MỘT SVTN/300 THIẾT BỊ
Đội hình chuyên Điện - điện tử sửa, kiểm tra điện giúp dân - Ảnh: LÊ CHÂU ĐẠO |
“Ai có ti vi, quạt máy hư sửa không?”-
Đó là câu rao “dẻo quẹo” của SVTN Lê Văn Thắng mỗi khi ĐHC đặt chân đến địa bàn mới để sửa chữa điện giúp dân. 10 thành viên, phải luân phiên 11 xã, bình quân mỗi SVTN phải đảm nhận trên 200 hộ dân và khoảng trên dưới 300 thiết bị, dụng cụ điện hư hỏng cần phải sửa chữa, khắc phục. Vì chiến dịch chỉ có 30 ngày nên các thành viên ai cũng tất bật, khẩn trương để hoàn thành tốt phần việc được giao.Hôm tôi đến Da Dù, xã Xuân Lãnh (huyện Đồng Xuân), trời nắng chang chang, nhưng Thắng và các thành viên trong đội vẫn “đầu đội trời, chân đạp... cột điện” để kéo lại hệ thống dây điện cho nhà sinh hoạt văn hóa cộng đồng nơi đây. Thắng bảo, do hệ thống dây điện nội bộ ở đây không được an toàn. Mạng điện rối vò không khác gì mạng nhện. Trong khi đó, ý thức sử dụng điện an toàn của người dân còn nhiều hạn chế. Vì vậy, khi đội hình luân chuyển đến Da Dù, các thành viên trong đội phải mất 3 ngày đi thống kê các thiết bị, dụng cụ điện hư hỏng của các hộ dân, đồng thời, tiến hành khảo sát hệ thống dây điện để có phương án giải quyết hợp lý.
Tại nhiều điểm ở các xã Phước Tân (Sơn Hòa), Xuân Quang 1, Xuân Lãnh (Đồng Xuân)… những ngày qua, các thành viên trong đội phải vật lộn với khá nhiều tivi, máy đài hư của bà con đem đến chất đầy nhà văn hóa. Nhiều hôm các bạn phải “nhịn” luôn bữa trưa để khắc phục thiết bị điện hư hỏng cho dân. Tân háo hức giải thích: “Mỗi địa bàn chúng em thường ở khoảng từ 3 -5 ngày, phải chia nhỏ đội hình đi đến từng thôn nên ai cũng phải tận dụng tối đa quỹ thời gian hạn hẹp của mình”.
Ngay sau khi đến địa bàn huyện Sông Hinh, 10 thành viên, ĐHC Điện-điện tử lại chia làm 2 xã để tiếp tục công việc của mình. Tại địa bàn này, thiết bị điện hư hỏng nhiều nhất vẫn là các bản táp lô điện, công tắc điện. “Những hỏng hóc này tuy nhỏ, đơn giản nhưng không phải người dân nào cũng biết cách khắc phục. Vì thế, trong khi chờ thợ sửa chữa, bà con thường mua bóng đèn 75W về xài đỡ, vừa hao điện vừa tốn tiền” - Tuấn Anh, phụ trách nhóm ở xã Ea Lâm, cho biết.
Còn theo giáo viên Lê Kim Anh, phụ trách ĐHC Điện - điện tử, thì công việc mà đội làm nhiều nhất đó là thay cầu dao, chuột, tăng phô, sửa chữa quạt máy, ti vi, cassette….Ở đây, do địa bàn xa nên dụng cụ điện, thiết bị điện sinh hoạt hư hỏng đã nhiều năm, người dân không có điều kiện đem xuống thị trấn để sửa.
DÂN THÁN PHỤC
Đã gần một năm nay, gia đình nhà bà Mang Thị Lôi ở thôn Da Dù (xã Xuân Lãnh) mỗi tháng phải trả gần 50.000 đồng tiền điện, do hệ thống điện trong nhà bị chập, phải dùng tạm bóng đèn 75W. Có ĐHC, chỉ 15 phút sau sự cố đã được khắc phục. Không những thế, SVTN còn chạy lại hệ thống dây điện trong nhà, sửa chữa quạt máy và giúp gia đình bà gắn lại cầu dao điện ngoài trời cho an toàn. Khi tự tay đóng cầu dao và “nghiệm thu” công trình, ánh mắt bà rạng rỡ lên vì vui sướng. Bà Lôi tâm sự: “Cái quạt máy gia đình tôi nó hư lâu lắm rồi, nhưng không có điều kiện để đem xuống La Hai sửa. Trời mấy tháng này nóng quá, nhưng đành phải dùng quạt giấy. Hôm nay, SVTN lên đây giúp, gia đình biết ơn lắm! Chúng nó giỏi thiệt, sờ vô một chút là xong ngay”.
Rời nhà bà Lôi, đoàn tiếp tục đến nhà Mang Xíu để sửa dùm gia đình ông cái ổn áp, bị cháy do sử dụng lâu ngày. Đây là dịp để
Nhiều gia đình như Y Tun, Mí Cách, Ma Y…ở huyện Sơn Hòa, Đồng Xuân cũng rất biết ơn tấm lòng của SVTN. Họ đã sống, làm việc hết mình trong một tháng của chiến dịch để giúp dân hiểu thêm về cách sử dụng điện tiết kiệm, an toàn.
VĂN TÀI