Mấy năm trở lại đây, vào ngày 7 tháng Giêng, trong không khí tưng bừng vui xuân đón Tết, cùng với nhiều hoạt động văn hóa ở khắp các địa bàn trong tỉnh, “Hội đua ngựa An Xuân” (Tuy An) gây được ấn tượng tốt cho nhân dân địa phương và du khách.
Đua ngựa trên Gò Thì Thùng (An Xuân) - Ảnh: Dương Thanh Xuân
Hiện nay, đàn ngựa nước ta đã dần dần bị thoái hóa nên có dáng nhỏ, sức khỏe hạn chế. Ngựa chủ yếu dùng để thồ hàng ở các vùng miền núi. Việc chăm sóc, cải tạo đàn ngựa chưa được chú ý. Do vậy, việc tổ chức được hội đua ngựa như ở An Xuân là rất tốt, mà ít nơi có được.
Song do vị trí hơi “khuất nẻo”, mặt khác “trường đua” còn dân dã, đơn sơ, công tác tổ chức còn mang tính nghiệp dư nên chưa thu hút được nhiều người đến xem và cổ vũ cho các nài ngựa.
Thiết nghĩ, trong kế hoạch khôi phục vốn cổ, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, việc phục hồi và duy trì tổ chức đua ngựa vào dịp xuân về Tết đến rất cần được nghiên cứu, mở rộng quy mô. Đối với một địa phương mà du lịch luôn chỉ nói đến tiềm năng, chưa thấy “món” gì “ra ngô ra khoai” thì đua ngựa có thể là một “đặc sản” của Phú Yên. Song một năm chỉ đua có một lần vào dịp Tết thì cũng chưa thể làm gì nhiều đóng góp cho du lịch. Vả lại, quy mô chỉ dừng lại cấp xã, huyện hỗ trợ thêm một ít, cũng không thể nào thu hút được du khách, và cũng không thể mở rộng ra được.
Nên chăng, ngành Văn hóa và du lịch tỉnh cần nghiên cứu xây dựng một kế hoạch dài hơi, biến An Xuân thành điểm du lịch, tham quan văn hóa vì ở đây có di tích lịch sử địa đạo Gò Thì Thùng, có phong cảnh hữu tình… dễ tạo nên một tổ hợp du lịch sinh thái – văn hóa và lịch sử, vừa góp phần giúp An Xuân phát triển kinh tế – xã hội.
Đối với môn đua ngựa, cần liên hệ với Bình Định, Gia Lai và một số địa phương khác để có thể tổ chức “đua ngựa liên tỉnh”, tạo không khí sôi nổi, hào hứng hơn, thu hút được nhiều du khách hơn.
Về lâu dài, ngành nông nghiệp cũng nên vào cuộc, đưa những giống ngựa to khỏe vào lai tạo với giống ngựa địa phương (như đã làm với đàn bò) để tạo nên đàn ngựa tốt. Mặc dù giao thông ngày nay thuận tiện hơn, phương tiện đa dạng hơn, song đối với vùng sâu, vùng cao, ngựa vẫn còn nhiều hữu ích.
Biết đâu khi Phú Yên có được đàn ngựa tốt, có nhiều “kỵ sĩ” chuyên nghiệp, sẽ lọt vào mắt xanh của các đoàn điện ảnh khi làm các bộ phim về lịch sử (đây là hạn chế mà hiện nay, khi làm phim lịch sử thời Phong kiến chưa khắc phục được. Một số nhà làm phim muốn hợp tác với điện ảnh Trung Quốc, song cũng đang gặp khó khăn). Khi đó đàn ngựa An Xuân sẽ có giá, chứ không chỉ lọc cọc thồ hàng như lâu nay.
Tết Bính Tuất đang đến gần, Sở VH-TT chủ động đặt vấn đề với Bình Định, được họ nhận lời, thì Hội đua ngựa An Xuân năm nay chắc sẽ hấp dẫn hơn bội phần. Sau “Hội đua ngựa An Xuân”, có thể tổ chức đua ngựa ở Tây Sơn – Bình Định tạo cho lễ hội Quang Trung hàng năm thêm một nét mới, hồi nhớ không khí trống trận năm xưa của người anh hùng áo vải với những đội kỵ binh bách chiến bách thắng.
HỮU THỌ