Khi nói đến sự gần gũi với nhân dân để hiểu tâm tư nguyện vọng của dân, lắng nghe ý kiến của dân, thấu tỏ tình cảnh đời sống của dân, bấy lâu nay nhiều người hay dùng lối nói tắt, viết tắt là “phải sát dân” thay cho nói “sâu sát dân”. Cách dùng từ theo lối “tắt” có trường hợp có thể chấp nhận được, nhưng một số trường hợp không nên tùy tiện.
Nói hay viết “sát dân” thay cho “sâu sát nhân dân” là không nên. Nếu quen dùng lối diễn đạt “tắt” trong văn phong, khẩu ngữ, thì nên dùng từ “gần dân” là thể hiện được rồi. Tuy nhiên, để biểu thị sự cần phải gần gũi dân hơn nữa, thì dùng chữ “sâu sát dân”, chứ không nên nói “sát dân”. Trong nghĩa từ Hán - Việt, “sát” còn có nghĩa là giết, nếu dùng “sát dân” nghe như ngày xưa nhà Trần dùng từ “Sát Thát” – diệt quân Thát (Nguyên Mông). Từ “sát” với nghĩa rất gần thì thường dùng trong sát vách, sát chân tường, sát bờ đê, sát núi, sát nhà nhau (chứ không nói “sát nhau”); trong trường hợp hai người đứng sát vào nhau, thì nói “đứng sát nhau”, hay “sát vào nhau” (có phụ từ đi với chữ “sát”).
Theo tôi, nên nói “sâu sát dân” hoặc “gần dân” mới đúng, còn dùng từ “sát dân” là không nên.
HỒ HẢI HIỀN