Trong thời đại bùng nổ thông tin, tham gia các mạng xã hội, sử dụng internet là nhu cầu tất yếu của mọi đối tượng, trong đó có đoàn viên thanh niên (ĐVTN), học sinh sinh viên (HSSV). Tuy nhiên, việc sử dụng thế nào để mang lại hiệu quả thì cần có sự định hướng, hướng dẫn. Nhận thức được điều này, thời gian qua, các cấp bộ Đoàn trong tỉnh đã tổ chức nhiều chương trình tập huấn kỹ năng, giáo dục tư tưởng, lối sống cho giới trẻ.
Nhiều mối lo ngại
Những thành tựu vượt trội trong lĩnh vực công nghệ thông tin, nền kinh tế tri thức đã tạo nhiều cơ hội cho sự phát triển xã hội nói chung, cho công tác GD-ĐT nói riêng. Tuy nhiên, các thông tin xấu, độc trên internet, mạng xã hội ngày càng nhiều đã tác động tiêu cực đến quá trình học tập, rèn luyện của HSSV.
Anh Hoàng Ngọc Phú, Bí thư Đoàn Trường phổ thông Duy Tân (TP Tuy Hòa) cho hay: “Hầu hết học sinh, ĐVTN của nhà trường đều tham gia ít nhất một mạng xã hội như: Facebook, zalo, instagram, youtube, twitter… Trên những trang mạng xã hội này, hàng ngày, hàng giờ đều đăng tải rất nhiều thông tin về các vấn đề trong xã hội, có thông tin bổ ích song cũng không thiếu thông tin giật gân, sai lệch nhằm thu hút sự chú ý của đám đông. Nếu người dùng không có chính kiến và chọn lọc thì rất dễ bị lôi kéo, sa vào những cuộc khẩu chiến không hồi kết. Thực tế có trường hợp đã xảy ra trong nhà trường, nhờ giáo viên chủ nhiệm, cô giáo kỹ năng sống kịp thời phát hiện, khuyên giải nên không dẫn đến bạo lực học đường”.
Còn anh Bùi Thanh Tùng, Bí thư Đoàn Trường THCS và THPT Võ Thị Sáu (huyện Tuy An) thì bày tỏ mối lo ngại về việc HSSV “nghiện” mạng xã hội, dẫn đến mắc một số chứng bệnh nguy hiểm như trầm cảm, thiếu tự tin. Việc tiếp nhận những nguồn thông tin xấu, sai lệch sẽ ảnh hưởng tới suy nghĩ và hành vi của các em, thậm chí đã xuất hiện các vụ lừa đảo.
Anh Tùng chia sẻ: “Đối với một số học sinh, trên mạng xã hội thể hiện cá tính bản thân rất mạnh mẽ, nhưng ngoài đời lại rụt rè, ngại giao tiếp trước đám đông, thụ động trong các giờ học. Một số em lại “nghiện” mạng xã hội quá nên hao tốn nhiều thời gian vào việc chụp hình độc, lạ úp lên facebook, đếm like và phản hồi comment, trong khi tuổi các em, ưu tiên lớn nhất vẫn là tập trung vào việc học sao cho đạt kết quả tốt nhất”.
Theo chị Chu Thị Hà Vinh, Phó Giám đốc Trung tâm Đào tạo, Học viện Ngân hàng - Phân viện Phú Yên, mạng xã hội là một công cụ chia sẻ thông tin hữu ích, kết nối giữa nhà trường và sinh viên. Bên cạnh những lợi ích to lớn như giúp HSSV cập nhật, chia sẻ các thông tin liên quan tới học tập, sở thích, mối quan tâm; tạo điều kiện để các em thể hiện bản thân, tăng cường và mở rộng mối quan hệ với bạn bè; giải trí với nhiều ứng dụng và trò chơi hấp dẫn; thì mạng xã hội cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ, cho nên HSSV cần được trang bị các kỹ năng, định hướng để biết cách tận dụng những lợi ích mà nó mang lại, hạn chế tối đa tiêu cực.
Đẩy mạnh giáo dục văn hóa ứng xử
Từ thực tế trên, thời gian qua, các cấp bộ Đoàn - Đội - Hội đã tổ chức nhiều hoạt động giáo dục tư tưởng, chương trình tập huấn trang bị kỹ năng khai thác, sử dụng các thông tin chính thống trên internet, mạng xã hội phục vụ thiết thực cho việc học tập, nghiên cứu, giải trí lành mạnh cho HSSV, ĐVTN.
Anh Nguyễn Huỳnh Bảo, Phó Bí thư Thành đoàn Tuy Hòa, cho hay: Hàng năm, tại các hội nghị tập huấn cán bộ đoàn, hội, Ban Thường vụ Thành đoàn đều lồng ghép, tổ chức các chuyên đề trang bị kỹ năng khai thác internet, mạng xã hội cho ĐVTN thời đại 4.0. Ngoài ra, Thành đoàn còn đẩy mạnh nhiều nội dung tuyên truyền trên không gian mạng như: Xây dựng các bộ infographic tuyên truyền chủ trương, đường lối để ĐVTN dễ tiếp cận; đẩy mạnh học tập 4 bài học lý luận chính trị mới của Trung ương Đoàn. Thành đoàn còn đẩy mạnh tương tác qua trang fanpage Tuổi trẻ Tuy Hòa bằng cuộc thi ảnh “Khoảnh khắc tựu trường” và các cuộc thi tìm hiểu trực tuyến khác...
Từ đó, ĐVTN thấy được ý nghĩa của việc sử dụng mạng xã hội để phục vụ việc học tập, vui chơi lành mạnh. Đây cũng là cách thu hút ĐVTN, HSSV đến với tổ chức Đoàn, qua đó, các cấp bộ Đoàn dễ dàng tuyên truyền, định hướng tư tưởng và nhiều vấn đề khác của xã hội cho các bạn trẻ.
Anh Trần Minh Trí, Phó Bí thư Tỉnh đoàn, cho biết: Trong dịp hè vừa qua, Trung tâm Hội nghị Pytopia, Tỉnh đoàn, Hội Sinh viên tỉnh, Học viện Ngân hàng - Phân viện Phú Yên, Sở GD-ĐT Phú Yên phối hợp Google, Quỹ Dariu tổ chức 5 chương trình tập huấn với chủ đề “Công dân số và an toàn trực tuyến”, “Kỹ năng số”, trang bị kiến thức về lập trình, sử dụng an toàn và khai thác hiệu quả internet, phát triển tư duy sáng tạo cho gần 6.000 HSSV và giáo viên của Phú Yên.
Trong năm học này, Tỉnh đoàn, Hội Sinh viên tỉnh sẽ tiếp tục phối hợp với Sở GD-ĐT và các trường, Sở TT-TT đẩy mạnh giáo dục văn hóa ứng xử trên mạng xã hội cho HSSV, ĐVTN nhằm hướng dẫn các em cách phát hiện và ứng xử với những thông tin chưa được kiểm chứng; nhận ra âm mưu, phương thức, thủ đoạn hoạt động của các thế lực thù địch, các cá nhân lợi dụng internet, đặc biệt là mạng xã hội chống phá Đảng, Nhà nước. Trên cơ sở đó trang bị cho HSSV kỹ năng chọn lọc thông tin, sử dụng mạng xã hội để phục vụ nhu cầu học tập, giải trí lành mạnh…
Sử dụng mạng xã hội, internet là nhu cầu tất yếu trong xu thế toàn cầu hóa, tuy nhiên, trước những cạm bẫy thì HSSV, ĐVTN cần có những kiến thức, kỹ năng cơ bản. Từ đó chắt lọc những thông tin bổ ích phục vụ việc học tập, giải trí của bản thân, đồng thời phản bác, lên án những luận điệu sai trái. Để làm được điều đó thì công tác tuyên truyền, giáo dục văn hóa ứng xử trên mạng xã hội cần tiếp tục được đẩy mạnh, nhân rộng.
Phó Bí thư Tỉnh đoàn Trần Minh Trí |
KHÁNH HÀ