Sau hơn ba năm thực hiện các nghị quyết, quyết định của Trung ương về việc nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị ở cơ sở, nhiều ưu điểm và cả những hạn chế, bất cập, khó khăn đã nảy sinh từ thực tiễn.
Các hội viên người cao tuổi ở thôn, buôn luôn liên hệ mật thiết với chính quyền cơ sở –Ảnh: Thạch Bích
Trong quá trình thực hiện vẫn còn một số khó khăn, hạn chế như: Ban công tác Mặt trận được hình thành tương ứng với tổ dân phố, thôn (riêng các đoàn thể chính trị – xã hội lại tương ứng với chi bộ), đây là điều tạo ra sự khập khiễng trong quá trình lãnh đạo của cấp ủy và sự phối hợp thực hiện các chủ trương, chính sách, kế hoạch của các chi hội đoàn thể chính trị với tổ dân phố.
Tuy số lượng tổ dân phố giảm so với trước khi thực hiện chủ trương trên, nhưng ở nhiều địa phương do khó khăn về địa lý, về giao thông… nên nhiều chi bộ khu dân cư đang phải lãnh đạo từ 4 đến trên 10 tổ dân phố. Trong khi đó quy mô tổ dân phố tuy đã giảm đáng kể, nhưng vẫn còn khoảng 60 đến 80 hộ gia đình. Do đó vấn đề đặt ra là, khi họp tổ dân phố thì không có nơi đủ chỗ ngồi cho dân, nơi nào ở gần các cơ quan Nhà nước, đơn vị quân đội thì có cơ may mượn được hội trường để họp thì không sao, đại đa số còn lại thì phải họp ngoài trời.
Kinh phí hoạt động cho các tổ chức dưới xã, phường hầu như không được bố trí trong ngân sách thường xuyên của chính quyền địa phương, mà việc bảo đảm cho hoạt động của các tổ chức này đang nằm trong tình trạng “tùy cơ ứng biến”, tùy theo khả năng mà mỗi địa phương vận dụng linh hoạt trong việc điều tiết ngân sách để hỗ trợ, nói cách khác là đang trong cơ chế “xin – cho”.
Từ thực tiễn của việc thực hiện chủ trương trên, thiết nghĩ có những vấn đề cần bàn:
Thứ nhất, cán bộ trưởng, phó thôn, tổ dân phố và các chi hội đoàn thể chính trị thuộc nhóm “thổi tù và hàng tổng” nên sự ràng buộc họ với công việc được giao chỉ là tinh thần thái đội và ý thức chính trị, do đó nếu không có sự thống nhất về một cơ chế chính sách đối với đội ngũ này, thì khi có “sự cố” cũng chẳng “cột” được ai.
Thứ hai, cấp có thẩm quyền của chính quyền cần nghiên cứu dành quỹ đất hợp lý, đồng thời đầu tư kinh phí để xây dựng một số nhà họp của dân (như dạng nhà văn hóa chẳng hạn), để cho các thôn, tổ dân phố có điều kiện luân phiên bố trí đủ các cuộc họp cho dân khi cần triển khai các chủ trương, chính sách của trên, tùy theo số lượng thôn, tổ dân phố mà tính toán đầu tư xây dựng bao nhiêu nhà họp vừa tránh lãng phí vừa tránh việc không đủ chỗ để dân ngồi họp, đây cũng là nơi để hội viên – đoàn viên các chi hội đoàn thể chính trị – xã hội có nơi sinh hoạt, không phải “chạy đôn chạy đáo” đi mượn chỗ họp như thực tế hiện nay. Đây là một đòi hỏi hết sức bức xúc hiện nay trên địa bàn dân cư, các cơ quan chức năng cần tính toán sớm một phương án có tính khả thi, nếu không thì chắc chắn các chủ trương, chính sách của cấp trên triển khai xuống đến cấp xã thì “tịt”, còn xuống đến hội viên, đoàn viên và nhân dân hay không thì chỉ có thực tiễn mới trả lời chính xác.
Thứ ba, để tiện cho việc thống nhất lãnh đạo, điều hành, phối hợp thực hiện nhiệm vụ chính trị giữa các chi hội đoàn thể chính trị – xã hội, thì Ban công tác Mặt trận trên tổ chức tương ứng với các chi hội đoàn thể chính trị – xã hội, chịu sự lãnh đạo trực tiếp của chi bộ khu dân cư hoặc chi bộ xã – phường nếu chưa có chi bộ khu dân cư (thôn, tổ dân phố). Rất có thể xảy ra tình trạng Đảng bộ xã – phường lãnh đạo địa phương thông qua các chi bộ khu dân cư, trong khi đó Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam xã phường triển khai quán triệt thực hiện nghị quyết, chỉ thị của cấp ủy Đảng lại xuống thẳng Ban công tác Mặt trận thôn hoặc tổ dân phố (không cần qua chi bộ ở khu dân cư), điều này trên thực tế đã xảy ra chuyện “ông nói gà bà nói vịt” hoặc “trống đánh xuôi kèn thổi ngược”. Khi Ban công tác Mặt trận tổ chức tương ứng với chi bộ khu dân cư thì nên có số lượng ủy viên là từ 7-13 vị, phân công phụ trách các tổ dân phố.
Việc củng cố kiện toàn tổ chức và đổi mới hoạt động của các tổ chức dưới xã - phường vẫn đang còn rất mới mẻ, cần tiếp tục nghiên cứu, trao đổi để tìm ra một mô hình hoàn chỉnh nhằm góp phần nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của cả hệ thống chính trị ở cơ sở, đem lại lợi ích thiết thực cho nhân dân.
MAI MỘNG TƯỞNG