Thứ Tư, 08/01/2025 04:49 SA
Sao không quyết liệt chống quan liêu?
Thứ Ba, 26/12/2006 08:41 SA

Quan liêu là một căn bệnh mà ngay từ những ngày đầu thành lập chính quyền non trẻ của Nhà nước nhân dân, Lênin và sau này là Hồ Chí Minh đã cảnh báo, nhắc nhở cán bộ, đảng viên trong các cơ quan Nhà nước từ Trung ương đến cơ sở.

 

Quan liêu là một căn bệnh gắn vào một cơ chế - cơ chế tập trung, quan liêu, bao cấp - gây nên sự trì trệ trong tư duy lãnh đạo kinh tế, làm thui chột sự sáng tạo của người lao động và sự phát triển của lực lượng lao động.

 

Quan liêu làm cho cán bộ xa dân, cấp trên không sâu sát cấp dưới. Quan liêu là “bệnh mẹ” đẻ ra nhiều thứ “bệnh con” như chuyên quyền, độc đoán, mệnh lệnh, sách nhiễu… Bệnh quan liêu vì thế đã gây nên nhiều tác  hại to lớn cho bộ máy Nhà nước, cho sự phát triển của xã hội, cho đời sống nhân dân. Tham ô, lãng phí cũng do quan liêu mà ra. Lãnh đạo không sâu sát, không kiểm tra (biểu hiện của sự quan liêu) để cho cấp dưới tham ô (ngày nay thường gọi là tham nhũng, mức độ trầm trọng, nguy hại hơn cả tham ô), gây nên lãng phí làm thiệt hại tiền bạc, tài sản của Nhà nước, của tập thể, của nhân dân.

 

Còn nhớ, đầu những năm 1960, Bác Hồ đã phát động phong trào “3 xây”, “3 chống” trong thời kỳ đầu miền Bắc bắt tay xây dựng chủ nghĩa xã hội. Đó là “chống tham ô, chống lãng phí, chống quan liêu”. Phong trào này đã đem lại kết quả tốt, giáo dục cán bộ, đảng viên, nhân dân ý thức tiết kiệm, tinh thần đấu tranh, xây dựng Nhà nước, xây dựng tập thể, bảo vệ tài sản XHCN, tài sản của nhân dân. Từ phong trào “3 xây, 3 chống”, chúng ta đã có được một đội ngũ cán bộ trong sạch, vững mạnh lãnh đạo công cuộc kiến thiết xây dựng CNXH ở miền Bắc, đấu tranh giải phóng miền Nam thống nhất đất nước.

 

Ngày nay, tham nhũng không chỉ là một bệnh mà trở thành tệ nạn xã hội, thành “quốc nạn”. Đi với nó là sự lãng phí rất lớn trong các mặt hoạt động kinh tế - xã hội. Chúng ta hô hào tiết kiệm nhưng không trị được tham nhũng, không trừ được lãng phí, thì khó mà chuyển hóa sự tiết kiệm thành ý thức của mọi người dân để xây dựng đất nước. Mà lãng phí, không tiết kiệm thì “của cải làm ra khác nào gió vào nhà trống” (Hồ Chí Minh). Quốc hội đã thấy được điều đó và xây dựng luật chống tham nhũng và luật tiết kiệm, chống lãng phí.

 

Nhưng để trị được tham nhũng, trừ được lãng phí, phải triệt để chống quan liêu. Vì quan liêu là mẹ đẻ của tham nhũng, lãng phí. Bấy lâu nay ta thường kêu gọi đấu tranh chống tham nhũng (gần đây mới chống lãng phí, khi thấy thất thoát trong xây dựng lớn quá), mà quên kêu gọi đấu tranh chống quan liêu. Cứ nghĩ như quan liêu nó đã chết với các cơ chế tập trung bao cấp một thời rồi. Nhưng không, quan liêu vẫn sống dai dẳng trong các cơ quan Đảng và Nhà nước. Để chống tham nhũng, lãng phí, thiết nghĩ phải chống quan liêu. Vậy nên chăng gộp cả 3 “thằng” tham nhũng, lãng phí, quan liêu này vào một Nghị quyết của Đảng để mà chống cho có hiệu quả như những năm 1960 Bác Hồ và Đảng ta đã làm.

 

TRẦN HỮU THỌ

 

 

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek