Xu thế phát triển hiện nay đòi hỏi những người làm công tác giáo dục phải nắm được đặc điểm tâm lý lứa tuổi sinh viên để làm cơ sở cho việc lựa chọn những phương pháp, hình thức giáo dục phù hợp.
Bạn trẻ ở Trung tâm GDTX Phú Yên trong một chương trình giao lưu với các nhà báo – Ảnh: VĂN TÀI
Sinh viên chủ yếu trong lứa tuổi từ 18-25. Đây là lứa tuổi mới lớn, đang trong thời kỳ trưởng thành. Ở lứa tuổi này, họ đã có được mức độ phát triển nhất định về nhận thức, tư tưởng, tình cảm, tích cực tham gia các hoạt động xã hội, lao động nghề nghiệp, học tập... chuẩn bị cho cuộc sống độc lập. Họ cần tự xác định cho mình hàng loạt vấn đề quan trọng trong cuộc đời như: Nghề nghiệp, định hướng các giá trị, tình yêu, niềm tin, lý tưởng... Đây cũng là thời kỳ hình thành những phẩm chất đạo đức, tinh thần người công dân trong sinh viên.
Vị thế của sinh viên trong nhà trường, trong tổ chức Đoàn thanh niên, kiến thức, kinh nghiệm trong cuộc sống, những điều kiện kinh tế xã hội trong và ngoài nước, những biến động xảy ra trên thế giới, các nguồn thông tin... tác động khiến cho những đặc điểm nhân cách đang hình thành của sinh viên trải qua những biến đổi sâu sắc trên con đường dần đi đến sự ổn định.
Nhân cách được hình thành và phát triển trong suốt đời người, nhưng thời kỳ sinh viên ở trường đại học, cao đẳng là thời kỳ rất cơ bản, bước đầu hình thành và định hướng nhân cách người công dân, người lao động khoa học, kỹ thuật. Vì vậy mà Makarenkô, một nhà giáo dục lỗi lạc của Liên Xô (cũ) cho rằng: Phải hoạch định nhân cách, giáo dục con người là giáo dục con đường tương lai cho họ.
Đặc điểm tâm lý, nếp sống của sinh viên có những nét chung, đặc thù nhưng cũng rất đa dạng và phong phú. Nếp sống của sinh viên chính là những hình thức ổn định, điển hình của các hoạt động sống của cá nhân và tập thể sinh viên. Những hình thức ấy nói lên đặc điểm về thái độ, hành vi, nếp nghĩ của họ trong lĩnh vực chính trị-xã hội, giải trí, học tập, lao động, quan hệ, giao tiếp, ứng xử. Sinh viên rất nhạy cảm và năng động trong học tập, cuộc sống, nhất là trong thời đại ngày nay. Lối sống, nếp sống của sinh viên đang được thể hiện rõ và mang những màu sắc mới.
Rõ ràng, việc xem xét các đặc điểm tâm lý của sinh viên có vai trò quan trọng trong việc xác định nội dung, hình thức và phương pháp tác động đến sự hình thành nhân cách. Qua đó cho thấy công tác quản lý, giáo dục sinh viên nói chung cũng như xây dựng nếp sống lành mạnh cho sinh viên nói riêng cần phải hết sức chú trọng đến yếu tố tâm, sinh lý của họ, vì đó là cơ sở cho việc nghiên cứu để trang bị những nội dung và phương pháp phù hợp cho công tác này.
LÊ NGỌC HƠN