộ”. Vai trò trách nhiệm của người phụ trách Đội càng quan trọng hơn khi được giao nhiệm vụ giáo dục và hướng dẫn thiếu nhi thực hiện 5 điều Bác Hồ dạy.
Trường THCS Đinh Tiên Hoàng (TP Tuy Hòa) thi nghi thức Đội – Ảnh: V.TÀI |
Công tác thiếu nhi không phải đơn giản, mà là một loại hình lao động khoa học và nghệ thuật, đòi hỏi người phụ trách Đội phải có năng lực, trình độ và được đào tạo bài bản. Vì vậy, không phải bất kỳ ai cũng làm được công tác này. Hiện nay, bên cạnh nhiều anh, chị tình nguyện làm phụ trách Đội, hăng hái, năng động, tổ chức cho trẻ em tham gia nhiều hoạt động vui chơi bổ ích thì cũng có không ít giáo viên đến với công tác Đội một cách gượng ép.
Thực tế, trong những năm qua, tỉ lệ phụ trách Đội chỉ chiếm một phần rất nhỏ trên tổng số đoàn viên TNCS Hồ Chí Minh trong ngành Giáo dục – Đào tạo. Điều này chứng tỏ số lượng phụ trách Đội ngày nay quá thiếu. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là do nhận thức về công tác thiếu nhi của đoàn viên giáo viên còn thấp, cho rằng làm công tác này mất thời gian và công sức mà tiền lương lại không nhiều; một bộ phận không nhỏ sinh viên tốt nghiệp các trường cao đẳng và đại học sư phạm chưa được trang bị nhiều về công tác Đội nên tâm lý thường không thích làm Tổng phụ trách Đội khi về nhận nhiệm sở. Nếu có chấp thuận thì cũng chỉ mang tính bắt buộc hay cố nhận để có việc rồi vài năm lại xin chuyển ra đứng lớp.
Điều này dẫn đến tình trạng đoàn viên tham gia vào công tác phụ trách thiếu nhi không mang tính tự nguyện, tự giác. Cho nên, trách nhiệm của tổ chức Đoàn là phải thường xuyên tuyên truyền và giáo dục lực lượng đoàn viên hiểu kỹ về vai trò của Đoàn đối với công tác thiếu nhi. Đồng thời, phát hiện những đoàn viên tích cực, yêu thích trẻ em, có kỹ năng tổ chức các hoạt động giáo dục tập thể để vận động họ làm công tác thiếu nhi, không nên áp đặt theo ý muốn chủ quan, sẽ dẫn đến kìm hãm sự sáng tạo trong công tác này. Người phụ trách Đội chỉ sẽ thành công nếu bản thân say mê và yêu thích công việc của mình, hiểu biết và yêu mến các em, tự nguyện gánh vác trách nhiệm nặng nề là giáo dục, dìu dắt các em tiến bộ, giúp các em phát triển một cách toàn diện về thể chất cũng như tinh thần. Người phụ trách Đội phải biết phương pháp cơ bản khi xây dựng tổ chức Đội trong nhà trường xã hội chủ nghĩa, đó là “giáo dục trong tập thể và bằng tập thể”.
Do đó, về phẩm chất, người phụ trách Đội phải có tính tích cực xã hội, có óc sáng kiến, kiên trì, tự chủ, công bằng cộng với năng lực tổ chức và đặc biệt là yêu mến tổ chức Đội. Với bản thân phải luôn gương mẫu, khiêm tốn, có tinh thần đoàn kết, linh hoạt, sáng tạo. Với đội viên phải luôn ân cần, gần gũi, giúp đỡ; công bằng, hòa đồng, thân ái; biết lắng nghe các em, không lên giọng và biết sửa sai. Với đồng nghiệp phải tin tưởng và hợp tác; thẳng thắn, chân thành góp ý. Với cấp trên phải sẵn sàng chấp hành, mạnh dạn góp ý.
Bên cạnh giáo dục thiếu nhi học tập và làm theo 5 điều Bác Hồ dạy, tổ chức Đội cần củng cố, bổ sung những hình thức, phương pháp sao cho hấp dẫn, thu hút và mang tính giáo dục cao. Yêu cầu này đòi hỏi người phụ trách thiếu nhi phải là người có uy tín, có năng lực và cần được bồi dưỡng đầy đủ về trình độ văn hóa, chính trị, kiến thức và kỹ năng.
NGỌC CÔNG