Sinh viên (SV) xa nhà thường ăn cơm quán bình dân, gọi nôm na là “cơm bụi”. Khá tiện lợi vì đỡ mất thời gian nấu nướng, nhưng đằng sau những đĩa “cơm bụi” là nỗi lo an toàn vệ sinh thực phẩm. Biết thế, nhiều SV vẫn tặc lưỡi: Rồi cũng quen...
Những quán cơm bình dân ở TP Tuy Hòa luôn đầy ắp sinh viên - Ảnh: KIM SA
BÌNH DÂN, TIỆN LỢI
Trưa, ghé vào một quán cơm bụi SV trên góc đường Trần Phú - Trường Chinh (phường 7, TP Tuy Hòa), tôi và đồng nghiệp gọi hai đĩa cơm. Quán chỉ là một khoảng diện tích hẹp, bày ken chật các bàn nhựa nhỏ. Thực khách vào gọi cơm hoặc đưa phiếu cơm tháng, nhân viên phục vụ - có khi là SV- bưng ra ngay.
Thường những quán “cơm bụi” nằm gần các trường ĐH, CĐ hoặc THCN, tiêu chí giá cả đặt lên hàng đầu, chủ quán lại “linh động” cho SV “ký sổ” những khi gia đình chưa kịp gửi tiền, nên các quán khá đông khách, đem lại nguồn thu nhập ổn định cho người kinh doanh. Vì thế, những quán “cơm bụi” SV mọc lên ngày càng nhiều.
Giá “cơm bụi” dao động từ 3.000 - 5.000 đồng/đĩa. Nếu ăn cơm tháng thì ở mức 210.000-300.000 đồng/tháng, phụ thuộc vào thức ăn nhiều hay ít và thường được “miễn phí” cơm trắng. SV Đỗ Ngọc Thoại, lớp CO5 X2, Trường Cao đẳng Xây dựng số 3 cho biết: “Cơm bình dân vừa rẻ vừa tiện. Tụi em đi học cả ngày, tranh thủ ăn để còn có thời gian nghỉ trưa, buổi chiều đi học tiếp”.
AN TOÀN VỆ SINH THỰC PHẨM: BIẾT VẪN LƠ!
An toàn vệ sinh thực phẩm là một trong những vấn đề xã hội quan tâm hiện nay, riêng các quán “cơm bụi” thì tình hình càng đáng cảnh báo hơn.
Tôi đã mục kích “hậu trường” của nhiều quán và không khỏi rùng mình. Có quán, bếp nằm sát cạnh cống nước, toilet, thực phẩm tươi sống cứ thế phơi cùng ruồi nhặng. Chủ quán “tình thiệt”: “Nhiều bữa bán không hết, thức ăn cất đi hâm lại mấy ngày là chuyện thường, nhất là các món cá kho, thịt kho…” Họ cũng biết như thế là có hại nhưng không thể làm khác. Tất cả cũng chỉ vì lợi nhuận.
Huỳnh Tấn Duy Khiêm, sinh viên Trường Đại học Phú Yên, tâm sự: “Thức ăn đường phố ngày càng trở nên phổ biến, quán vỉa hè phục vụ khách bình dân, khó mà biết được quán nào nấu nướng đảm bảo vệ sinh.”
Cùng tâm trạng e dè như Khiêm, một SV tên Tuấn cũng băn khoăn khi đề cập đến vấn đề này: “Mình biết là vệ sinh thực phẩm ở những hàng quán này không được đảm bảo. Nhưng thôi, ráng mấy năm là ra trường!”
Hàng năm trên địa bàn TP Tuy Hòa nói riêng và tỉnh Phú Yên nói chung, Trung tâm Y tế dự phòng tiến hành kiểm tra, giám sát từ 1.000 -1.500 cơ sở sản xuất, chế biến và hàng, quán chuyên kinh doanh ăn uống giải khát. Kết quả chỉ có 30-45% cơ sở đảm bảo các yêu cầu về vệ sinh thực phẩm. Vì vậy, cần có biện pháp xử lý triệt để các cơ sở này để tránh gây hại cho người tiêu dùng.
Đến nay Phú Yên vẫn chưa xảy ra tình trạng SV ngộ độc tập thể do ăn ở các quán “cơm bụi”. Nhưng đã đến lúc các cơ quan chức năng cần quan tâm giám sát vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm đối với loại hình kinh doanh này, đừng để “mất bò mới lo làm chuồng”.
LỆ VĂN