Những sinh viên tình nguyện (SVTN) đã về các thôn vùng sâu, vùng xa của xã Ea Ly (huyện Sông Hinh) tổ chức ôn tập hè cho thanh thiếu nhi và hướng dẫn người dân cách thức vay vốn làm ăn.
NHỮNG LỚP HỌC KHÔNG “BIÊN CHẾ”
Sự có mặt của các bạn SVTN làm cho buôn làng trở nên rộn ràng và nhộn nhịp hơn thường lệ với những buổi ôn tập hè, sinh hoạt văn nghệ, tổ chức trò chơi tập thể… Bạn Lê Bá Linh, SVTN Trường Đại học Phú Yên, tâm sự: “Mình rất hạnh phúc khi được dạy chữ cho các em, giúp các em trong việc sửa lỗi chính tả, làm toán…”.
Sinh viên tình nguyện Trường Đại học Phú Yên đang dạy chữ cho thanh thiếu nhi xã Ea Ly (Sông Hinh). Ảnh: V.TÀI
Để có gần 100 học sinh tiểu học ở buôn Zô tham gia ôn tập văn hóa, các SVTN đã không quản thời gian đến từng nhà vận động các bậc phụ huynh cho con em ra lớp. Nhiều hôm lớp quá đông, SVTN phải tổ chức thêm vào buổi tối để những em ban ngày bận phụ giúp bố mẹ có điều kiện theo học. Em Lê Mô H’Nhin, học sinh lớp 5, bộc bạch: “Có các anh, chị SVTN dạy chữ và tổ chức sinh hoạt, em và các bạn ở đây có một mùa hè rất vui”.
Sau giờ học, các em lại được các “thầy”, các “cô” hớt tóc, cắt móng tay, nhắc nhở giữ gìn vệ sinh thân thể. Trước sự quan tâm, ân cần của các SVTN, các em không còn lười đến lớp trong thời gian hè. Anh Long Văn Kiều, dân tộc Tày, phụ huynh của em Long Thị Khôi nói: “Vào dịp hè, Khôi phải phụ giúp gia đình chăm nom nhà cửa nhưng nhờ sự giải thích của SVTN về lợi ích của cái chữ, tôi đồng ý để Khôi tham gia các lớp ôn tập và sinh hoạt hè. Tôi nghĩ đây cũng là một việc tốt, vì không phải lúc nào cũng có SVTN từ dưới xuôi lên”.
Đặc điểm của học sinh dân tộc thiểu số là mau quên bài vở. Nếu nghỉ liền một mạch 3 tháng hè thì từ học sinh khá, giỏi đến yếu, kém đều quên hầu hết kiến thức được học trước đó. Do đó, sự có mặt của lực lượng SVTN giúp các em khỏi phải xa rời trường lớp. Những bài học mà SVTN trang bị thật ra chỉ là những kiến thức các em đã học, nhưng nhờ họ biết kết hợp vừa dạy chữ vừa tổ chức vui chơi, giải trí nên áp lực học chữ đối với các em không nhiều. Điều đó khiến các em nhỏ rất thích đến lớp do các “thầy cô sinh viên” dạy trong dịp hè.
Ông Lê Ngọc Chi, Trưởng phòng GD - ĐT huyện Sông Hinh cho biết: “Hè này, toàn huyện có hơn 1.600 học sinh phải được bồi dưỡng, chủ yếu tập trung ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Vì vậy, 26 SVTN của Trường Đại học Phú Yên tham gia ôn tập hè thực sự đã giúp ngành giáo dục huyện củng cố, nâng cao được chất lượng học tập của học sinh, giúp các em tự tin bước vào năm học mới”.
GIÚP DÂN VAY VỐN
Tại buôn Zô, bên cạnh SVTN của Trường Đại học Phú Yên còn có 15 SVTN thuộc đội hình chuyên của Học viện Ngân hàng - Phân viện Phú Yên. Đây là những SVTN chuyên hướng dẫn cách lập dự án và các thủ tục để giúp người dân địa phương biết cách vay vốn ngân hàng, đầu tư mở rộng sản xuất.
Bạn Lê Quang Cường, SVTN Phân viện Ngân hàng, cho biết: Chúng tôi nhận thấy đại đa số bà con nơi đây chưa biết cách lập dự án, thuyết phục các ngân hàng giải ngân. Nhiều gia đình tuy là dân bản địa nhưng vẫn thiếu một số giấy tờ cần thiết để vay vốn như CMND, sổ hộ khẩu… Bên cạnh đó, nhiều hộ vẫn còn có tâm lý sợ mắc nợ nên đã không dám vay.
Tại nhà Y Nóc, chúng tôi cảm nhận được nét rạng rỡ trên khuôn mặt của anh sau khi được nhóm “chuyên viên” hướng dẫn cụ thể và chi tiết để anh vay vốn nuôi bò. Y Nóc hồ hởi nói: “Qua giải thích của các em SVTN, tôi mới biết khi lập dự án mình còn thiếu nhiều giấy tờ quan trọng. Giờ tôi đã được hướng dẫn và đang làm lại dự án, có thể đầu tháng này sẽ mang xuống thị trấn để vay tiền”.
Bên cạnh đó, các SVTN còn tư vấn cho các hộ gia đình sử dụng vốn đúng mục đích và mang lại hiệu quả cao nhất, đồng thời giải toả những ý kiến thắc mắc liên quan đến vấn đề này của người dân trong buôn.
Nhận xét về những “cán bộ áo xanh” từ dưới xuôi lên, Mí Cách, Tổ trưởng tổ vay vốn của buôn Zô, nói: “Nhờ có SVTN hướng dẫn giải thích mà 90% hộ dân trong buôn đã nắm vững các nguyên tắc khi lập hồ sơ vay vốn. Điều này đồng nghĩa với việc sắp tới, nhiều hộ gia đình có thêm điều kiện thuận lợi để mở rộng sản xuất và vươn lên thoát nghèo”.
NHẬT HUY