Thứ Bảy, 12/10/2024 05:22 SA
Hội LHTN tỉnh Phú Yên: Nhiều mô hình đoàn kết, tập hợp thanh niên hiệu quả
Thứ Tư, 23/08/2017 07:57 SA

Các đội cồng chiêng tham gia biểu diễn tại Liên hoan Văn hóa cồng chiêng do Hội LHTN tỉnh tổ chức ở huyện Sơn Hòa - Ảnh: TRUNG HIẾU

Những năm trở lại đây, nhờ có nhiều mô hình đoàn kết, tập hợp thanh niên (ĐKTHTN) hay mà các cấp bộ Hội LHTN trong tỉnh đã thu hút đông đảo hội viên, thanh niên vào tổ chức. Qua đó thực hiện được nhiều phần việc thiết thực, góp phần xây dựng, phát triển quê hương.

 

Tập hợp thanh niên theo từng đối tượng

 

Theo chị Tạ Thị Mỹ Hòa, Phó Chủ tịch thường trực Hội LHTN tỉnh Phú Yên, để thanh niên đến với Hội ngày một đông, hàng năm, các cấp bộ Hội đều xây dựng và duy trì các mô hình ĐKTHTN theo từng đối tượng phù hợp. Đó là các mô hình ĐKTHTN dân tộc thiểu số, thanh niên tôn giáo, thanh niên công nhân trong các doanh nghiệp, thanh niên địa bàn dân cư…

 

Để cụ thể hóa mô hình ĐKTHTN dân tộc thiểu số, các cơ sở Hội ở huyện Sơn Hòa đã thành lập các đội cồng chiêng thu hút đông đảo hội viên ở các địa phương trong huyện tham gia.

 

Bí thư Xã đoàn, Chủ tịch Hội LHTN xã Krông Pa (huyện Sơn Hòa) Ksor Y Sáu cho biết: “Thực hiện chỉ đạo của Hội LHTN huyện, từ năm 2014 đến nay, chúng tôi đã thành lập được 6 đội cồng chiêng tại 6 buôn trong xã, mỗi đội có từ 15-30 thành viên và thường xuyên tập luyện. Nhờ vậy mà mỗi khi Hội LHTN huyện hay tỉnh tổ chức Liên hoan văn hóa cồng chiêng, xã chọn ra đội tinh nhuệ nhất để tham gia thi và luôn đạt giải cao”.

 

Rô Y Giang, thành viên đội cồng chiêng ở buôn Thu (xã Krông Pa), nói: “Từ ngày có đội cồng chiêng đến nay, thanh niên ở đây vui lắm. Vào những tối cuối tuần, đúng 18 giờ 30, tất cả thanh niên trong buôn đều có mặt tại nhà rông để tập. Do đó, các bạn trong buôn bây giờ ai cũng biết đánh chiêng, nhảy aráp, múa xoan”.

 

Bí thư Huyện đoàn, Chủ tịch Hội LHTN huyện Sơn Hòa Sô Đa chia sẻ: “Trong công tác ĐKTHTN, mình nên chọn những mô hình phù hợp thì thanh niên mới hưởng ứng tích cực. Chúng tôi hình thành đội cồng chiêng ở các xã là nhằm phát huy được năng khiếu và sở thích của thanh niên đồng bào dân tộc thiểu số nên ngày càng có nhiều bạn tham gia. Nhờ đó góp phần bảo tồn, duy trì và phát triển các hoạt động nghệ thuật quần chúng; đồng thời giữ gìn, phổ biến những giá trị văn hóa truyền thống dân tộc trong thế hệ trẻ hiện nay”.

 

Theo chị Tạ Thị Mỹ Hòa, ngoài mô hình ĐKTHTN nêu trên, Hội LHTN tỉnh còn có nhiều mô hình ĐKTHTN khác mang lại hiệu quả không kém. Đối với thanh niên Phật giáo thì có mô hình “Nâng cánh yêu thương thiếu nhi vùng cao” và “Mùa đông ấm áp yêu thương”. Đối với thanh niên các địa bàn dân cư và thanh niên Tin Lành thì tổ chức giải bóng đá thanh niên, Hội thao thanh niên Tin lành. Đối với thanh niên trong các doanh nghiệp thì xây dựng mô hình thành lập tổ chức Hội trong doanh nghiệp tư nhân… Nhờ đó ngày càng có nhiều thanh niên đến với Hội.

 

Bí thư Trung ương Đoàn, Chủ tịch Trung ương Hội LHTN Việt Nam Nguyễn Phi Long (thứ 3 từ phải qua), trao đổi kinh nghiệm trồng măng tây với một thanh niên trồng măng tây ở xã Hòa Quang Nam (huyện Phú Hòa) - Ảnh: TRUNG HIẾU

 

Góp phần đảm bảo an sinh xã hội

 

Bên cạnh làm tốt công tác ĐKTHTN, các cấp bộ Hội còn chú trọng đến các hoạt động khởi nghiệp, lập nghiệp cho thanh niên. Hàng năm, các cấp bộ Hội luôn phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức tư vấn hướng nghiệp, qua đó trang bị những kiến thức về khởi sự doanh nghiệp, kết nối tạo cơ hội việc làm cho thanh niên thông qua các chương trình “Hiểu mình, hiểu nghề sáng tương lai”; “Thắp sáng ước mơ tuổi trẻ Việt Nam; “Ngày hội thanh niên công nhân”; diễn đàn Thanh niên khởi nghiệp với chủ đề “Tôi khởi nghiệp - khởi nghiệp từ đâu?”…

 

Ngoài ra, các cấp Hội còn phối hợp với một số cơ quan chức năng tư vấn, giới thiệu việc làm; tổ chức các lớp tập huấn về trồng trọt, chăn nuôi, giúp thanh niên biết cách ứng dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào sản xuất, chăn nuôi, mở rộng các mô hình sản xuất kinh doanh mới, góp phần mang lại hiệu quả kinh tế cao.

 

Theo chị Tạ Thị Mỹ Hòa, từ năm 2014 đến nay, các cấp Hội đã phối hợp với các cơ quan chức năng tổ chức 54 buổi tập huấn, tư vấn cho thanh niên khởi nghiệp, lập nghiệp với 14.117 lượt người tham gia. Qua đó có hàng trăm thanh niên có việc làm ổn định…

 

Nhờ tham gia lớp tư vấn khởi nghiệp, lập nghiệp năm 2014, anh Hà Anh Kiệt ở thôn 3, xã Đa Lộc (huyện Đồng Xuân) đã mạnh dạn vay tiền từ các ngân hàng NN-PTNT, Chính sách xã hội huyện để đầu tư trang trại chăn nuôi heo cho Công ty CP Chăn nuôi C.P Việt Nam.

 

Anh Kiệt cho biết: “Mỗi năm tôi nuôi hai lứa heo, mỗi lứa 800 con và công ty trả công nuôi gần 200 triệu đồng/lứa. Nhờ đó, tôi không những có điều kiện trang trải cuộc sống gia đình mà còn giải quyết việc làm ổn định cho hai thanh niên địa phương làm việc ở trang trại”.

 

Nhờ làm tốt công tác ĐKTHTN và tạo điều kiện cho thanh niên khởi nghiệp, lập nghiệp nên khi các cấp bộ Hội tổ chức phát động phong trào tình nguyện đều được ĐVTN, hội viên tham gia nhiệt tình. Tính từ năm 2014 đến nay, hưởng ứng Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, các cấp bộ Đoàn, Hội đã vận động hàng trăm đoàn viên, hội viên góp công giúp người dân thực hiện gần 28km đường bê tông nông thôn; xây dựng 28 căn nhà Nhân ái; vận động ĐVTN, hội viên tham gia hiến 11.387 đơn vị máu và hàng năm thăm, tặng hàng ngàn suất quà cho các gia đình chính sách, học sinh nghèo vượt khó…

 

Phó Chủ tịch thường trực Hội LHTN tỉnh Phú Yên Tạ Thị Mỹ Hòa

 

HIẾU TRUNG

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek