Nhật ký là một hình thức tự sự, ghi chép những sự kiện và cảm nghĩ thường ngày của con người. Nó được sử dụng khá phổ biến nhưng ít khi được công bố. Trong năm 2005, sự xuất hiện của “Mãi mãi tuổi hai mươi” (và “Nhật ký Đặng Thùy Trâm”) đã tạo ra một cơn sốt với số lượng xuất bản đạt mức kỷ lục. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử văn học nước nhà, thể loại này có dịp thể hiện sức hấp dẫn mạnh mẽ của nó.
Nhật ký có tính chân thực cao, lưu giữ những bí mật riêng tư của mỗi người. Nhật ký và hồi ký đều ghi những chuyện riêng tư nhưng hồi ký đã được tác giả sửa chữa trước khi công bố rộng rãi. Còn nhật ký thì khác Nguyễn Văn Thạc quan niệm như sau: “Nếu như người viết nhật ký là viết cho mình, cho riêng mình đọc thì cuốn nhật ký đó sẽ chân thực nhất, sẽ bề bộn và sầm uất nhất. Người ta sẽ mạnh dạn ghi cả vào đấy những suy nghĩ tồi tệ nhất mà thực sự họ có”. (
Tình yêu là đề tài muôn thuở của văn chương và nó cũng là một trong những nội dung chính của cuốn nhật ký. “Mãi mãi tuổi hai mươi” tràn ngập nỗi nhung nhớ người yêu: “Ở đâu, đi đâu, đến đâu và nhớ gì, nghĩ gì, ta đều nhớ Như Anh. Như một niềm vui, niềm an ủi, như một ước mơ hết sức xa vời, song đẹp đẽ và đáng mơ ước biết bao nhiêu”. Có lẽ hiếm thấy cuốn sách nào viết về nỗi nhớ tình yêu sâu sắc và cảm động đến như vậy. Điều dễ hiểu là những dòng chữ ấy được viết ra từ tiếng lòng thổn thức của người trong cuộc, còn các nhà văn thì phải tưởng tượng ra những lời yêu thương vì họ không có cảm xúc thật trong khi đang viết. Hầu như trang nhật ký nào ta cũng gặp những dòng lãng mạn, tràn ngập nhớ thương người yêu đang học ở Liên Xô. Đôi khi nỗi nhớ ấy làm cho anh quay quắt: “Thôi, lại giở thư Như Anh, dòng mùa thu ẩm ướt của đời tôi đấy – Như Anh về đây với anh nào, về đây, gần đây nữa, đừng đi nữa nhé, em yêu của anh… Trời ơi, điên lên mất, điên lên mất thôi” (
Hình tượng Nguyễn Văn Thạc có nhiều điểm khác với các hình tượng văn học khác thời chống Mỹ. Nhiều nhà văn xây dựng nhân vật nhằm mục đích giáo dục, nêu gương nên từ trang sách đầu tiên, các nhân vật đã tốt đẹp hoàn toàn và suốt cả quyển sách, các nhân vật không hề dằn vặt chất vấn mình tốt hay xấu, có gì sai lầm không? Bởi vậy, nội tâm nhân vật đơn giản, ít thuyết phục bạn đọc. Đọc “Mãi mãi tuổi hai mươi”, ta thấy nhân vật chính luôn dằn vặt về phẩm chất của mình: “Hiểu cuộc đời Vương Đình Cung, mà mình hổ thẹn với lương tâm mình. Sao mình hèn kém và nhu nhược đến như vậy. Không thể nào tha thứ được (…). Mình sẽ sống, say sưa, chân thành, cởi mở, trong sách (…) sẽ sống cuộc đời đẹp nhất ở trên trận chiến đánh quân thù” (
Nhật ký Nguyễn Văn Thạc giàu chất thơ bởi nó được viết ra ở hậu phương và tình yêu của họ đang ở giai đoạn đẹp đẽ. Anh nhìn cuộc sống qua lăng kính lãng mạn nên câu văn rất đẹp: “Hoàng hôn thong thả thay màu nước. Và ngôi sao Hôm trầm tư, kiêu hãnh đã mọc lên trời”. Nhiều đoạn văn trong nhật ký có nhạc điệu giống như thơ: “Hình như đôi gót nhỏ, bím tóc xinh xinh. Hình như một buổi sáng xuân e ấp, màn mưa buông che cho mầm, cho lộc xanh màu xanh thương nhớ. Đôi mắt em, đôi môi em và cả tâm hồn em lớn lên trong tiếng nhạc du lòng. Sáng em mở cửa phòng, thấy cành cây ướt đẫm sương khuya, em lại nhớ một bản nhạc. Và em hát. Khúc ca buổi sáng”. Thạc trích dẫn khá nhiều thơ, đưa ra những bình luận về văn chương và có nhiều triết lý rất đáng suy nghĩ: “Sự tu dưỡng nghệ thuật luôn phải gắn liền với sự tu dưỡng của bản thân mình” (
TRƯƠNG THỊ MỸ HƯƠNG